Từ Tiên Tiên mơ về 'Carole King Việt Nam'

16/11/2015 06:32 GMT+7 | Âm nhạc

(giaidauscholar.com) - Xin nói ngay, người viết không có ý so sánh về tài năng hay tầm cỡ ảnh hưởng từ một siêu sao như Carole King với một cô bé đáng yêu là Tiên Tiên.

Nhưng từ sự nổi lên bất ngờ của Tiên Tiên trong làng nhạc Việt một năm qua và nhìn lại cách mà một nhạc sĩ sáng tác là Carole King trở thành ngôi sao ca nhạc, không phải không có sự tương đồng. Và quan trọng hơn, những bài học từ siêu sao quốc tế đến ngôi sao mới nổi này đang rất cần cho thị trường nhạc Việt.

Trong live show Bài hát Việt mới đây, nhạc sĩ Quốc Trung (Chủ tịch Hội đồng thẩm định) đã lưu ý các nhạc sĩ trẻ khi nào thì nên hát những bài hát mình tự sáng tác, lúc nào thì nên “nhường” việc ấy cho ca sĩ khác. Và nếu đã hát nhạc tự sáng tác, thì cần phải hiểu rõ giọng hát và khả năng thể hiện của mình để bài hát ấy vang lên đạt hiệu quả tốt nhất.

Và trường hợp này có lẽ cũng rất đúng với Tiên Tiên. Cô bắt đầu xuất hiện không phải bằng giọng hát nhí nhảnh đang rất được ưa chuộng lúc này. Lúc Tiên Tiên đến với Bài hát Việt, cô mang tới một ca khúc khác hoàn toàn với những My Everything hay Say You Do đình đám hiện nay.

Một bài hát đề tài xã hội nhiều dằn vặt với ca từ vẫn còn nhiều sự hồn nhiên, thậm chí hơi tự nhiên chủ nghĩa, thì hẳn không thích hợp cho một giọng hát như của Tiên Tiên, nên lúc đó nó được giao cho ca sĩ Hà Linh và mang lại một ấn tượng đủ để người nghe phải chú ý đến một cái tên mới toanh.

Ở mùa sau của Bài hát Việt, Tiên Tiên đã nhanh chóng thoát khỏi hình ảnh “triển vọng” để bắt đầu có những bài hit, với Gọi mưa được Trung Quân Idol (người rất có duyên lăng-xê các bài hát về mưa) và khiến nhiều người thích thú với Sài Gòn nhớ khi cô bước lên sân khấu biểu diễn chính bài hát của mình (vẫn hát cùng Trung Quân).

Đến đây, là lúc cần liên tưởng lại những gì mà Carole King đã làm trong bước ngoặt sự nghiệp của mình. Sau khi đã sáng tác, sản xuất hàng loạt bài hit cho nhiều nghệ sĩ của thập niên 1970, Carole King bước qua lãnh địa biểu diễn. Sở hữu một giọng hát không xuất sắc, cũng không có nhiều âm sắc lạ đặc biệt, so với những diva thời đó như Aretha Franklin, Barbra Streisand hay Diana Ross thì Carole King không biết nên xếp vào chỗ nào.

Nhưng bằng những bài hát tự sáng tác, và có lẽ chính là hiểu rõ hơn ai hết khả năng biểu cảm của giọng hát chính mình, Carole King đã làm nên tuyệt tác Tapestry, một dấu ấn lớn của âm nhạc thế giới thập niên 1970, nằm trong số những album bán chạy nhất mọi thời đại, đánh dấu bước chuyển vĩ đại của trào lưu nữ quyền trong âm nhạc, và đưa khái niệm singer-songwriter trở nên rõ nét hơn bao giờ (cho tới lúc đó).

Trong khi chờ Tiên Tiên có thể làm nên một cú rung chuyển nào đó cho nhạc Việt, thì ít nhất những gì Tiên làm được cho tới lúc này đã hé mở ra những cánh cửa mới, những cơ hội mới cho những nghệ sĩ có cùng xu hướng như cô. Có thể có người nói rằng nếu so với Carole King và Tapestry thì Lê Cát Trọng Lý xứng đáng hơn. Nhưng Lê Cát Trọng Lý mang nhiều tính indie hơn, và đó không phải là những gì mà cả Carole King lẫn Tiên Tiên theo đuổi.

Họ “đánh” thẳng vào thị trường đại chúng, với mục tiêu trở thành ngôi sao của số đông. Và khi không sở hữu những yếu tố thông thường cho một ngôi sao theo định nghĩa số đông - đẹp, giọng lạ hay dễ nghe, nhảy múa giỏi, biết tạo scandal… - thì họ tìm ra một cách khác, một kiểu lách qua khe cửa hẹp để rồi nhanh chóng trở nên nổi tiếng bằng chính những gì mình làm ra, bằng công thức của riêng mình.

Tiên Tiên, sau thời gian dùi mài kinh sử tại Học viện Âm nhạc Soul của Thanh Bùi đã dần hoàn thiện khả năng biểu diễn để vào đúng lúc cô tung ra những sản phẩm âm nhạc hợp với tai nghe của lớp khán giả trẻ, vốn thích thú với những gì mới mới vừa phải, lạ lạ tầm tầm, nếu có gì đó ngộ nghĩnh thì càng gây tò mò hơn. Và tất cả những điều đó mang lại cho Tiên Tiên những bài hit đầu tiên.

Những ca khúc kiểu My Everything hay Say You Do gần với những bài hát vui tươi mà Katy Perry hay Carly Rae Jepsen biểu diễn, lại được viết và hát một cách trơn tru bằng tiếng Việt, có xen kẽ những câu tiếng Anh, rõ là rất thời thượng, ít nhiều gần với xu hướng K-pop, trong khi lại mang dấu ấn cá nhân, cá tính tác giả rất rõ, vì dường như khó có thể hình dung ngoài Tiên Tiên ra, vào lúc này, ai lại có thể hát được những bài hát đó theo đúng cách nó cần được vang lên. Điều ấy giúp Tiên Tiên nằm ngoài những so sánh hay nghi vấn copy, sao chép này nọ.

Nhạc sĩ - ca sĩ Thanh Bùi, người vẫn được gọi là “sư phụ” của Tiên Tiên thì cho rằng thành công của Tiên là điều đáng mừng cho thị trường nhạc Việt, để thấy một nghệ sĩ mới vẫn có thể chinh phục khán giả hoàn toàn bằng âm nhạc mà không cần những chiêu thức hậu trường hay scandal hoặc hàng hiệu tiền tỷ.

Tiên Tiên chính là mô hình nghệ sĩ đa năng mà thị trường Việt Nam rất cần: sáng tác - biểu diễn - chơi nhạc cụ và có khả năng làm việc nhóm (team-working) khi cho ra đời một sản phẩm âm nhạc. Với một lớp nghệ sĩ như Tiên Tiên, khái niệm “viết một bài hát” đang được dần thay thế bằng “sản xuất một bài hát”. Và ở khu vực nhạc đại chúng, đó chính là cách mà nhạc pop Việt Nam cần đi nếu muốn đến gần hơn với nhạc pop thế giới.

Nguyễn Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm