Bóng bàn Singapore: Một đội tuyển được mua từ Trung Quốc

02/06/2015 11:10 GMT+7 | SEA Games 2015

(giaidauscholar.com) - Giành HCV ở một trong bảy nội dung môn bóng bàn SEA Games 2015 này thật "khó hơn lên trời" với đội tuyển bóng bàn Việt Nam, khi Singapore được chơi trên sân nhà, và áp đảo với các VĐV gốc Trung Quốc.

Hôm nay, đôi Trần Tuấn Quỳnh/Nguyễn Anh Tú của Việt Nam sẽ đấu bán kết nội dung đôi nam. Đối thủ của họ là cặp VĐV nước chủ nhà Gao Ning/Li Hu.

"Mua" đội tuyển

Hãy xem họ là ai? Gao Ning năm nay 32 tuổi, sinh tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Li Hu, 26 tuổi, cũng sinh ở tỉnh Hồ Bắc, và mãi đến năm 2010 mới di cư từ Trung Quốc sang Singapore, nhập tịch và đầu quân cho đội tuyển bóng bàn nước này.

Đội tuyển bóng bànSingapore còn có nam VĐV Yang Zi sinh ra tại Bắc Kinh; ngôi sao nữ Feng Tianwei sinh ở tỉnh Hồ Bắc, là con của một gia đình nông dân nghèo, đến Singapore từ năm 2007. Danh sách đội bóng bàn nữ Singapore chỉ còn Isabelle Li và Clarence Chew sinh ra và có gốc gác Singapore, phần còn lại lần lượt đến từ Hồ Bắc, Liêu Ninh, Hắc Long Giang và Bắc Kinh (Trung Quốc).

Nhập tịch các VĐV để giành thành tích cao đã là chuyện phổ biến trong thời đại toàn cầu hóa. Nhưng kiểu nhập tịch hoàn toàn vì thành tích mà không màng đến xuất thân của VĐV đã và đang gây tranh cãi ngay trong dư luận Singapore.

Các VĐV bóng bàn không có gốc gác Singapore, không lớn lên ở Singapore, không kết hôn với người Singapore, nhưng nhập tịch và rồi đại diện cho quốc gia này ở các kì giải quốc tế. Họ thi đấu vì thành tích tức thời và không khác gì lính đánh thuê: gần giống kiểu kí một hợp đồng lao động ngắn hạn với hộ chiếu đỏ để đủ điều kiện đại diện cho Singapore tranh tài.

Sau thất bại trước VĐV gốc Trung Quốc Gao Ling ở tứ kết Đại hội thể thao khối thịnh vượng chung 2014, tay vợt William Henzell của Australia giận dữ: "Tôi không nghĩ những gì Singapore làm là hợp lý. Thật đáng thất vọng. Thật nhanh chóng và dễ dàng khi MUA một đội tuyển từ nơi khác hơn là ĐÀO TẠO nên một đội tuyển".

Singapore không là nhà

Chiến dịch nhập tịch ngắn hạn mới nảy sinh chuyện các VĐV gốc Trung Quốc chỉ coi Singapore là một nơi để làm việc chứ không phải quê hương xứ sở.

VĐV Li Jiawei, thành viên đội bóng bàn nữ Singapore vô địch thế giới tại Moskva (Nga) năm 2010, hồi hương sau vinh quang. Zhang Xueling, 32 tuổi, trở về Bắc Kinh với chồng sau chỉ 7 năm là công dân Singapore. Năm 2008, Li Li giải nghệ rồi đột ngột trở về Vũ Hán sống với bố mẹ vì "lý do cá nhân và mệt mỏi". Cặp Zang Beiwen và Gu Juan trở về Trung Quốc cũng chỉ 1 năm sau khi nhập tịch.

Cùng với Sun Bei Bei, người đã bỏ bóng bàn, Jiawei, Li Li và Xueling là thành viên của "Dự án 0812", ngốn của thể thao Singapore 7 triệu USD mà mục đích công khai là lập tức giành thành tích cao cho thể thao Singapore. Chương trình này cũng liên quan đến các vụ nhập tịch của bóng đá Singapore để chinh phục các tấm huy chương khu vực.

Những người đã đào tẩu khỏi Singapore bị một số báo nước này gọi là kẻ phản bội: Họ vô danh và nghèo khó ở trong nước, nhưng giàu sang ở đây; và tấm hộ chiếu Singapore trở thành bước đệm để các VĐV này đến sân chơi Olympic.

Đó là câu chuyện mà Feng Tianwei đã kể lại sau này. Feng Tianwei sinh ở tỉnh Hồ Bắc, bắt đầu chơi bóng bàn từ năm 5 tuổi. Năm 21 tuổi, trong một chuyến tàu đi Thiểm Tây, cô tình cờ gặp HLV Liu Guodong. "Ông ấy không nói gì nhiều", Tianwei nhớ lại. "Ông ấy chỉ hỏi tôi chơi bóng bàn ở đâu. Tôi bảo "Nhật Bản". Và ông ấy yêu cầu tôi đầu quân cho Singapore, mà nếu đồng ý, tôi có thể chơi ở giải vô địch thế giới. Ông ấy cho tôi thời gian suy nghĩ và tôi gật đầu".

Tháng 3/2007, Feng Tianwei chính thức gia nhập đội tuyển bóng bàn Singapore. "Tôi cảm thấy cực kì may mắn", cô nói. Vì từ vô danh, Feng Tianwei leo lên thứ 73, 41, 26, 20 và giờ là thứ 4 thế giới. Cô cùng đội tuyển bóng bàn nữ Singapore đánh bại đội tuyển nữ Trung Quốc ở nội dung đồng đội giải VĐ thế giới 2010, và giành HCĐ Olympic London 2012.

Feng Tianwei cũng dự SEA Games lần này.


Đỗ Hiếu
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm