Nadal vô địch Roland Garros 2010: Chỉ có một Nadal

07/06/2010 19:13 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH Online) - 4-6, 2-6 và 4-6 và Nadal vô địch. Vẫn chỉ là 3 set đấu như tất cả các trận khác từ đầu giải và 140 phút đồng hồ là chiếc cúp thuộc về anh. Tại sao Nadal thắng dễ đến vậy và điều gì khiến Soderling bại trận chóng vánh?

* Hình ảnh săn mồi của con báo hoa

Những con số thông kê thường chỉ mang ý nghĩa tham khảo nhưng trong trận chung kết này thì chúng hoàn toàn "biết nói". Soderling mắc tới 45 lỗi đánh hỏng, nhiều gần gấp 3 Nadal (16 lỗi). 8 cơ hội giành break, Soderling không tận dụng được lần nào trong khi Nadal dù không thật hiệu quả nhưng cũng có 4 lần chiến thắng trong game đấu anh không cầm giao bóng sau 12 cơ hội anh có được.


Nadal vô địch Roland Garros 2010 -  Ảnh Getty
Phải chăng Nadal của buổi tối hôm qua (6/6) là Nadal xuất sắc nhất trên mặt sân đất nện ở Roland Garros từ trước tới nay? 21 set đấu toàn thắng của anh từ đầu giải là sự lặp lại của kỳ tích mà anh từng lập nên 2 năm  về trước, cũng ở Paris này. Nhưng không dễ để khẳng định rằng đây là Nadal hay nhất ở Roland Garros.

Ở kinh đô ánh sáng tối qua, tay vợt người Tây Ban Nha một lần nữa thể hiện khả năng di chuyện siêu hạng với những bước chạy thần tốc nhưng vẫn vô cùng mềm mại. Rõ ràng, Nadal là tay vợt nam có tốc độ di chuyển nhanh nhất hiện nay. Nhìn Rafael mở tốc độ, người ra thấy nó có nét gì giống với hình ảnh săn mồi của con báo hoa. Dũng mãnh, mềm mại và cực kỳ thần tốc. Phải là Nadal và chỉ anh mới có thể cứu được những đường banh tưởng như không thể, dựa trên nền tảng thể lực sung mãn và khả năng bắt tốc độ cực tốt của mình.

Soderling cũng là tay vợt có lối chơi thiên về sức mạnh. Nhưng trận bán kết kéo dài 5 set đấu và hơn 3h30 phút đồng hồ  với Berdych đã lấy đi của anh rất nhiều năng lượng. Điều đó một phần cắt nghĩa tại sao tay vợt Thụy Điển tỏ ra mệt mỏi trong trận chung kết khi những cú giao bóng của anh đã không còn uy lực và độ chính xác cao như khi anh đánh bại Federer ở tứ kết.

* "Tinh thần Rafael"

Nadal chưa bao giờ quá mạnh về giao bóng nhưng những cú giao bóng của anh thường rất xoáy, dù tốc độ bay của nó không quá nhanh. Chỉ thế thôi cũng đủ khiến đối thủ  của anh gặp rắc rối. Việc Soderling đánh hỏng quá nhiều là một trong những đòn chí mạng khiến giấc mơ vô địch Roland Garros lần đầu tiên trong sự nghiệp của anh tan biến. Có rất nhiều tình huống, tay vợt Thụy Điển đã dồn được Nadal về một góc để cứu bóng nhưng sự nôn nóng đã khiến Soderling rất hay đánh ra ngoài khi thực hiện quả vụt thuận tay quyết định. Khi trước mắt anh mở ra cả một góc rộng ở phía đối diện, tay vợt Thụy Điển chỉ cần tung ra một cú thuận tay với lực vừa phải là có thể giành điểm trước Nadal, nhưng trong rất nhiều tình huống cú forehand của Soderling lại tỏ ra thừa lực, đưa bóng đi ra ngoài đường baseline một cách đáng tiếc và cũng rất đáng trách dù trong phần lớn các trường hợp đó anh ở thế tấn công và hoàn toàn chủ động trong xử lý tình huống.

Dĩ nhiên là những cú backhand của Soderling thì chưa bao giờ đạt tới độ ổn định và chính xác cao nhưng ngay cả cú forehand mà anh từng thể hiện tuyệt hay trước Federer thì tối qua anh lại chơi rất tệ. Việc Soderling đánh hỏng quá nhiều có thể xem là sự bất ổn về tâm lý. Nhưng xét về sâu xa thì đó là vấn đề thuộc về đẳng cấp bởi xét cho cùng thì một nhà vô địch đích thực không thể chiến thắng với cái đầu sợ hãi và đánh mất niềm tin ở chính mình trong những giờ phút cân não.

Đó là vấn đề của Soderling chứ với Nadal thì không. Tay vợt người Tây Ban Nha luôn theo bóng tới cùng và gương mặt anh toát lên không chỉ là khát vọng chiến thắng mà còn cả tinh thần quyết đấu của một chiến binh. Dễ thấy là trong phần lớn các pha đánh giằng co phần thắng thường thuộc về Nadal. Không chỉ là với Soderling nhưng trận chúng kết tối qua một lần nữa trở thành minh chứng sống động cho cái gọi là "tinh thần Rafael". Cực kỳ lì đòn, nhẫn nại và bền bỉ.

Một sai lầm nghiêm trọng khác mà không ít tay vợt đã mắc phải khi đụng Nadal và tối qua Soderling lại đi trên con đường "diệt vong" đó. Đó là anh dồn trái quá nhiều đối với "ông vua" sân đất nện' Thông thường thì hầu hết các tay vợt  đều thuận tay phải nên việc liên tục tung ra những cú đánh vào phía trái của đối thủ là chiến thuật tấn công quen thuộc vẫn được sử dụng. Nhưng Nadal lại thuận tay trái nên những cú ép trái của Soderling đưa bóng đi đúng vào tay thuận của Rafael và tay vợt Tây Ban Nha hiếm khi thất bại trong những tình huống chống đỡ đó. Nếu ai đã xem trận chung kết thì đều thấy là những pha tập kích vào bên phải Nadal của Soderling thành công hơn là vào bên trái. Khi đối mặt với một cú ép phải thì thường là Nadal không dễ phản công lại bằng một cú đánh uy lực mà những cú trả bóng của anh thường không mạnh và quỹ đạo đi của trái bóng thường không hiểm hóc như khi anh "xuất chiêu" từ bên trái. Đáng tiếc là Soderling ép phải quá ít đối với Nadal.

Nhưng tay vợt Thụy Điển không phải buồn nhiều. Bởi không phải ai cũng đánh bại được cả 2 "quái kiệt" của thế giới banh nỉ ở Roland Garros chỉ trong vòng 1 năm. Không phải ai cũng có thể vào chung kết Roland Garros 2 năm liên tiếp. Cái mà Soderling còn thiếu cũng chính là thứ đã chia cắt anh với chiếc cúp vô địch Grand Slam đầu tiên của sự nghiệp. Đó là đẳng cấp và bản lĩnh của nhà vô địch. Soderling còn cách vòng nguyệt quế một khoảng. Và dù gần hay dù xa thì cái khoảng đó đã khiến anh không thỏa giấc mơ.

Dĩ nhiên những phân tích trên đây không hề làm giảm đi ý nghĩa chiến thắng của Nadal, cùng tài năng và đẳng cấp của anh. Người hâm mộ banh nỉ một lần nữa phải nhớ những cú líp bóng đã trở thành "đặc sản" của Rafael. Bóng thường đi cực xoáy và có quỹ đạo chúc xuống rất thấp nên đối phương rất khó có thể phòng thủ thành công trong những tình huống đó. Một khi Nadal đã hội tụ cả sức mạnh và sức bền thể lực đáng thèm muốn, tốc độ di chuyển cực nhanh, lì đòn và ý chí  thi đấu vô cùng sắt đá thì quả thực không ai xứng đáng lên ngôi ở Roland Garros ngoài anh.

Một chiến thắng "3 tron 1" cho nhà vô địch người Tây Ban Nha. Một cuộc báo thù cho thất bại trước chính Soderling ở vòng 4 Roland Garros 2009. Một cuộc tái chiếm vương miện của giải Grand Slam mà anh để mất sau 4 lần đăng quang liên tiếp. Và cuối cùng, một cuộc lật đổ ngoạn mục ngôi số 1 trên BXH ATP mà Federer đã nắm giữ bấy lâu nay. Còn có gì tuyệt vời hơn thế? Paris ngả mũ chào Rafael. Nhà vua đã trở lại. Paris ghi dấu hình ảnh một chiếc cúp của ý chí, của nghị lực vượt khó, của đẳng cấp và tài năng.

Từ Monte Carlo tới Roland Garros và từ Roma Masters tới Madrid Masters là 4 chiếc cúp vô địch sân đất nện cho chỉ một người hùng.  Grand Slam thứ 7 trong sự nghiệp ở tuổi 24. Cúp vô địch Roland Garros thứ 5 để mừng sinh nhật lần thứ 24 vừa mới qua chưa lâu. Nadal... và con tim đã vui trở lại. 2 tuần nữa là Wimbledon. Và giấc mơ lại bắt đầu...

BXH mới nhất của ATP (5 tay vợt nam hàng đầu)

1. Nadal (TBN) 8700 điểm

2. Federer (Thụy Sĩ) 8390 điểm

3. Djokovic (Serbia) 6675 điểm

4. Murray (Scotland) 5385 điểm

5. Davydenko (Nga) 4785 điểm


HT

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm