“Hiệp sĩ” đường phố Nguyễn Xuân Chinh tử nạn: Muốn được công nhận liệt sĩ

06/09/2010 13:04 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Ngày 3/9 vừa qua, tang lễ “hiệp sĩ” Nguyễn Xuân Chinh đã hoàn tất, nhưng còn một câu chuyện mà chúng tôi muốn kể thêm. Bởi anh không chỉ quả cảm khi truy bắt tội phạm mà còn dũng cảm vượt lên những sai lầm và dám thực hiện ước mơ của mình.

Và còn một nguyện vọng của gia đình anh mong muốn được Nhà nước xem xét và phong tặng danh hiệu liệt sĩ cho anh.

Tự lập từ bé và từng mắc sai lầm


Huy chương tuổi trẻ dũng cảm của TW Đoàn TNCS truy tặng cho “hiệp sĩ” Chinh

Căn nhà cấp 4 tềnh toàng giữa rừng cao su bạt ngàn ở ấp Suối Sâu, xã Đắc Cuốc, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đã không còn bóng dáng của Chinh. Mỗi lần nhắc đến Chinh, những hồi ức, kỉ niệm về Chinh lại quay về trong nỗi nhớ khắc khoải của cha mẹ, của các em và đồng đội anh trong CLB.


Đôi bàn tay nhăn nheo vuốt nhanh dòng nước mắt trên khuôn mặt già nua, khắc khổ của mẹ Chinh khi bà kể về hồi ức tuổi thơ của anh: “Gia đình chúng tôi nghèo, vợ chồng tôi làm lụng vất vả và cố gắng lo cho thằng Chinh và 3 đứa em gái được ăn học đến nơi đến chốn. Nhưng đứa con trai của tôi đã có tính tự lập ngay còn bé. Nó luôn thích sống tự lập và không muốn được bao bọc trong vòng tay cha mẹ. Thế rồi học đến lớp 9, nó nghỉ học và chỉ thích đi làm kiếm tiền. Nó đi làm khắp nơi, lúc chỗ này, mai chỗ khác. Tiền kiếm ra thì nó tự tiêu. “Nước mắt chảy xuôi mà”, cha mẹ đâu cần con cái lo lắng cho mình làm gì. Còn sức còn làm, vợ chồng tôi lại lo cho 3 đứa em của nó học hành. Nay có đứa hết lớp 12 đi làm và đã có gia đình riêng, còn đứa út đang theo học cao đẳng trên Sài Gòn”.

Cả gia đình Chinh chỉ trông chờ vào 7 sào cao su, tháng được mùa cũng chỉ kiếm được vài triệu đồng lo cho 7 thành viên trong gia đình. Từ lối suy nghĩ non nớt, phải tự lập nên tuổi thơ Chinh đã mắc những sai lầm.

Mẹ Chinh - bà Nguyễn Thị Thanh Hương ngẹn ngào kể lại: “Vài năm trước khi tham gia Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm (CLB PCTP), nó cùng vài người bạn qua Campuchia đánh bài rồi thua 80 triệu đồng. Nó điện thoại về nhà cầu cứu gia đình, tôi phải đi qua Campuchia để trả tiền cho sòng bạc và đón nó về. Dù rằng mình nghèo cũng phải lo đủ tiền để chuộc con. Lúc đó, nó ân hận lắm và nói với tôi rằng: “Con sẽ trả nợ cho mẹ”. Thằng Chinh ngoan lắm, từ đó nó biết lo cho gia đình và cho mấy đứa của em nó”.

Giấc mơ luật sư đã nắm trong tay


Ước mơ của Chinh là trở thành một luật sư

Trong những ngày anh tham gia CLB PCTP phường Phú Hòa cho đến khi anh ra đi mãi mãi, cả gia đình anh đều chỉ biết như lời anh nói rằng, anh đi làm có lương từ năm 2007 là 700 ngàn/tháng đến năm 2009 lương của anh tăng lên 1,9 triệu/tháng. Hàng tháng Chinh đều tích góp tiền gửi về cho mẹ, cho mấy đứa em ít tiền tiêu.  


Cho đến ngày “hiệp sĩ” Nguyễn Xuân Chinh vào CLB PCTP, anh chịu khó tiếp tục học hành trở lại và đã lấy được bằng tốt nghiệp ĐH Luật. Ông Nguyễn Văn Hùng, cậu của Chinh cho biết: “Nó chỉ nói với tôi là nó mong muốn được trở thành luật sư cho nên mới đi học lấy bằng Luật”.

Anh Trần Hoàng Anh, Phó chủ nhiệm CLB PCTP cho biết: “Anh em trong CLB cũng khuyến khích cho Chinh đi học để lấy bằng đại học. Nhiều lần Chinh tâm sự với tôi, mong muốn sau này trở thành luật sư và kiếm việc làm để có nhiều tiền lo cho gia đình”. Tuy nhiên, niềm vui có được tấm bằng đại học chưa dứt thì anh đã ra đi. Giấc mơ trở thành luật sư của anh mãi mãi không thực hiện được.

Có thể phong tặng danh hiệu liệt sĩ?

Anh Trần Hoàng Anh, Phó chủ nhiệm CLB PCTP đã đề đạt nguyện vọng: “Mong muốn có một chính sách để mang lại “tiếng thơm” cho gia đình. Chúng tôi không muốn bị người đời cho chúng tôi là những kẻ hiếu thắng, thích chơi trội”.

Khi chúng tôi trao đổi với cha mẹ của “hiệp sĩ” Nguyễn Xuân Chinh, ông Nguyễn Xuân Chu, 62 tuổi, cha ruột của Chinh cũng đề đạt nguyện vọng: Mong muốn được Nhà nước có chính sách và phong tặng danh hiệu liệt sĩ cho con trai mình.

“Hiệp sĩ” Nguyễn Xuân Chinh đã có những thành tích không nhỏ trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm với khoảng 80 vụ tham gia truy bắt tội phạm thành công và đã nhận được nhiều giấy khen của lực lượng công an trao tặng. Nhưng một vấn đề hiện nay chưa có văn bản chính thức nào của cơ quan nhà nước về quy định chính sách đối với người dân thường thiệt mạng khi thực hiện các công việc hỗ trợ an ninh, xã hội. Tuy nhiên, nguyện vọng của gia đình “hiệp sĩ” Nguyễn Xuân Chinh cũng cần được các cơ quan hữu quan xem xét.

Điền Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm