31/03/2022 23:59 GMT+7 | Giải trí
(giaidauscholar.com) - Vài tuần trước, tang lễ của nữ diễn viên trẻ Tangmo Nida đã diễn ra. Và một câu chuyện không mới, nhưng luôn gây bức bối lại được bàn đến: nạn lạm dụng hình ảnh và đời tư các sao nữ, đặc biệt là khi họ qua đời.
Tang lễ của Tangmo diễn ra trong 3 ngày từ 11/3 - 13/3. Ở tuổi 37, cô từng được khán giả Việt Nam biết tới qua vai người dì ác độc Rangrong trong Chiếc lá cuốn bay (2019). Trước đó, cô là gương mặt quen thuộc của làng giải trí Thái Lan, khi đã xuất hiện trong 25 phimchỉ riêng với đài CH7.
Một “chiếc lá” nữa đã cuốn bay…
Ngày 26/2, Tangmo Nida mất tích trên sông trong một chuyến đi chơi thuyền với bạn bè. Những uẩn khúc quanh sự ra đi của cô mở ra những tranh cãi không hồi kết, khi 3 người đàn ông và 2 phụ nữ đi cùng thuyền với nữ diễn viên đều có lời khai và hành động đáng ngờ.
Những chi tiết như khi Tangmo rơi xuống nước, nhóm bạn lái thuyền lòng vòng trên sông dù được yêu cầu quay vào bờ; lời khai rằng nữ diễn viên ngã sau khi xuống đuôi chiếc thuyền nhỏ để đi vệ sinh lộ thiên, dù lúc đó cô mặc bộ đồ liền thân khó cởi v.v… đã gây ra nhiều tranh cãi. Vụ việc nhanh chóng thu hút sự quan tâm của công chúng Thái Lan và bạn bè quốc tế.
Từ đây, nhiều lời đồn chưa được kiểm chứng bắt đầu bị phát tán. Một người đàn ông tên Bang Jack tung ra nhiều đoạn tin nhắn và video chưa được kiểm chứng, hòng chứng minh nữ diễn viên bị quản lý của mình - Kratik–lừađi tiếp khách. Tuy nhiên, cảnh sát chưa có ý kiến gì về tuyên bố này, cho nên đây có thể cũng chỉ là lời đồn để gây chú ý.
Hình ảnh thi thể nữ diễn viên được tìm ra trên sông cũng bị lan truyền rộng rãi. Quá trình trục vớt thi thể được ghi lại từ đầu đến cuối bởi giới truyền thông, và một tài khoản Instagram đã chia sẻ cả hình chụp cận cảnh mà không che đậy, gây phẫn nộ đỉnh điểm. Mặc cho những chỉ trích từ công chúng và lời cảnh cáo của cảnh sát Thái Lan trước hành vi vi phạm pháp luật, những hình ảnh kể trên vẫn bị phát tán rộng rãi.
Ngoài ra, còn có một chương trình tạp kĩ xoay quanh chủ đề “gọi hồn” cũng dự định phát sóng trực tiếp tập đặc biệt về Tangmo Nida, rồi lại hủy chiếu vào phút chót. Nhà sản xuất chương trình đã chịu nhiều phản đối vì lợi dụng hình ảnh của nữ minh tinh.
Những bi kịch vẫn tiếp diễn
Những tưởng lạm dụng hình ảnh người đã mất là hành động đáng lên án, Nhưng việc này vẫn luôn xảy ra, nhất là với những sao nữ. Hãy nhìn lại quá khứ.
Ngày 9/8/1969, tượng đài sắc đẹp Hollywood Sharon Tate bị sát hại dã man tại nhà riêng. Khi đó, cô mới 26 tuổi, đang mang thai đứa con đầu lòng. 50 năm sau ngày định mệnh, bộ phim The Haunting of Sharon Tate (tạm dịch: Bóng ma Sharon Tate) ra rạp.
Phát hành vào đúng ngày nữ diễn viên xấu số qua đời, phim chứa đầy những chi tiết máu me rùng rợn, mô tả nhiều lần khung cảnh tàn bạo khi cô bị sát hại. Nhà phê bình kỳ cựu Roger Ebert chỉ ra rằng, phim không chú tâm xây dựng tính cách và lời thoại, khiến nhân vật trở nên vô hồn. Tờ Indiewire nhận xét, bộ phim “sử dụng những nạn nhân trong một vụ giết người dã man như những đạo cụ”. Những chỉ trích dành cho đạo diễn Daniel Farrands là thỏa đáng, khi ông biến những con người có thật thành những con rối vô hồn trong một bộ phim sinh ra để câu khách.
Rồi, năm 2021, phim tài liệu của HBO, What happened, Brittany Murphy? (Tạm dịch: Chuyện gì đã xảy thế, Brittany Murphy?) cũng chịu những chỉ trích tương tự.
Qua đời khi mới 32 tuổi, nữ diễn viên tài năng Brittany Murphy cũng để lại nhiều tiếc nuối. Sau cái chết của cô vào năm 2009, nhiều nguồn tin cho biết cô đã lạm dụng thuốc, và qua đời vì dùng thuốc quá liều. Tuy nhiên, sự thật là nữ diễn viên mất vì bệnh viêm phổi, bệnh thiếu máu và suy dinh dưỡng. Đây cũng là nguyên nhân khiến cô phải uống nhiều loại thuốc.
12 năm sau cái chết của cô, What happened, Brittany Murphy? chỉ khoét sâu thêm vào nỗi đau của những người ở lại. Nhiều khán giả cho hay, bộ phim mang lại cảm giác như khi đọc báo lá cải hay nghe chuyện ngồi lê đôi mách. Chắc chắn, không một ngôi sao nào muốn bị lạm dụng hình ảnh theo cách này.
Xa hơn, ngược dòng lịch sử, những minh tinh trong thời vàng son của Hollywood cũng không thoát khỏi việc bị “bóc lột” kể cả sau khi đã mất. Năm 1967, Jayne Mansfield, đối thủ một thời của huyền thoại tóc vàng Marilyn Monroe qua đời sau tai nạn giao thông. Rất nhiều hình ảnh tại hiện trường tai nạn đã bị lan truyền. Trong ảnh, có thể thấy rõ thi thể của những nạn nhân xấu số. Ngoài ra, những tin đồn như đầu của nữ diễn viên rụng ra tại hiện trường đã bị phổ biến rộng rãi, trở thành “truyền thuyết đô thị”. Chiếc xe ô tô đã móp méo sau vụ tại nạn cũng bị tư nhân mua lại để trưng bày trong bảo tàng.
Qua đời trước cả Mansfield vào năm 1962, dù không bị lan truyền những hình ảnh xấu sau khi mất, Marilyn Monroe cũng bị lạm dụng hình ảnh. Bà đã để lại 75% quyền sở hữu hình ảnh của mình cho Lee Strasberg, người thầy diễn xuất tin cẩn của mình. Nhưng khi ông qua đời năm 1982, vợ ông, Anna Strasberg, đã bán hình ảnh của Monroe để quảng cáo cho mọi thương hiệu. Chiếc xe của Mansfield nằm mãi trong bảo tàng, làm minh chứng cho số phận bất hạnh của bà. Còn cơ thể của Monroe được dùng để quảng bá mọi thứ, từ mỹ phẩm đến quần bò, từ kẹo đến rượu vodka… Và trong hầu hết mọi quảng cáo cho đến nay, Monroe được xây dựng với hình ảnh quen thuộc đã mang cho bà nhiều đớn đau - hình ảnh “tóc vàng hoe nóng bỏng” mà trước khi mất, bà hằng muốn rũ bỏ.
Những năm gần đây, nhờ phong trào #MeToo, vấn đề quyền của sao nữ không còn xa lạ với công chúng. Tuy nhiên, việc lạm dụng hình của những ngôi sao đã mất vẫn rất phổ biến. Nhìn lại, lúc sinh thời, những sao nữ như Sharon Tate, Jayne Mansfield, Marilyn Monroe, Tangmo Nida… đều chịu đựng nhiều áp lực từ dư luận, và những đồn đoán cũng không kết thúc khi họ đã ra đi. Kể cả sau khi đã mất, hình ảnh của những người phụ nữ này vẫn bị bóc lột và lạm dụng theo nhiều cách.
Thật đáng buồn là, Tangmo Nida không phải là ngôi sao đầu tiên, và cũng sẽ không phải ngôi sao cuối cùng chịu đựng số phận này.
Thiên An
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất