30/10/2017 07:46 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Ngày 27/10, mạng xã hội lan truyền đoạn phim người đàn ông nước ngoài phải nhấc bổng đuôi xe máy một phụ nữ và kéo vào lề đường, do người này ngang nhiên đứng giữa đường quay phim, gây cản trở giao thông. Sự việc xảy ra vào khoảng 10h45 ngày 27/10 trên đường Kim Mã, Hà Nội.
Đoạn phim này cho thấy hai điều: Hoặc ý thức, nhận thức về việc đi đường của người phụ nữ này có vấn đề. Hoặc người này cho rằng mình đủ tự do và sức mạnh cá nhân để muốn làm gì thì làm. Nhiều người đi đường kể lại, sau khi vượt đèn đỏ, người phụ nữ này bất ngờ đứng trước đầu xe hơi để quay phim…
Ngày 28/10, tại The Factory (TP.HCM), nhà văn Nguyễn Quí Đức đã có buổi nói chuyện với chủ đề “Tạo dựng văn hóa cá nhân và cộng đồng”. Nguyễn Quí Đức cho rằng, tự do cá nhân và tự do cộng đồng đều rất quan trọng, nhưng làm sao để đôi bên có được môi trường văn hóa ứng xử phù hợp, để cộng đồng không áp đặt lên cá nhân, và cá nhân không ngăn trở cộng đồng.
Hai câu chuyện vừa đề cập trên đây khác nhau về hiện tượng, tình tiết, nhưng lại khá gần nhau về bản chất - đó là về mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng. Cách ứng xử của người phụ nữ trên đường Kim Mã không chỉ sai về luật giao thông, mà còn cho thấy quan niệm về tự do cá nhân hơi “vô chính phủ”.
Tự do thân thể, tự do đi lại… là những quyền căn bản của con người, nhưng nếu ai cũng đi lại lung tung, bất chấp luật lệ như người phụ nữ trên đây thì chắc chắn đường sá sẽ ách tắc đến mức không còn đi lại được nữa. Đây là chưa nói, nếu người lái xe hơi bất cẩn hoặc mất bình tĩnh thì tai nạn, xô xát có thể xảy ra, hậu quả thật khó lường.
Nhà văn Nguyễn Quí Đức cho rằng việc đấu tranh để có tự do cá nhân, để được tự do bộc lộ cá tính là công cuộc mà cả nhân loại phải nhọc nhằn trải qua. Người Việt trước đây thích dĩ hòa vi quý, nên ít thích bày tỏ chính kiến, sự phản biện, nhưng gần đây thì có vẻ ngược lại. Trên mạng xã hội (nhất là Facebook), ai muốn nói gì thì nói, phê bình, phản biện, thậm chí vu khống, chụp mũ… nhiều vô số kể.
Mặt tích cực của điều này là khích lệ được sự phát triển cái tôi, cái riêng, mặt tiêu cực là đánh đồng ý tưởng lành mạnh với sự nhảm nhí, lăng mạ. “Điều gì đang xảy ra? Chắc chắn giữa cá nhân và cộng đồng chưa tạo dựng được nhịp cầu văn hóa ứng xử hợp lý, để đôi bên được tự do, được phát triển” - Nguyễn Quí Đức nói.
Nhìn xa hơn về quá khứ, sau khi đánh đuổi giặc Minh năm 1427, triều đình sai Nguyễn Trãi và Lương Đăng cùng soạn nhã nhạc cung đình. Nguyễn Trãi tâu: “Thần vâng chiếu soạn nhạc. Không dám không dốc hết tâm sức. Nhưng vì học thuật nông cạn, sợ rằng trong khoảng thanh luật khó được hài hòa. Xin bệ hạ yêu nuôi muôn dân, để chốn xóm thôn không còn tiếng oán hận buồn than, như thế mới không mất cái gốc của nhạc” - dẫn theo bản dịch trong “Đại Việt sử ký toàn thư” (tập 2). Nguyễn Trãi quan niệm rằng: nền tảng của trật tự xã hội và văn hóa chính là lễ, mà gốc của lễ chính là nhạc (nhạc ở đây là sự hài hòa, nhịp nhàng…). Nhưng đi vào tận cùng, gốc của lễ nhạc là khi xã hội không còn ai oán hận, chống phá, nghĩa là phải xây dựng cho được một quan hệ hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng.
Vô Ưu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất