26/01/2013 12:53 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Hét giá Mario Balotelli lên đến 31 triệu bảng và sau khi không được phía Milan chấp thuận, Manchester City có lẽ sẽ giữ lại tiền đạo gốc Ghana, theo Guardian đưa tin. Họ đã chính thức từ bỏ cái mác trọc phú để trở thành một "thương nhân bóng đá"?
Nhờ chức vô địch này, Man City đã thay đổi hoàn toàn?
Leo lên vị trí thứ bảy trong danh sách các đội kiếm tiền giỏi nhất thế giới mùa 2011-2012, với doanh thu tăng đến 51 % cho thấy Manchester City đã thay đổi. Bắt đầu từ chức vô địch Premier League mùa trước.
Doanh thu tăng vọt này đã được dự báo từ ngay sau khi họ đăng quang mùa trước: Giáo sư Tom Cannon của đại học Quản trị Liverpool cho rằng đội Man City vô địch sẽ kiếm nhiều hơn đội Man City á quân ít nhất 30 triệu bảng, nhờ việc thu hút tốt hơn tài trợ, quảng cáo, và cả các chuyến du đấu. Mùa Hè trước, Man City công bố bản hợp đồng có trị giá 300 triệu bảng, đổi tên sân thành Etihad, hãng hàng không từ Trung Đông, trong 10 năm. Một cam kết lâu dài cho thấy tầm nhìn xa của Man City, so với một đội nhà giàu khác phụ thuộc rất nhiều vào ông chủ của họ, như Chelsea.
Chuyển nhượng không nằm ngoài xu thế này. Trước đây, với những cầu thủ mà Man City muốn bán, họ không lăn tăn về giá bán. Trong mùa đầu tiên thuộc về các ông chủ Ả rập, Man City đẩy đi tổng cộng 12 cầu thủ, chỉ thu về chưa đầy 15 triệu bảng (số tiền mua lên đến 127 triệu). Được giá nhất là hậu vệ đa năng Vedran Corluka, một món hàng “hot” vào thời điểm ấy.
Số tiền bán cầu thủ luôn nhỏ hơn rất nhiều so với chi phí bỏ ra, từ đó đến nay. Ngay cả mùa Hè năm nay, một chân sút không tồi như Emmanuel Adebayor cũng được đẩy đi với giá khá rẻ mạt: 5 triệu bảng.
Nhưng Man City cũng đã bắt đầu biết chắt chiu. Đây là mùa chuyển nhượng với chi phí thấp nhất trong vòng 5 năm qua, 54 triệu bảng. Nhưng vẫn có sai lầm: Jack Rodwell, 15 triệu, và thậm chí là Javi Garcia, 16 triệu.
Bán Balotelli, một nhân tố dễ nổi loạn trong phòng thay đồ và đang hưởng mức lương 100 nghìn bảng/ tuần, là động thái hợp lý. Nhưng cách bán không còn là đẩy đi bằng mọi giá như trước đây. Man City đã đàm phán với phía Milan và khi cái giá 31 triệu không được chấp nhận, họ sẵn sàng cắt đứt liên hệ.
Man City sẽ “ngủ đông”?
Các mục tiêu chuyển nhượng của Man City cũng đang hạ thấp tiêu chuẩn. Mùa 2010-2011, họ mua 5 ngôi sao trị giá hơn 20 triệu bảng, là David Silva, Yaya Toure, James Milner và Edin Dzeko. Nhưng bản hợp đồng đắt giá nhất của Man City mùa Hè này là Javi Garcia, chỉ có giá 16 triệu. Và trong các mục tiêu chuyển nhượng của Man City ở kỳ chuyển nhượng mùa Đông, thậm chí những cái tên dạng tiềm năng cũng được nhắc đến, như tiền vệ công của Hoffenheim, Sejad Salihovic, hay trung vệ của Torino, Angelo Ogbonna.
Chuyển nhượng không còn là lĩnh vực mà Man City không cần phải cân nhắc như trước. Việc lấy về cựu Giám đốc thể thao của Barcelona, Txiki Begiristain, là nhằm phục vụ cho sự chi tiêu khôn ngoan trên thị trường cầu thủ. Và ngay cả mục tiêu đẩy đi cầu thủ được coi là cái nhọt của cả đội như Balotelli, Man City cũng đã phải cân nhắc.
Thậm chí, nếu không bán được Balotelli, thì nhiều khả năng là ông Roberto Mancini sẽ phải chấp nhận xoay xở với đội ngũ hiện tại, dù vắng Yaya Toure trong thời gian CAN 2013 diễn ra là một tổn thất lớn. Riêng ở hàng tiền đạo, ngoài Balotelli, ông còn đến 3 chân sút đẳng cấp cao khác là Dzeko, Aguero và Carlos Tevez. Và thế có lẽ là đủ cho lượt về.Khi Luật công bằng tài chính có hiệu lực và sự can thiệp của Giám đốc thể thao vào các hoạt động mua bán cầu thủ trở nên sâu sắc hơn, Man City có thể sẽ còn cân nhắc nhiều hơn nữa khi mua, hay bán người. Ngay trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông năm nay, có thể khẳng định rằng sẽ không có bom tấn nào tại Etihad. Thậm chí, nếu Balotelli chưa đi, thì không ai đến đây cũng không phải điều bất ngờ.
Ban Cầm
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất