Sterling và chuyện về những bản hợp đồng kỷ lục: Dưới áp lực ngàn cân

21/07/2015 13:18 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Thật kỳ cục khi nói về cái “giá” của những bản hợp đồng kỷ lục – dĩ nhiên chúng đã hết sức rõ ràng rồi. Điều đáng nói ở đây là kết quả của chúng...

Áp lực đang nằm trên vai của chàng tân binh mới cập bến Manchester City. 44 triệu bảng trả ngay, 5 triệu trả sau, tổng cộng 49 triệu. Đó là con số khiến sức ép hiện lên rõ rệt.

Bầu trời vẫn xanh ở City, nhưng...

Hai hợp đồng kỷ lục gần nhất với Sterling là hai tiền đạo người Nam Mỹ: Carlos Tevez (32,5 triệu bảng) và Sergio Aguero (38 triệu bảng). Cả hai đều đã có những đóng góp không thể phủ nhận trong sự vươn lên mạnh mẽ của Man City gần một thập kỷ qua.

Vấn đề là mọi thứ có vẻ đẹp tươi ở Man City, nhưng nhìn rộng ra bầu trời Premier League, Sterling không có sự “bảo hiểm” nào về tâm lý. Thất bại đầy rẫy muôn nơi là hiện thực của những thương vụ chuyển nhượng kỷ lục mà các CLB thực hiện.

Năm 2010, ký giả Paul Tomkins ra mắt cuốn sách “Pay As You Play”, chứng minh rằng trung bình chỉ 40% các bản hợp đồng trong kỷ nguyên Premier League là thành công, 10% đó thành công rực rỡ hơn cả mong đợi.

Nhìn rộng ra trường Premier League, rõ ràng đây là một tỷ lệ rất hợp lý. Raheem Sterling liệu có nằm được trong 40% kia không? Trong khi người ta kỳ vọng rằng anh sẽ nằm trong nhóm 10%?

Sự thật là mọi CLB khi xác lập kỷ lục vung tiền đều mong muốn rằng tân binh của mình sẽ thành công vượt trội, nằm trong 10% mà Tomkins nhắc tới. Nhưng muốn là một chuyện, có thành công được không lại là chuyện khác.

Những kỷ lục đáng quên

Crystal Palace (Yohan Cabaye, 12,5 triệu bảng), Bournemouth (Tyrone Mings, 8 triệu bảng), Watford (Etienne Capoue, 6,3 triệu bảng) chỉ mới lập kỷ lục ngay trong Hè 2015, vì vậy chưa thể đánh giá họ. West Brom (Brown Ideye, 10 triệu bảng) và Leicester City (Andrej Kramaric, 9,7 triệu bảng) có thể được tạm cho qua vì kỷ lục gia của họ chưa có đủ thời gian thể hiện bản thân.

Nhưng cũng với ngần ấy thời gian (từ nửa năm đến 1 năm), những cái tên như Romelu Lukaku (Everton, 28 triệu bảng) hay đặc biệt là Angel Di Maria (Manchester United, 59,7 triệu bảng) lại gây thất vọng rõ rệt. Lý do rất đơn giản: Họ được coi là những ngôi sao và có giá trị chuyển nhượng rất lớn, nên áp lực cũng nhiều. Lịch sử lại ghi nhận vụ thảm bại Fernando Torres trị giá 50 triệu bảng của Chelsea.

Erik Lamela cũng gây thất vọng khi chưa đáp ứng được con số 25,8 triệu bảng mà Tottenham chi cho AS Roma vào năm 2013. Anh rơi vào hoản cảnh gần giống Mesut Oezil của năm đầu tiên tới Arsenal khi dường như chưa thích nghi với môi trường xứ sở sương mù. Tuy nhiên, Oezil đã gỡ gạc trong 2 năm qua khi chơi tốt dần đều lên.

Các đội tầm trung cũng chẳng khá khẩm gì khi vung tiền. Aston Villa (Darrent Bent, 18 triệu), Newcastle (Michael Owen, 16 triệu), Southampton (Dani Osvaldo, 15 triệu) đều không bao giờ khai thác được hết khả năng từ hợp đồng kỷ lục.

Liverpool và West Ham có thể vỗ về an ủi lẫn nhau khi kỷ lục của họ là Andy Carroll – tốn lần lượt 35 và 15 triệu bảng. Carroll tới nay vẫn chưa bao giờ tái hiện hình ảnh ở Newcastle, chủ yếu vì chấn thương.

Như vậy, chỉ còn lại 2 CLB ở Premier League từng trải qua niềm vui với hợp đồng kỷ lục. Trước hết, đó là Stoke City với Peter Crouch – 10 triệu bảng. Crouch ghi 42 bàn sau 154 trận. Đó không phải những con số xuất sắc, nhưng anh thực sự là bộ mặt của Stoke suốt những năm qua.

Cuối cùng là Swansea City, đội chi 12 triệu bảng mua Wilfried Bony năm 2013. Anh ghi 34 bàn sau 70 lần ra sân cho đội bóng Xứ Wales trước khi thu về 28 triệu khi chuyển sang Man City vào tháng 1/2015.

15 bản hợp đồng kỷ lục mà chỉ 2 hợp đồng có thể coi là thành công? Raheem Sterling đã... sợ chưa?


Dũng Lê
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm