18/07/2015 09:45 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Những vụ án giết người gây xôn xao dư luận, nếu nhìn từ góc độ văn hóa, giáo dục rõ ràng quá có vấn đề. Cũng có nhiều quan điểm cho rằng thù hận, độc ác... vốn nằm sẵn trong mỗi con người. Văn hóa, giáo dục là cái phanh ngăn họ lại. Vậy: Phải chăng cái phanh này trong xã hội chúng ta đang có vấn đề, đang bị mòn? Hay “người lái chiếc xe bản tính” đạp nhầm chân phanh sang chân ga?
TS Nguyễn Lệ Hằng: Nhầm chân phanh thành chân ga
1. Tôi muốn nhìn nhận sự kiện này bắt đầu từ thái độ khoa học: Bandura (nhà tâm lý - xã hội người Anh) có một thí nghiệm nổi tiếng gọi là Búp bê BoBo vào năm 1961, ông chia các bé trai, gái độ tuổi từ 42 tháng đến 71 tháng thành 2 nhóm. Một nhóm quan sát qua kính thấy hành vi vứt, đánh, đá vào búp bê cao su. Một nhóm quan sát thấy hành vi vuốt ve, ôm vào lòng cũng với búp bê cao su.
Sau đó, các trẻ em mẫu giáo đó được chơi trực tiếp với búp bê, kết quả nhóm các em quan sát thấy các hành vi đánh, đá, vứt búp bê thì các em cũng có xu hướng hành vi đá, đánh, vứt búp bê đi. Còn các em ở nhóm còn lại quan sát thấy các hành vi yêu thương thì có xu hướng cư xử ôm ấp vuốt ve với búp bê cao su của mình. Đặc biệt ông cũng nghiên cứu thấy trẻ em trai dễ bị nhiễm hành vi bạo lực hơn rất nhiều trẻ em gái, nhất là khi nhìn thấy tấm gương của người lớn cùng giới.
Cái sự học hỏi hay bắt chước là một phương thức để thế hệ sau lấy kinh nghiệm từ thế hệ trước. Trong gia đình nếu cha mẹ làm điều khuất tất thì con cái khó có đời sống lành mạnh. Người lớn làm điều xấu trẻ em sẽ học làm điều xấu theo. Lối sống của xã hội tha hóa sẽ là gương xấu thúc đẩy con người đạp nhầm chân phanh thành chân ga trong sự hình thành các hành vi tiêu cực.
Trong một xã hội mà sự dối trá được đời sống bảo hộ thì văn hóa giáo dục không có cơ hội nào để thể hiện sức mạnh kiểm soát của mình đối với động cơ hay hành động của cá nhân con người đang trong khủng hoảng tiêu cực. Ý thức bạo lực lúc đó sẽ dễ dàng cấu thành tội ác.
Văn hóa giáo dục cần phải được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu áp dụng các thành tựu khoa học về tâm lý người một cách trung thực. Lúc đó mới hy vọng trở thành chân phanh cho các hành vi tiêu cực hoặc chân ga cho các động cơ tích cực trong sự phát triển tinh thần của đời sống con người.
2. Vấn đề truyền thông: Tôi nhận thấy cái cách mà truyền thông, hệ thống mạng chuyển tải tin tức là hình thức truyền nhiễm nhanh nhất khi có sự kiện xấu. Những ngày này đâu đâu cũng thấy người người nói tới tội ác ghê sợ. Bầu không khí xã hội dường như bị câu chuyện dã man này phủ kín. Quá nhiều phim hoạt hình có hành vi bạo lực, quá nhiều quát mắng đòn roi trong gia đình, quá nhiều thời lượng truyền hình dành cho tin tức tiêu cực và cái cách truyền tải trên mạng xã hội. Về các hiện tượng xấu đã như một thứ bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh một cách chóng mặt; chứng kiến sự bàn tán phần nhiều là sự tò mò đoán định này, tôi thấy lòng mình se thắt lại.
Để kết thúc nhân bàn về sự kiện này, tôi ước trong tay mình có 3 hạt dẻ cổ tích để: 1) Ước có một nền văn hóa giáo dục mà cốt lõi là sự chính trực; 2) Ước có một cách truyền thông lấy mục tiêu giáo dục thế hệ trẻ làm trọng; 3) Ước có một thế hệ người lớn là tấm gương tốt cho trẻ em phát triển lành mạnh.
Nhà văn Mai Sơn: Tội ác và hình phạtMỗi lần đối diện với những vụ thảm sát như thế này là đối diện với những câu hỏi lớn mà không có lời đáp.
Chẳng hạn, sao chúng ta không nhân tiện hỏi luôn có phải cái phanh tôn giáo cũng có vấn đề? Tôi muốn nói tôn giáo là một thiết chế giáo dục tâm linh con người. Kẻ nào vượt qua được tôn giáo, thì hoặc là “rất người” hoặc là “rất hư vô”. Tôi thích quan điểm Ki-tô giáo khi cho rằng tội ác có trước, tức tội tổ tông, tội ăn trái cấm, rồi sau đó bị trừng phạt. Và kể từ vụ án trong vườn địa đàng, tôn giáo này luôn “nhấn mạnh” chân ga răn đe trừng phạt.
Tôi sinh ra ở đây, đất nước này, và cùng với niềm tin vào một thứ di truyền tinh thần cộng đồng - xã hội, tôi nghĩ rằng “bản tính của tôi vốn là ác”. Tôi cần được một nền giáo dục - văn hóa lành mạnh làm cho bớt ác đi và thiện hơn. Nhưng nền văn hóa, giáo dục của chúng ta, xét như một kiến trúc thượng tầng mà ta thường rao giảng, có đề cao cá nhân, và qua đó đề cao cuộc sống, mạng sống của cá nhân chưa? Hay là từng con người riêng lẻ sẵn sàng bị bỏ rơi, bị hy sinh cho những công trình tập thể? Có bao nhiêu bài học cơ bản về đạo đức được dạy sâu sắc và thiết thân trong các nhà trường hiện nay? Có bao nhiêu giá trị nhân văn, nhân đạo được đề cao trong xã hội này?
Sẽ có người nói ở các xã hội Tây phương cũng có những vụ án dã man giết người hàng loạt. Nhưng xin nhớ đó chỉ là ngoại lệ hiếm hoi, mà ngoại lệ thì củng cố cho quy luật, theo đó, đó là những xã hội văn minh, nơi con người thương yêu và tôn trọng lẫn nhau. Còn trong xã hội chúng ta, cái ác đang ngự trị. Những vụ giết người dã man liên tục xảy ra gần như thường ngày đã nói lên điều đó. Nếu có một hành vi nhân đạo thực sự rung động xã hội, thì đó mới là ngoại lệ, nhưng cũng không hoặc rất ít thấy.
Các sát thủ Việt có máu lạnh à? Thì hầu hết chúng ta cũng đeo những khuôn mặt lạnh lùng ngạo mạn vô cảm đó thôi. Tìm đâu ra những khuôn mặt thư thái, từ hòa đây. Theo tôi, thần thái an nhiên vui sống đã mất trên khuôn mặt của người Việt từ lâu rồi. Cả xã hội như ở trong một vạc dầu sôi của tham lam và tham vọng. Ai cũng căng thẳng, ai cũng “nhấn mạnh chân ga”, chỉ cần một trở ngại là có vấn đề, có thù hằn, có án mạng.
Các sát thủ không được giáo dục à? Không biết, nhưng cứ nhìn bọn họ đi! Họ có nhiều kiến thức, nhiều kỹ năng, họ bảnh bao, ăn mặc chải chuốt, biết lái xe hơi… Nhìn từ bên ngoài, họ dễ coi, họ “người” hơn phần đông chúng ta.
Cha mẹ họ thì sao? Cũng giống như hầu hết các bậc phụ huynh, họ hiền lành, thương con, đầu tắt mặt tối lo kiếm miếng ăn. “Cha mẹ sinh con, xã hội nhào nặn nhân cách”. Hãy nói vậy đi, ít nhất là trong xã hội này.
Những kẻ thủ ác khác gì với chúng ta? Mãi mãi sẽ không biết được nếu chúng ta chỉ chăm chăm phá từng vụ án rồi xoa tay dừng lại ở đó.
Biên tập viên truyền hình Huỳnh Kim Ngọc: Người ta đã quên làm cái phanh cho xe
Sẽ dễ lý giải hơn nếu hung thủ mắc bệnh tâm thần hay phê ma túy đá. Nhưng với tất cả thông tin đến giờ này thì đáng tiếc, đáng buồn và đáng sợ, là không phải như vậy!
Hỏi nguyên nhân có phải vì “cái phanh văn hóa” đã mòn hay không? Tôi nghĩ không, không phải phanh bị mòn, mà chính từ lúc chế tạo cái xe, người ta đã quên mất phải làm ra cái phanh đủ tiêu chuẩn và tử tế! Ai đó đã nói nôm na, nếu văn minh là chiếc xe hơi thì văn hóa là cách người ta bước lên và lái chiếc xe đó. Sự thật là chúng ta đã tạo ra được rất nhiều xe hơi và nói một cách bi quan, có vẻ như đó là chiếc phân khối lớn đang điên cuồng lao dốc không phanh.
Tôi nghĩ chúng ta nên dạy con cái mình và chính mình hai chữ “tự trọng”. Tự trọng để biết tôn trọng mình, tôn trọng người khác, tôn trọng pháp luật từ những điều nhỏ nhặt nhất. Tự trọng để biết xấu hổ, biết đâu là điểm dừng, biết rằng có được điều mình muốn bằng một cách chính đáng. Tự trọng để bỏ qua va chạm nhỏ trên đường, để không mắng chửi, xô xát, hạ thủ…
Vì chúng ta coi thường cái phanh và mấy con chữ vỡ lòng đó. Vì trong xã hội nói chung, người ta còn sợ thua kém người khác về vật chất, (mà nỗi sợ này rất thường trực và ám ảnh) nên người ta lao vào kiếm tiền, vội vàng muốn có một chiếc xe thật nhanh. Gia đình mải kiếm tiền và không quan tâm đến con cái đúng mực cũng là hiện tượng phổ biến.
Vì những bộ phim và trò chơi bạo lực đẫm máu mà con cái chúng ta xem khi chúng ở một mình. Vì sự dễ dãi của truyền thông. Ngày càng nhiều bài báo, đặc biệt là báo mạng (không tự nhận thức hoặc mục đích câu view) đã vô tình cổ súy cho sự nhố nhăng, lệch lạc hoặc sự thừa thãi vật chất của một bộ phận thiểu số khiến nhiều người lầm tưởng đó là thước đo chung cho toàn xã hội. Người viết đã thiếu văn hóa (chứ đừng nói nhân văn) và người đọc đứng trước một cơn bão thông tin, lại không được trang bị đủ kiến thức để sàng lọc…
Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất