23/04/2019 19:25 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Gần 300 trang trong sách Kim Liên một thuở của Vũ Công Chiến là ký ức về khu tập thể Kim Liên - một trong những khu tập thể đầu tiên Hà Nội. Gắn với ký ức ấy là nỗi niềm của bao con người đã từng gắn bó với nhà tập thể như Chiến.
Buổi ra mắt Kim Liên một thuở diễn ra vào cuối tuần qua, trong khuôn khổ Ngày hội sách Việt Nam tại công viên Thống Nhất (Hà Nội). Cùng với Vũ Công Chiến, tham gia chương trình còn có Bình Ca (tác giả Quân khu Nam Đồng), một người cũng nhiều năm… ở nhà tập thể và cũng đắm đuối với những hồi ức về Hà Nội cũ.
Viết vì những người bạn ở xa thi thoảng lại tìm về
Kim Liên, khu “tập thể cao tầng cao cấp nhất Hà Nội” được xây dựng những năm 1959 với sự giúp sức của rất nhiều chuyên gia và kỹ sư Triều Tiên. Và ngay từ năm 1962, Vũ Công Chiến sống và gắn bó với khu tập thể này cho đến tận bây giờ.
Giờ đã về hưu, đã lên chức ông, tác giả kể rằng, có nhiều bạn bè, hàng xóm ở khu tập thể dù chuyển đi (thậm chí định cư ở nước ngoài) thỉnh thoảng lại về chơi. Mỗi người về khu tập thể Kim Liên vẫn gặp ông, cư dân sống lâu nhất, để hỏi thăm ai còn ai mất, rồi cùng ôn chuyện ngày xưa…
Mỗi dịp gặp bạn bè như thế, nhắc lại những chuyện ngày xưa, bạn bè khoái chí bảo ông: “Hay anh Chiến viết về Kim Liên trên facebook đi, để bọn em vào tán chuyện.”. Thế là tác giả bắt đầu viết và đăng bài lên facebook thật. Đăng liền 6, 7 kỳ, kỳ nào cũng có những cư dân cũ của khu Kim Liên náo nức vào góp ý nhắc thêm đoạn nọ, đoạn kia…Từ nước ngoài, nhiều bạn bè cũng “tìm về” với khu Kim Liên và tác giả qua những bài viết ấy.
Khoảng tháng 11/2018, bên công ty sách đã đến gặp ông đề nghị hợp tác. Ông tập trung hoàn thành bản thảo trong hai tháng rưỡi. Và cuốn sách Kim Liên một thủa ra đời cuối tháng 2 vừa qua.
Vũ Công Chiến sinh năm 1953, vốn là một kỹ sư điện tử của Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, sau đó làm việc tại Viện khoa học Việt Nam và Bộ Công Thương. Năm 2016, ông ra mắt cuốn sách đầu tay mang tên Hồi ức lính và lập tức giành giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội.
Khi được hỏi: “Vì sao ông không viết tiếp đề tài người lính, mà lại viết một khu tập thể xưa cũ?”, ông giãi bày: “ Tôi không phải nhà văn. Trong Hồi ức lính, tôi chỉ là người lính kể chuyện hồi ức của mình, kể chuyện chiến tranh theo cách mình nhìn thấy… Tôi cũng không ngờ, những câu chuyện mộc mạc như thế lại phù hợp với suy nghĩ mọi người.
“Nhiều nhà văn nói với tôi, với nguồn tư liệu như Hồi ức lính, thì nhà văn kỳ cựu sẽ viết thành 7, 8 tập tiểu thuyết. Nhưng người lính tay ngang cứ kể mộc mạc, chả giữ điều gì, thành ra một cuốn sách dày thì hết chuyện để nói…”, ông chia sẻ thêm. “ Tôi không phải nhà văn, viết lại cái mình viết rồi rất khó. Trong khi, câu chuyện về nhà tập thể cũng là một mảng ký ức của mình”.
Lưu giữ ký ức
Những mảng ký ức trong Kim Liên một thủa vô cùng quen thuộc với những ai đã sống trong khu tập thể giai đoạn trước. Đó là màu vôi vàng đặc trưng, là cầu thang bộ lối đi chật hẹp, là những khe cửa hoa ít ánh sáng hay những sảnh cầu thang bộ được cơi nới để đặt đồ đạc cũ, bếp than tổ ong hoặc nơi nhốt chó mèo.
Xa hơn, ở những mối quan hệ của cộng đồng, nhà tập thể là sự chung nhau cái bếp, chỗ rửa rau vo gạo, là nơi trò chuyện, hỏi nhau về giá cân thịt lợn, mớ rau muống ngoài chợ, phiếu mua hàng. Rồi chuyện cho nhau quả chanh quả ớt, thìa mỡ, vài nhúm mỳ chính hay vay nhau bơ gạo, chai dầu hỏa đun bếp lúc nhỡ nhàng…
“Nhiều cư dân tại Kim Liên đã chuyển đi, sinh sống ở những tòa nhà hiện đại sang trọng hơn, nhưng gia đình tôi là vẫn “say đắm” cái nếp sống ở khu tập thể Kim Liên”, tác giả nói. “ Bởi lớp người đầu tiên ở đây đều là các gia đình cán bộ bậc kha khá trở lên. Rất nhiều người từ chiến khu về. Họ sống chan hòa, mộc mạc và nhân ái, dù những năm tháng đó rất khốn khó, bận bịu và thiếu thốn…”
Ông chia sẻ thêm: “Chính lớp cư dân ban đầu của khu Kim Liên đã tạo nên nét “văn hóa khu tập thể Kim Liên” truyền lại đến hôm nay. Ở một nơi rất xa, trong Nam hay nước ngoài, cư dân Kim Liên gặp nhau là nhận “đồng hương”, lập hội bạn bè để thường xuyên gặp gỡ. Đây là nét đẹp không phải khu tập thể nào cũng có”.
Theo tác giả Vũ Công Chiến, khuôn viên ban đầu của những khu tập thể cũ của Hà Nội như Kim Liên, Nam Đồng hay Trung Tự… thường đẹp và thoáng. Khi Hà Nội ngày càng mở rộng thì những khu tập thể đó có xu hướng thành những khu trung tâm, dần đông dân và xuống cấp theo thời gian. Bây giờ, trong cơn sốt đất, những khu tập thể cũ ấy cũng sắp đến lúc được xây lại.
Xây lại, phần nào cũng có nghĩa là xóa đi những hồi ức cũ. Nhưng như lời chia sẻ của tác giả Bình Ca trong buổi ra mắt sách, đó là điều tất yếu. “Các khu tập thể sau 1 nửa thế kỷ đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Và bây giờ tất cả chúng ta đều mơ ước về những ngôi nhà tốt hơn”, tác giả Quân khu Nam Đồng nói. “Nhưng, đã là cuốn sách lưu giữ hồi ức và kỷ niệm, những gì viết trong Kim Liên một thuở sẽ luôn đáng được nâng niu trân trọng”.
Hoài An
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất