08/03/2016 11:01 GMT+7 | Đọc - Xem
(giaidauscholar.com) - NXB Trẻ vừa ấn hành tập truyện cười Nếu Adam không có xương sườn của nhà văn trào phúng Lê Văn Nghĩa. Tập truyện này được tác giả ghi chú là “sưu tầm và bình… loạn xạ” nhưng đọc xong chỉ còn lại tiếng cười “loạn xạ” về mối quan hệ giữa đàn ông và đàn bà, dù nhân vật chính là Eva bị Adam… “nói xấu”.
Sưu tầm truyện cười nhiều người đã làm, nhưng cuốn sách này thú vị ở chỗ “bình loạn… xạ” theo đúng phong cách trào phúng của Lê Văn Nghĩa. Chính sự “bình loạn xạ” này đã tạo thành chất kết dính các mẫu truyện cười được lưu truyền trong sách báo, mạng internet… trở thành một thể thống nhất.
Với chất giọng trào phúng, Lê Văn Nghĩa nói về cuốn sách của mình: “Đàn ông phải đọc để cười. Nụ cười hạnh phúc vì khám phá ra rằng đàn ông Việt chúng ta hạnh phúc gấp trăm lần đàn ông các nước phương Tây. Phụ nữ Việt - trong đó có bà xã ở nhà (có bồ nhí thì không tính) quá ngoan hiền, quá đàng hoàng, đầy đủ công - dung - ngôn - hạnh.
Còn độc giả nữ lại càng phải đọc để tự hào rằng phụ nữ Việt vừa đẹp người, vừa đẹp nết, nuôi con đảm, dạy… chồng ngoan hơn hẳn phụ nữ ngoại. Vậy sau một ngày mệt nhoài với công việc, hai vợ chồng bạn đã ăn cơm tối xong, tắm rửa sạch sẽ, thân thể thơm tho, thay quần áo thoải mái, càng sexy càng tốt vào phòng ngủ, đóng kín cửa, leo lên giường, tắt đèn néon rồi vặn đèn ngủ cùng nhau ôm vào lòng… quyển sách nầy: Đọc. Thế thôi!”.
Lê Văn Nghĩa chia mối quan hệ nam - nữ trong Nếu Adam không có xương sườn thành các chủ đề, trong đó Eva là nhân vật chính: Tại sao Thượng đế sinh ra phụ nữ?; Phụ nữ là người thế nào?… Đọc cuốn sách dày hơn 200 trang này, sau tiếng cười sảng khoái đem đến cho người đọc là việc lý giải quyền lực giữa Adam và Eva ai hơn ai?
Như Thượng đế nói: “Eva này, Adam là một đứa lúc nào cũng hợm mình, tưởng mình là khỏe mạnh, thực ra, nó chỉ là một đứa yếu đuối. Không có con, đời nó cũng chẳng ra sao. Adam tưởng mình có thể thống trị được con nhưng chỉ cần con nhỏ vài giọt nước mắt là nó sẽ sẵn sàng quỳ gối và dâng hết cho con những gì nó có, kể cả cuộc đời” (trang 224).
Cuốn sách này thiết thực cho quý ông để biết tại sao mình yếu đuối trước quý bà. Cuốn sách lại càng cần được đọc bởi phái đẹp, vì thông qua chuyện cười tưởng rằng nói xấu các bà nhưng thực chất là ca ngợi quyền lực vô song của các chị, các cô.
Lê Văn Nghĩa hài hước rằng: “Các quý bà rất thích giỏ xách làm từ da cá sấu vì cá sấu hay khóc giả. Trong lịch sử nhân loại, nhiều mỹ nhân chỉ cần giả vờ khóc thôi cũng đủ nghiêng thành đổ nước. Do vậy các quý bà ghét cá sấu vì trò khóc giả nên lột da chúng để không còn đối thủ chơi trò… nước mắt cá sấu”.
Như đã nói ở trên, tác giả mượn chuyện đàn ông phương Tây nói xấu phụ nữ của họ để tạo thành sự so sánh nhằm “tụng ca” phụ nữ Việt. Hóa ra, ông nhà văn trào phúng Lê Văn Nghĩa thật đáo để khi chấp bút tập truyện cười này. Lâu nay giới mày râu văn nghệ Việt muốn ca ngợi phụ nữ thường làm thơ, soạn nhạc; còn Lê Văn Nghĩa lại chọn cách “nói xấu” họ bằng cả tập truyện nhưng thực ra là muốn họ cười và dư vị đọng lại ca ngợi họ.
Thanh Kiều
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất