02/02/2025 20:07 GMT+7 | Văn hoá
Hồi tôi còn bé tối mùa Đông thấy bà nội ngồi sưởi bên vật dụng là lạ đựng than đỏ hồng, mẹ tôi bảo đó là hỏa lò. Bà kể ở Hà Nội ngày trước, tối mùa Đông có việc cần ra đường, phụ nữ thường xách hỏa lò…
Tôi vẫn nhớ hỏa lò bằng sành hay đất nung gì đó, na ná cái liễn, hai bên có lỗ luồn dây thép để xách. Khi dùng thì xếp than củi vào đốt, than cháy đỏ hồng, tỏa ra hơi nóng giúp chống rét. Nôm na thì hỏa lò là lò sưởi. Ở nhà đốt lên ngồi hơ chân hơ tay, ra phố lại thành lò sưởi di động. Mẹ tôi kể, đi trên hè phố thì xách, đến nhà ai thì để ngoài cửa, lúc về cầm quai hỏa lò vung vẩy vài vòng, than lại bừng cháy.
Đọc sách báo thấy kể xưa ở Việt Nam, vào mùa Đông, dân chúng thường dùng lồng ấp để sưởi ấm. Lồng ấp giống giỏ đan bằng tre, giữa đặt nồi đất nung đựng tro bếp nóng, cho cục than hồng vùi trong tro để giữ ấm được lâu.
Bài báo Ngày Đông nói chuyện lồng ấp cho biết Bảo tàng cổ vật cố đô Huế còn lưu giữ một số lồng ấp bằng đồng, nhiều kiểu dáng như hình quả bí, hình cầu, chữ nhật, ô van, tròn, trang trí nhiều họa tiết sinh động, như cây tùng, ngô đồng, hoa mai, hoa thị, hoa sen,… Bài báo kể: "Tương truyền, để chống lại mùa đông rét mướt và mưa dầm xứ Huế, để an ủi cho các phi tần chưa một lần diện kiến mặt nhà vua, triều đình quy định: đến ngày Đông chí, tất cả bếp lửa trong Tử Cấm Thành đều phải tắt hết, đúng vào lúc nửa đêm, khi cái lạnh giá bắt đầu len lỏi vào tận chốn khuê phòng, nhà vua cho nhóm một bếp lửa lớn ở điện Càn Thành, lúc ấy các phi tần trong cung mang lồng ấp đến để vua cho mỗi người một ít lửa, mang về sưởi ấm và ấp ủ niềm hy vọng sẽ có một ngày được vua quan tâm đến".
***
Cũng qua sách báo thì thế kỷ 17 ở Hà Lan có lò sưởi chân, bằng kim loại, đốt than củi, loại đặt một chỗ để sưởi đôi chân, loại xách đi đường. Lò sưởi chân thiết kế nhỏ gọn nên có thể đem theo trong mỗi lần đi xa bằng xe ngựa, xe trượt tuyết.
Khi tàu hỏa ra đời, lò sưởi chân là dịch vụ phục vụ riêng trên các toa hạng sang. Lò sưởi chân bằng đồng sáng lóe, chạm khắc tinh xảo, có hình hai trái tim lồng vào nhau và lắp dây xích để xách được coi là vật dụng sang trọng dành cho các đôi mới cưới. Lò sưởi như vậy được nhân rộng đến nhiều nơi khác, sang tận châu Mỹ.
Xưa Trung Quốc có lò sưởi cá nhân bằng gốm, đốt than, có quai xách, nắp có lỗ tỏa nhiệt. Lò sưởi nhỏ, người Trung Quốc gọi là thủ lô (như tôi biết thì thủ nghĩa là cầm tay, lô nghĩa là lò đốt lửa - nôm na là lò sưởi cầm tay). Qua ảnh thấy thủ lô nhiều kiểu dáng đẹp, chế tác cầu kỳ, chỉ dành cho người quyền quý. Trong phim Hồng lâu mộng có cảnh nhân vật Vương phu nhân đi ngoài hành lang, gia nhân đi sau không xách mà bê thủ lô. Thi thoảng Vương phu nhân quay lại, đặt hai bàn tay lên thủ lô để sưởi ấm. Gia nhân đi rồi, Vương phu nhân bê luôn thủ lô bằng hai tay.
Nếu không là sơ suất của đạo diễn, chi tiết này cho thấy tuy đốt than ở trong nhưng vỏ thủ lô cách nhiệt rất tốt, có thể bê bằng hai bàn tay mà không bị bỏng. Hẳn vì thế thủ lô còn có tên tụ lô (như tôi biết thì tụ nghĩa là tay áo, nôm na thì tụ lô là lò sưởi trong tay áo), vì ngày trước phụ nữ mặc áo ống tay rất rộng, có thể đưa lò sưởi nhỏ vào trong.
***
Đọc có người viết "Vùng đất xây dựng nhà tù xưa thuộc làng Phụ Khánh, tổng Vĩnh Xương, huyện Thọ Xương, Hà Nội. Phụ Khánh là một làng nghề thủ công nổi tiếng của đất Hà Thành, nơi chuyên làm các loại siêu, ấm đất và bếp lò bằng đất nung để đem bán khắp kinh kỳ, vì vậy làng có tên là Hỏa Lò", tôi ngờ ngợ? Vì với địa phương có nghề đốt than nung thứ gì đó, tiền nhân thường gọi nơi chỉ sản xuất một sản phẩm là lò (như lò gạch, lò vôi), nơi sản xuất nhiều loại sản phẩm thì gọi chung lò gốm, lò gốm sứ, không gọi theo tên một sản phẩm cụ thể. Bếp lò chỉ là một sản phẩm, không bao gồm siêu, ấm đất để gọi Phụ Khánh là làng Hỏa Lò. Như tôi biết thì phố Hỏa Lò xưa kia là nơi bán hỏa lò.
Lớn lên, tối mùa Đông ở Hà Nội, tôi không thấy ai xách theo hỏa lò, nhưng ở Việt Nam vẫn gặp phiên bản của hỏa lò. Như hồi nhỏ ở nơi sơ tán, theo bạn bè đi chăn trâu, có đứa cưỡi trâu cầm bùi nhùi rơm khói nghi ngút, đứa xách ống bơ sữa bò có quai trong đầy than đỏ hồng. Có đứa nghịch ngợm, vung tay quay tít cái ống bơ đựng than, lửa bùng lên, tàn bay lả tả.
Vào mùa Đông bùi nhùi, ống bơ than là vật dụng giữ lửa, sưởi ấm. Ra đồng, lên đồi thả trâu xong cả bọn túm tụm nhóm lửa, đi kiếm củ sắn, củ khoai, bắp ngô,… về nướng. Ăn xong mồm miệng đứa nào đứa nấy đen nhẻm. Có mùa Đông, tôi đến một làng ven biển, lang thang trong rừng phi lao, gặp đám trẻ đang nhặt quả phi lao khô. Hỏi thì biết mỗi đứa đều xách một cái ống bơ dùng đốt quả phi lao để sưởi.
Nhớ lại thấy cũng tài, có bác làm đồng không mang điếu cày, từ ruộng đi lên là lấy đất nhão đắp cái ụ rỗng bằng bàn tay úp. Ụ có hai lỗ, một lỗ nhồi "bi" thuốc lào, một lỗ cắm đoạn ống rơm hoặc ống đu đủ. Châm lửa từ bùi nhùi xong bác chổng mông rít, khói nghi ngút, bác khà một tiếng vẻ sảng khoái.
Nể nhất có bác nắm hờ bàn tay trái tạo thành cái ống, nhồi thuốc lào vào một đầu rồi châm lửa, ghé miệng vào đầu còn lại hóp má hút cật lực. Đầu có thuốc lào đỏ lừ mà tay bác không bị bỏng. Xong cũng bác khà, rồi khặc khừ say.
Có lần theo mấy tay bạn đi chăn trâu, trời không mưa mà một thằng khoác áo tơi. Ra đồng mới biết nó trộm được ở nhà con vịt. Thả trâu xong, bóp cổ con vịt rồi đắp bùn thành ụ, vơ rơm rạ, ghé bùi nhùi vào thổi bùng lửa. Rơm rạ cháy âm ỉ cả tiếng đồng hồ, dỡ ụ đất lấy con vịt ra, cả bọn vặt lông, gỡ thịt chấm muối!
Lâu rồi tới nhà bạn ở Thành Công (Hà Nội) nhìn trên bàn có hộp hình chữ nhật màu đỏ dãy phím bấm bằng nhựa trắng ngà, tôi bảo: "Có cassette mới sao không mời anh em nghe tý nhạc". Bạn ngạc nhiên, tôi chỉ cái hộp. Bạn bật một phím là một cái ống đỏ rực, bật ba phím là ba cái ống đỏ rực, hóa ra lò sưởi điện có sợi mai-so cuốn quanh lõi sứ cách điện. Nhớ những lúc rét run cầm cập, tôi nhìn cái lò sưởi mai-so đầy trân trọng. Sau thấy nhà khác có lò sưởi dầu màu đỏ là hộp kim loại phẳng dựng đứng, dưới có giá bốn chân, trên có dàn kim loại đặt quần áo lên sấy, tôi càng nể. Nghĩ chẳng bao giờ có mấy thứ đó để cả nhà chống chọi với rét mướt.
Vậy mà ngoảnh đi ngoảnh lại, giờ có lẽ chẳng mấy ai còn nhớ trên đời từng có lồng ấp, hỏa lò, thủ lô, và lò sưởi mai-so, máy sấy quần áo của Liên Xô (cũ) cùng trở thành vật dụng đã quá vãng. Trong khi thời gian mùa Đông dường như đang ngắn hơn, rét buốt dường như cũng ít hơn thì vật dụng chống rét lại phong phú, sinh động, phù hợp mọi loại nhu cầu. Nào máy sưởi, máy sưởi dầu, đèn sưởi, quạt sưởi, tấm sưởi điện, nào chăn đệm sưởi, túi sưởi, tất sưởi, túi chườm nóng thảo dược, dàn sưởi sàn nhà, ngồi làm việc có túi sưởi đặt trên đùi, hoặc để trong chăn, đủ ấm từ tối đến sáng.
Quá nhiều cái mới, không thể nhanh chóng tìm hiểu nên tôi mới gặp nhiều chuyện buồn cười, như một sáng mùa Đông, áo quần sù sụ, ngồi café với bạn bên Hồ Tây, gió thổi ù ù mà không rét, chỉ hai bàn tay cóng buốt luôn phải cho vào túi. Nhìn cô bạn vừa cắn hạt hướng dương vừa xoa tay trên quả bóng tennis. Tò mò hỏi, hóa ra không phải quả bóng tennis mà là túi chườm tay càng xoa càng tỏa nhiệt.
Hôm khác mùa Đông, xem truyền hình trực tiếp thấy đoàn nữ diễn viên váy áo mỏng manh nhảy múa giữa trời, thắc mắc sao không lạnh. Nghe vậy hôm sau con mua về cái túi, bảo rằng trong có miếng dán chống rét. Chờ sáng thật rét trước khi đi làm tôi lấy ra dán vào lưng. Đi được nửa đường thì toát mồ hôi, vội vàng phóng đến cơ quan cởi bớt áo.
***
Sang châu Âu, biết các gia đình đã có hệ thống sưởi trong nhà, nên đến một gia đình sống trong biệt thự kiểu cũ thấy lò sưởi củi vẫn bập bùng lửa đỏ tôi lại tò mò, giả bộ đến gần xem sao. Hóa ra là cái đèn tạo hình ảnh ngọn lửa bập bùng nhìn y như lửa lò sưởi. Hẳn gia chủ làm như vậy để duy trì không gian cổ điển của căn phòng, có khi còn nhắc nhớ cuộc sống của cha ông thời xưa.
Và tôi cũng vậy, vẫn nhớ tối mùa Đông các gia đình ngồi quanh bếp lửa, vừa sưởi ấm, chuyện trò, vừa lùi củ sắn củ khoai, rang mẻ ngô. Rồi buổi tối ở một số khu du lịch thấy quanh đống lửa trên bãi cỏ, từ trai thanh gái lịch đến ông già bà cả, người hát hò, người nắm tay nhảy múa, người lúi húi nướng khoai, nướng ngô, tất cả đều ra chiều hể hả. Cũng vui!
Xưa ở Việt Nam, vào mùa Đông, dân chúng thường dùng lồng ấp để sưởi ấm. Lồng ấp giống giỏ đan bằng tre, giữa đặt nồi đất nung đựng tro bếp nóng, cho cục than hồng vùi trong tro để giữ ấm được lâu.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất