25/09/2014 09:21 GMT+7 | Văn hoá
* Ông đánh giá sao về thực trạng sư tử đá ngoại lai ở Hà Nội hiện nay?
Qua quan sát của tôi, trước khi có công văn số 2662 của Bộ VHTT&DL thì việc sử dụng tượng linh vật ngoại lai trong di tích và công sở, nhà riêng đang trong giai đoạn trên đà phát triển mạnh tại địa bàn Thủ đô.
Các nguồn cung cấp từ tỉnh ngoài như làng đá Non Nước (Đà Nẵng), làng đá Ninh Vân (Ninh Bình) như những “đại công xưởng” sản xuất và giới thiệu sản phẩm tượng linh vật đá ngoại lai tràn lan. Rồi từ đó họ chuyển vào các khu đô thị mới, những nơi đang phát triển của các Thành phố, trong đó có Hà Nội.
* Ở góc độ lịch sử mỹ thuật, đất Thăng Long - Hà Nội có những mẫu linh vật gì đáng chú ý? Sự khuất lấp rồi dần biến mất của chúng ra sao trong đời sống kinh kỳ, thưa ông?
- Trong lịch sử Thăng Long – Hà Nội đã từng là chiến địa, vì vậy những hiện vật mỹ thuật của các triều đại hiện nay không còn nhiều, chủ yếu đã bị chôn vùi dưới lòng đất. Nhưng không phải là hoàn toàn, chúng ta biết đến cột đá chạm rồng thời Lý, thành bậc đá chạm hình con sấu thời Lý tìm thấy ở khu vực Bách Thảo.
Ở khu vực Hoàng Thành ngày nay tìm thấy khá nhiều hình chim phượng, rồng… đây là các sản phẩm điêu khắc được nhiều triều đại sử dụng trang trí kiến trúc. Nếu mở rộng ra, Hà Nội của ngày hôm nay, tại các di tích chúng ta còn lưu giữ được rất nhiều tượng linh vật có giá trị nghệ thuật, như tượng sư tử chùa Bà Tấm, nghê đá đền Phù Đổng, nghê cột trụ biểu ở các di tích tôn giáo, tín ngưỡng, chó đá trước cổng làng, cổng nhà...
Nhưng hiện nay, đô thi hóa, hội nhập và giao lưu văn hóa mạnh vì vậy nhiều giá trị truyền thống dần mất đi, nhiều hiện vật tưởng rằng cũ kỹ, rêu phong đã bị phá hủy, vứt bỏ, thay bằng những hiện vật mới có nguồn gốc xuất xứ, hình dáng hoàn toàn lấy mẫu của nước ngoài.
* Văn hóa là những sự khác biệt. Ta không thể dùng vũ lực hay sức mạnh đám đông để áp đặt những lựa chọn của công chúng. Vậy để giải quyết căn cơ của vấn nạn linh vật ngoại lai, ta nên có những biện pháp gì, ngoài những văn bản hành chính, thưa ông?
Công văn 2662 của Bộ VHTT&DL và sự vào cuộc của nhiều Ban, ngành, nhất là Thành phố Hà Nội mới đây… là điều rất tốt, nhưng theo chủ quan của tôi, chúng ta mới đang giải quyết phần ngọn của vấn đề. Phần gốc nó lại nằm nhận thức của mỗi người. Nhận thức ở đây thuộc về vốn kiến thức thẩm mỹ, văn hóa, lịch sử và ý thức dân tộc trong mỗi hành động rất cá nhân.
Hiện nay, nhiều người dân vẫn khẳng định rằng tượng sư tử đá kiểu Trung Quốc là con nghê mà Việt Nam đã có từ lâu đời. Trong khi đó chỉ cần bấm chuột máy tính là ta có thể dễ dàng thấy hình ảnh con vật mà nhiều người nhầm lẫn là nghê Việt hiện diện các nơi của Trung Quốc. Đối với linh vật, hiện vật ngoại lai ở trong di tích thì chúng ta có thể theo Luật Di sản Văn hóa để xử lý.
Ở Hà Nội cũng như nhiều thành phố lớn, trước công sở, nhà hàng, khách sạn không thiếu tượng sư tử kiểu Trung Quốc, tất cả các linh vật mang nguồn gốc xa lạ này đều được bày ở mặt phố nơi đông người qua lại. Cách bày đặt này tưởng chừng như rất riêng tư, nhưng thực ra không hề riêng tư chút nào, nó tác động xấu đến thị giác của dân chúng, tạo sự nhầm tưởng “người có tiền, có quyền là người văn hóa và có thẩm mỹ tốt” và dễ dàng làm theo.
Việc bày đặt như vậy không khác gì cách tuyên truyền, quảng cáo cho việc sử dụng linh vật ngoại lai tác động xấu đến dân chúng, rất phản cảm. Vì vậy, cần sự vào cuộc của chính quyền các cấp, cũng như các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa để dẹp bỏ các tượng linh vật kiểu Trung Quốc bày trước hè phố Hà Nội và sự vào cuộc mạnh mẽ của truyền thông. Điều này sẽ thẩm thấu, tác động trực tiếp tới thị hiếu của dân chúng. Và ngọn ngành của vấn đề sẽ dần được tháo gỡ.
*Có ý kiến cho rằng, Thăng Long- Hà Nội từ ngàn năm đã là trung tâm giao thoa, tiếp biến văn hóa nên việc linh vật hay sư tử ngoại tràn lan ở Hà Nội là có thể giải thích và thông cảm được, ông nghĩ sao?
- Đúng là luôn có sự giao thoa và tiếp biến văn hóa, nhưng với hiện tượng sản xuất và sử dụng tràn lan tượng sư tử đá kiểu Trung Quốc như hiện nay thì chúng ta cần phải nghiêm túc nhìn nhận đúng vấn đề “giao thoa và tiếp biến” này.
Văn hóa không tự nó tiếp biến hoặc giao thoa, mà con người là tác nhân chính tạo nên sự tiếp biến và giao thoa văn hóa. Ban đầu của tiếp biến là sự tiếp nhận, giai đoạn này đòi hỏi người tiếp nhận phải đủ “minh mẫn” tức là có “sức đề kháng” đủ mạnh để biết chọn cho mình những hình tượng đẹp, có ý nghĩa, phù hợp với tinh thần và bản sắc văn hóa. Tiếp biến và giao thoa tức là nói đến sự pha trộn, sự ảnh hưởng qua lại lẫn nhau, sản phẩm văn hóa đó không thể đồng nhất với nguyên mẫu.
Nhưng với các linh vật hiện nay mà nhiều nơi đang sử dụng hoàn toàn là nguyên mẫu tượng của Trung Quốc. Điều đáng nói ở đây rất nhiều người sử dụng loại tượng này lại khẳng định nó là linh vật truyền thống của Việt Nam nó đã có từ rất lâu. Nên luận điểm ta dùng nguyên mẫu linh vật ngoại là do giao thoa e chừng không hợp lý lắm.
*Cám ơn ông về cuộc trò chuyện!
Phạm Mỹ (thực hiện)
Đón đọc bài tiếp theo: Khu mộ đá cổ và hệ thống linh vật thuần Việt giữa Hà Nội trên giaidauscholar.com
Đọc bài: Hơi chậm, nhưng bản sắc văn hóa đã được quan tâm! TẠI ĐÂY
Đọc bài 'Hầm mộ' xuất hiện khắp Hà Nội TẠI ĐÂY
Đọc bài Sư tử đá: Văn hóa lai căng bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết TẠI ĐÂY
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất