16/06/2020 08:04 GMT+7 | Giải trí
(giaidauscholar.com) - Ngày 12/6 vừa qua, bộ phim có tên Sky Tour của nam ca sĩ Sơn Tùng M-TP đã chính thức được công chiếu trên khắp cả nước. Đây được xem là phim tài liệu về đêm nhạc có tính quy mô trên màn ảnh rộng đầu tiên của Việt Nam.
Có thể coi Sky Tour là bộ phim thuộc thể loại concert film - vốn phổ biến trên thế giới. Hãy cùng nhìn lại sự phát triển của thể loại này.
Hiệu ứng làm concert film trên thế giới
Concert film là một thể loại phim tài liệu về các chuyến lưu diễn của nghệ sĩ âm nhạc nào đó, bao gồm các cảnh quay hậu trường, tập luyện hay phỏng vấn... Thông thường nội dung phim sẽ gắn liền với quá trình “thành danh” hay một cột mốc quan trọng trong cuộc đời sự nghiệp của nghệ sĩ trong phim.
Đối với khán giả trên thế giới, một bộ phim tài liệu âm nhạc về chuyến lưu diễn hay ra mắt của ca sĩ đã xuất hiện khá sớm. Từ đầu thập niên 1980, thể loại này đã dần được hình thành, chẳng hạn như những nội dung ghi lại buổi lưu diễn The Virgin Tour của danh ca Madonna. Hay, cũng phải kể tới bộ phim Madonna: Truth Or Dare (1991), kể về cuộc đời của bà và chuyến lưu diễn Blond Ambition World Tour trong năm 1990. Bộ phim có ngân sách chỉ 4,5 triệu USD và thu về tới 29 triệu USD thời bấy giờ.
Hồi năm 2009, một tác phẩm cũng không kém phần quan trọng, kể về khoảng thời gian cuối đời của giọng ca huyền thoại Michael Jackson được ra rạp - Michael Jackson’s This Is It. Tổng chi phí sản xuất cho bộ phim này khá cao (60 triệu USD) nhưng đã rất thành công và thu về 261,2 triệu USD. Bộ phim bao gồm những tư liệu về “ông hoàng nhạc pop” tập luyện vũ đạo, sân khấu để chuẩn bị cho tour diễn sắp tới.
Có thể nói, concert film vừa một phần “đánh bóng” được tên tuổi của nghệ sĩ đó vừa mang lại nguồn lợi nhuận không hề nhỏ. Vì thế mà đã có không ít nghệ sĩ trẻ sau này cho ra đời những thước phim tương tự. Điển hình là hiện tượng âm nhạc toàn cầu vào đầu năm 2010 - Justin Bieber. Sau thành công vang dội của các ca khúc như One Time, Love Me và Baby... Justin Bieber trở thành ngôi sao âm nhạc hàng đầu khi mới chỉ 16 tuổi.
Năm 2011, anh cho ra mắt bộ phim Justin Bieber: Never Say Never. Với thời lượng kéo dài 105 phút, phim kể về hành trình đếm ngược 10 ngày của nam ca trẻ trước đêm diễn tại sân vận động huyền thoại Madison Square Garden (đêm diễn bán hết vé chỉ trong 22 phút). Với vốn đầu tư mà hãng Paramount bỏ ra chỉ 13 triệu USD, phim thu về tới 99 triệu USD. Với đà thành công trên, Justin Bieber tiếp tục trình làng người hâm mộ bộ phim tài liệu thứ hai trong sự nghiệp mang tên Believe (2013). Với trọng tâm xoay quanh chuyến lưu diễn khắp nước Mỹ của anh, bộ phim có doanh thu phòng vé lên tới 32,2 triệu USD từ ngân sách ban đầu chỉ vỏn vẹn 5 triệu USD.
Ngoài ra, một tên tuổi đình đám khác là nữ ca sĩ Katy Perry cũng tham gia trình làng phim tài liệu kiểu concert với Katy Perry: Part Of Me (2012). Phim kể về thời thơ ấu, tuổi thiếu niên cũng như sự nghiệp và cuộc sống cá nhân của cô cùng với 127 buổi trình diễn. Bộ phim được đánh giá cao, đạt 76% “cà chua tươi” trên Rotten Tomatoes và có doanh thu là 32,7 triệu USD.
Không chỉ dừng ở Mỹ, nhóm nhạc Anh - One Direction cũng đã tạo một dấu ấn đáng nể. Cụ thể, nhóm cho ra mắt bộ phim One Direction: This Is Us (2013). Với kinh phí 10 triệu USD và thu về 68,5 triệu USD.
Học hỏi cho giấc mơ “Mỹ tiến”
Sức hút của concert film nó đã dần được lan rộng sang châu Á và nổi bật nhất là nền âm nhạc Hàn Quốc. Họ đã học theo cách làm này của phương Tây và bắt đầu rộ lên từ năm 2012. Các bộ phim tài liệu âm nhạc đi đầu tại xứ sở kim chi có thể kể đến như I AM (2012) hay Big Bang Made: The Movie (2016), Eyes On Me: The Movie (2019)...
Trong đó, cái tên BTS là nổi bật hơn cả với tổng cộng 3 bộ phim tài liệu bao gồm: Burn The Stage: The Movie (2018), BTS World Tour: Love Yourself In Seoul (2019) và Bring The Soul: The Movie (2019). Những bộ phim này đều ghi lại những thành quả đáng kinh ngạc của nhóm khi thực hiện các chuyến lưu diễn lừng danh thế giới như The Wings Tour, Love Yourself Tour và Love Yourself World Tour. Cả 3 có doanh thu lần lượt là 20,3 triệu USD, 13,9 triệu USD và 24,3 triệu USD - chẳng hề thua kém gì những nghệ sĩ châu Âu và châu Mỹ đã làm.
BTS còn đang “ôm ấp” mong muốn trở thành nhóm nhạc Hàn Quốc đầu tiên giành giải Grammy danh giá của Mỹ. Tại Việt Nam, nó đã dần trở thành nguồn cảm hứng lớn nhất cho phim tài liệu Sky Tour của Sơn Tùng M-TP ra đời.
Sky Tour là thước phim ghi lại những cảnh hậu trường, phỏng vấn diễn ra xuyên suốt chuyến lưu diễn cùng tên của Sơn Tùng M-TP trong năm 2019 vừa qua. Theo chân anh biểu diễn tại 3 thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.
Giọng ca Chạy ngay đi từng thổ lộ rằng chính nhóm nhạc BTS đã đánh thức ước mơ “Mỹ tiến” trong trái tim anh và là tiền đề hình thành nên Sky Tour. Được biết, trong 48 giờ đầu tiên, bộ phim đã lập kỷ lục với 10 nghìn vé được bán ra. Ra mắt từ ngày 12/6 vừa qua, bộ phim nhận xét được nhiều đánh giá tích cực của khán giả.
Sky Tour mang đầy đủ yếu tố của một concert film như các màn trình diễn sôi động, phỏng vấn, hậu trường... mà các nghệ sĩ lớn trên thế giới đã và đang làm.
Trên thực tế, thành công của các ban nhạc Hàn Quốc đã tạo ra một minh chứng rõ ràng và cụ thể cho hướng đi của thể loại này. Hiện giờ, họ đã rất thành công trong việc đi theo và làm theo những concert film trên thế giới, nhưng cũng rất biết đưa thêm vào đó những đột phá, đổi mới của mình.
Thành Quách
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất