21/09/2016 07:12 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Hôm qua tính theo dương lịch, nhà tình báo chiến lược, thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn giã biệt cõi đời tròn 10 năm (20/9/2006). Một bức tượng toàn thân với kích thước như người thật của thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn cũng vừa hoàn thành.
Mong muốn hàn gắn
Sau khi “tạc tượng” nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn bằng cuốn sách X6 - Điệp viên hoàn hảo, giáo sư Larry Berman tiếp tục dựng tượng nhân vật của ông bằng số tiền nhuận bút nhận đuợc cho cuốn sách này.
Thông tin từ First News cho biết, lẽ ra hôm qua 20/9, bức tượng nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn đã được đặt tại đường sách TP.HCM. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này phải được sự đồng ý của các ban ngành liên quan và phải có mặt giáo sư Larry Berman. Nhưng vì giáo sư Larry Berman chưa đến TP.HCM đúng ngày như dự kiến nên sự kiện phải dời ngày lại.
Trong trường hợp bức tượng nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn không đặt tại đường sách TP.HCM, thì giáo sư Larry Berman mong muốn tặng cho gia đình của thiếu tướng, thể hiện tấm lòng cảm phục của người viết sách dành cho nhân vật có cuộc đời và sự nghiệp kiệt xuất.
Giáo sư sử học Larry Berman nhận xét về thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn: “Cuộc đời Phạm Xuân Ẩn còn hơn cả một nhà tình báo, điệp viên hay nhà báo. Ông là người hòa giải, hàn gắn mối quan hệ giữa hai nước Việt - Mỹ và luôn mong muốn tương lai tốt đẹp hơn”.
Larry Berman gặp Phạm Xuân Ẩn lần đầu năm 2001 và trong 5 năm sau đó tác giả có 18 lần gặp nhân vật, thu thập tài liệu truớc khi viết sách. Larry Berman có một cam kết đặc biệt với nhân vật: “Viết đúng sự thật những gì Phạm Xuân Ẩn đã kể và chỉ được xuất bản cuốn sách sau khi Phạm Xuân Ẩn mất”.
Huyền thoại từ sách, phim tới tượng...
Xuất bản lần đầu năm 2007 tại Mỹ, X6 - Điệp viên hoàn hảo thực sự đã gây chấn động dư luận. Vì trước khi cuốn sách này ra đời, rất ít người biết và hiểu về tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn mặc dù ông là một trong những nhân vật huyền thoại của chiến tranh Việt Nam.
Giáo sư Larry Berman cho biết, khó khăn nhất trong quá trình hoàn thành cuốn sách là làm sao phác họa chân dung Phạm Xuân Ẩn, một con người có thể sống hai cuộc đời khác nhau khi cuộc đời nào cũng tốt, cũng đều được nhiều bạn bè yêu quý, trong suốt 15 năm (1960-1975) hoạt động tình báo.
Từ khi X6 - Điệp viên hoàn hảo xuất bản bằng tiếng Việt, ông Larry Berman đã qua Việt Nam nhiều lần để thu thập thông tin xúc tiến thực hiện bộ phim truyền hình khoảng 30 tập về tướng Phạm Xuân Ẩn và giao lưu với bạn đọc Việt Nam. Trong lần giao lưu mới đây tại đường sách TP.HCM, ông chia sẻ: “Tôi ước gì kiếp sau, tôi có thể làm giáo sư sử học Việt Nam để viết được một cuốn sách hoàn hảo nhất về ông Ẩn”.
Bức tượng nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn còn có một chú chó berger quấn quýt bên chân ông như trong sách báo từng viết về thời ông hoạt động tình báo. Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc First News, cho biết: “Bức tượng này do Công ty Mỹ thuật Lam Giang thực hiện với sự tư vấn mỹ thuật của nhà điêu khắc Lâm Quang Nới”.
Tuy nhiên, khi Thể thao & Văn hóa (TTXVN) liên lạc với nhà điêu khắc Lâm Quang Nới (tác giả tượng đài Bác Hồ đặt trước UBND TP.HCM hiện nay) để tìm hiểu thêm về ý nghĩa tượng thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn, ông Lâm Quang Nới khẳng định mình không liên quan đến tượng tướng Ẩn.
Dù giá trị mỹ thuật của bức tượng nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn chưa được giới chuyên môn và công chúng thẩm định, cũng như chưa được giáo sư Larry Berman “nghiệm thu”, nhưng hành động tạc tượng nhân vật trong sách X6 - Điệp viên hoàn hảo của tác giả và người làm sách, đã cho thấy tấm lòng quý trọng tướng Ẩn của những người thực hiện.
Thanh Kiều
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất