31/03/2025 16:00 GMT+7 | Tin tức 24h
80 năm trước, phong trào "Bình dân học vụ" do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động là một biểu tượng của lòng quyết tâm, ý chí, tinh thần đoàn kết giúp người dân thoát khỏi mù chữ, tiếp cận tri thức.
Ngày nay, trong kỷ nguyên số và hướng tới xã hội thông minh, tinh thần ấy đang được kế thừa và phát triển với phong trào "Bình dân học vụ số". Phong trào có sứ mệnh phổ cập kiến thức, kỹ năng số đến mọi tầng lớp nhân dân, để không ai bị bỏ lại phía sau tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Tổng Bí thư Tô Lâm từng nhận định: "Đây không chỉ là một sáng kiến giáo dục, phong trào "Bình dân học vụ số" còn là cầu nối giữa quá khứ và tương lai. Bằng việc phát huy bài học lịch sử, phấn đấu xây dựng một xã hội không chỉ giàu tri thức mà còn giàu sức mạnh công nghệ, sẵn sàng hội nhập, phát triển."
Từ phong trào "Bình dân học vụ" - kỳ tích của ngành giáo dục Việt Nam năm xưa
Ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: "Nạn dốt là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta. Hơn 90% đồng bào ta mù chữ... Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ".
Thực hiện ý kiến của Bác, ngay sau phiên họp đầu tiên của Chính phủ, ngày 8/9/1945, Chính phủ đã ban hành 3 sắc lệnh, đó là: Sắc lệnh 17/SL thành lập Nha bình dân học vụ, Sắc lệnh 19/SL quy định mọi làng phải có lớp học bình dân và Sắc lệnh 20/SL cưỡng bức học chữ quốc ngữ không mất tiền; đặt sự nghiệp bình dân học vụ vừa là một phong trào cách mạng, vừa là thiết chế giáo dục của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức phát động Phong trào “Bình dân học vụ số”. Ảnh: Dương Giang - TTXVN
Thực hiện sắc lệnh, phong trào Bình dân học vụ nhanh chóng được triển khai, lan rộng và ăn sâu vào từng thôn xóm, bản làng. Và chỉ một năm sau, đã có 75.000 lớp học được tổ chức với sự tham gia của 95.000 giáo viên; trên 2,5 triệu người đã biết đọc, biết viết. Đây là một kỳ tích có một không hai về xã hội hóa học tập trong lịch sử giáo dục.
Phong trào Bình dân học vụ cứ thế phát triển, đi theo đồng bào tản cư kháng chiến, theo các đoàn dân công tới các chiến trường... Những lớp bổ túc văn hóa, tiếp sau bình dân học vụ xóa mù chữ đã đưa 8 triệu người dân trong 9 năm kháng chiến (1946-1954) vừa lo chống giặc giữ nước, vừa học tập, thoát nạn mù chữ, và 5 năm sau, năm 1959, tất cả các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng trung du miền Bắc đều hoàn thành nhiệm vụ xóa mù chữ cho nhân dân ở độ tuổi 12-50. Kết thúc kế hoạch năm năm lần thứ nhất (1961-1965) các tỉnh miền núi phía Bắc đã xóa xong nạn mù chữ cho nhân dân các dân tộc thiểu số.
Kinh nghiệm thực tiễn xóa mù chữ ở miền Bắc đã trở thành những bài học quý báu cho công cuộc xóa nạn mù chữ ở miền Nam ngay sau ngày đất nước thống nhất. Cuối tháng 2/1978, toàn bộ 21 tỉnh, thành phố ở miền Nam đã cơ bản thanh toán nạn mù chữ. Việc sớm xóa nạn mù chữ là yếu tố vô cùng quan trọng để đưa đất nước ta phát triển và đổi mới như ngày nay.
Đến "Bình dân học vụ số" để Việt Nam vươn lên mạnh mẽ hôm nay
Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới. Tuy nhiên, phần lớn người dân chưa được trang bị đầy đủ tri thức và kỹ năng về công nghệ số. Vì vậy, "xóa mù" về chuyển đổi số" trở thành nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp bách để Việt Nam không bị tụt hậu và có thể vươn lên mạnh mẽ trên trường quốc tế.
Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nhấn mạnh: "Tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của doanh nhân, doanh nghiệp và Nhân dân đối với phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Xác định đây là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; được triển khai quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, nhất quán, lâu dài với những giải pháp đột phá, mang tính cách mạng". Vì vậy, trong bối cảnh thế giới bước vào kỷ nguyên số, "Bình dân học vụ" đã khoác lên mình tấm áo mới - "Bình dân học vụ số". Có thể nói, phong trào "Bình dân học vụ số" là nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Việc phổ cập tri thức số cho toàn dân chính là nền móng để xây dựng một xã hội tri thức, hình thành thế hệ công dân số chủ động, sáng tạo, thích ứng linh hoạt với thời đại.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan nền tảng “Bình dân học vụ số”. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
Trong buổi gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam ngày 18/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: "Phong trào Bình dân học vụ với chính sách "cưỡng bức học chữ quốc ngữ không mất tiền" sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, tương ứng sau 13 năm và 20 năm, đã căn bản xóa xong nạn mù chữ ở vùng đồng bằng và trung du, miền núi miền Bắc - hậu quả do chính sách ngu dân của thực dân Pháp xâm lược. Thành tựu xóa nạn mù chữ là nền tảng đầu tiên, căn bản nhất để cách mạng Việt Nam vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao mới, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và đạt được thành tựu vĩ đại sau 40 năm đổi mới đất nước."
Cũng tại buổi gặp này, theo Tổng Bí thư, một trong những công việc cần làm ngay, đó là phát động thực hiện phong trào "Bình dân học vụ số". Tổng Bí thư chỉ rõ: "Thực tế hiện nay, còn tỷ lệ lớn người dân, kể cả cán bộ trong cơ quan nhà nước chưa nắm vững về chuyển đổi số... Để thực hiện thành công Nghị quyết này, yêu cầu nhanh chóng phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số cho toàn dân đang đặt ra cấp thiết."
Phát biểu tại Lễ phát động phong trào và ra mắt nền tảng "Bình dân học vụ số" mới đây ngày 26/3/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: "Bình dân học vụ số" là một nhiệm vụ quan trọng nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị; hưởng ứng và thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về học tập suốt đời và triển khai phong trào "Bình dân học vụ số".
Đất nước đang đứng trước cơ hội lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới, phát triển mạnh mẽ với động lực chính đến từ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Thủ tướng lưu ý, cả nước phải thực hiện nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp bách là phổ cập tri thức, công nghệ về chuyển đổi số, kỹ năng số cho toàn dân.
"Đi từng ngõ, đến từng nhà, hướng dẫn từng người" để thực hiện "Bình dân học vụ số"
Trong thời gian qua, công tác chuyển đổi số quốc gia đã đạt nhiều kết quả tích cực. Theo đó, phong trào "Bình dân học vụ số" được triển khai với 3 nền tảng. Cụ thể, nền tảng học trực tuyến mở đại trà One Touch và nền tảng học trực tuyến mở đại trà MobiEdu đào tạo cho hơn 1,2 triệu lượt cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, đồng thời phổ cập kỹ năng số miễn phí cho hơn 40 triệu lượt người. Còn nền tảng Bình dân học vụ số đã đào tạo hơn 200.000 lượt cán bộ, công chức và lực lượng vũ trang.
Đoàn viên thanh niên phường Hàng Bồ (quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội) hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính công trên thiết bị điện thoại thông minh. Ảnh: Phạm Hậu –TTXVN
Chỉ đạo tại Lễ phát động phong trào và ra mắt nền tảng "Bình dân học vụ số", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phong trào "Bình dân học vụ số" phải trở thành một phong trào cách mạng, toàn dân, toàn diện, sâu rộng, không ai bị bỏ lại phía sau..., mỗi Đảng viên, cán bộ, công chức phải tiên phong, gương mẫu trong thực hiện phong trào, tinh thần là "đi từng ngõ, đến từng nhà, hướng dẫn từng người" và với phương châm "triển khai nhanh chóng - kết nối rộng khắp - ứng dụng thông minh".
Theo lãnh đạo Bộ Công an, với vai trò là cơ quan thường trực của Đề án 06, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Đại học Bách khoa Hà Nội, cùng các bộ, ngành, địa phương tổ chức xây dựng, hoàn thiện và đưa vào vận hành nền tảng "Bình dân học vụ số" - nền tảng đào tạo tập huấn quốc gia do Bộ Công an và Đại học Bách khoa triển khai quản lý và vận hành.
Trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy chuẩn kỹ thuật kết nối với các nền tảng số khác nhằm phục vụ hiệu quả công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Với các tính năng ưu việt, nền tảng "Bình dân học vụ số" đã sẵn sàng đưa vào khai thác, vận hành trên toàn quốc từ ngày 1/4/2025.
Theo Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy, thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, với tinh thần xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ, Ban Bí thư Trung ương Đoàn, các cấp bộ Đoàn và đoàn viên, thanh niên cả nước cam kết sẽ triển khai sâu rộng và hiệu quả phong trào này đến các cấp bộ Đoàn trên cả nước. Trong đó, tập trung vào một số giải pháp, nhiệm vụ như: thành lập và phát huy mạnh mẽ vai trò của Tổ công nghệ cộng đồng trong hỗ trợ người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, tham gia kinh tế số sử dụng các nền tảng, dịch vụ số an toàn, hiệu quả; tổ chức các lớp "Bình dân học vụ số" để phổ biến kiến thức, kỹ năng công nghệ cho nhân dân với nhiều hình thức cả trực tiếp và trực tuyến...
Trong kỷ nguyên số và hướng tới một xã hội thông minh, mỗi người cần chủ động học hỏi và thích nghi để không bị bỏ lại phía sau. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Hôm nay, khi tri thức mang màu sắc công nghệ, nhận định ấy càng trở nên đúng đắn và cấp thiết. Phong trào "Bình dân học vụ số" là hành trình khai mở dân trí bằng ánh sáng của thời đại - ánh sáng của dữ liệu, của mạng kết nối, của công nghệ thông minh. Đó là hành trình không của riêng ai mà là của tất cả - mỗi người dân đều là chủ thể, người học, người dạy, là người chia sẻ, người kiến tạo.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất