31/05/2018 22:02 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Sau gần 1 tháng xét xử, chiều 31/5, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ra phán quyết về vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Tín (gọi tắt là Ngân hàng Đại Tín, nay là Ngân hàng Thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xây dựng Việt Nam - CB).
*Tuyên phạt Hứa Thị Phấn 30 năm tù
Hội đồng xét xử nhận định, với 84,92% cổ phần của Ngân hàng Đại Tín, bị cáo Hứa Thị Phấn đã chi phối toàn bộ Hội đồng Quản trị, Ban Điều hành và hai chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang để thực hiện mọi hoạt động trái pháp luật phục vụ cho mục đích của mình.
Với vai trò chủ mưu, Hứa Thị Phấn đã chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện các hành vi nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch (Phường 6, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) bán cho Ngân hàng Đại Tín chiếm đoạt 1.105 tỷ đồng; hạch toán thu – chi khống đẩy dư nợ cho Nhóm Phương Trang, vi phạm luật kế toán gây thiệt hại cho ngân hàng 5.256 tỷ đồng.
Các bị cáo nguyên là lãnh đạo Ngân hàng đã không thực hiện đúng các quy định phát luật trong các lĩnh vực tín dụng, thẩm định giá, kế toán, hạch toán từ đó tiếp tay, tạo điều kiện cho Hứa Thị Phấn phạm tội, kéo theo đó là hàng loạt nhân viên ngân hàng cũng vì thực hiện chỉ đạo của cấp trên mà vướng vào lao lý.
Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Hứa Thị Phấn 20 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, 20 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hợp với 17 năm tù của bản án trong vụ án kinh tế tại Ocenbank ngày 4/5/2018 của Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội, buộc bị cáo Hứa Thị Phấn chấp hành hình phạt là 30 năm tù giam.
Cũng với hai tội danh trên, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Bùi Thị Kim Loan (nguyên kế toán Công ty Phú Mỹ, thư ký của Hứa Thị Phấn) 28 năm tù; Ngô Kim Huệ (nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đại Tín) 10 năm tù.
Các bị cáo Ngô Thị Ngân (nguyên Thủ quỹ chính Ngân hàng) nhận mức án 10 năm tù; Hoàng Văn Toàn (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng) 7 năm tù; Trần Sơn Nam (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng) 6 năm tù. Các bị cáo còn lại nhận mức án thấp nhất là 2 năm tù treo đến cao nhất là 6 năm tù giam.
*Công ty Phương Trang phải trả cho cho CB 6.406 tỷ đồng
Về trách nhiệm dân sự, Hội đồng xét xử nhận định toàn bộ số tiền thiệt hại, Hứa Thị Phấn đã sử dụng hết nên buộc Hứa Thị Phấn bồi thường toàn bộ thiệt hại là hơn 6.362 tỷ đồng cho Ngân hàng CB. Các bị cáo còn lại, một số liên đới bồi thường những khoản có liên quan. Hội đồng xét xử nhận định một số bị cáo chỉ làm theo chỉ đạo của Phấn, là công cụ để bị cáo Phấn thực hiện mục đích, hành vi phạm tội của mình, không hưởng lợi nên không phải bồi thường.
Về xử lý vật chứng vụ án, Hội đồng xét xử tuyên thu hồi nhiều khoản tiền mà Hứa Thị Phấn dùng để tất toán cho nhiều khoản vay của Nhóm Phú Mỹ tại Ngân hàng Đại Tín. Vì tiền thu hồi sẽ được trả cho Ngân hàng CB nên sẽ được khấu trừ nghĩa vụ bồi hoàn của Hứa Thị Phấn cho Ngân hàng CB.
Ngoài ra, Hội đồng xét xử cũng tuyên thu hồi nhiều khoản tiền Hứa Thị Phấn chuyển cho nhiều cá nhân, tổ chức, trong đó có số tiền 25 tỷ đồng tiền thuế thu nhập cá nhân tới từ hành vi mua bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch của Hứa Thị Phấn mà Chi cục Thuế Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh đã thu. Những cá nhân, tổ chức có tranh chấp về những khoản tiền này sẽ được giải quyết tại một vụ án khác nếu có yêu cầu.
Đối với 114 bất động sản trong quá trình chuyển giao cổ phần giữa Nhóm Phú Mỹ và Nhóm Thiên Thanh, Hội đồng xét xử tuyên tiếp tục kê biên và giải quyết trong giai đoạn sau của vụ án. Ngoài ra, Hội đồng xét xử tuyên tiếp tục giữ kê biên toàn bộ các tài sản của Hứa Thị Phấn và các tài sản mà các bị cáo trong vụ án đứng tên để đảm bảo khắc phục hậu quả của vụ án. Nếu bị cáo nào có bằng chứng khẳng định tài sản bị kê biên là của mình, không liên quan đến Hứa Thị Phấn, có quyền khởi kiện Hứa Thị Phấn để đòi lại tài sản của mình.
Về mối quan hệ vay mượn giữa Ngân hàng CB và Công ty Cổ phần đầu tư Phương Trang, tại phiên tòa, đại diện CB khẳng định đã giải ngân đầy đủ cho Công ty Phương Trang, việc khách hàng sử dụng tiền như thế nào nằm ngoài khả năng của Ngân hàng.
Vì vậy, Ngân hàng CB đề nghị Công ty Phương Trang phải trả hơn 27.000 tỷ đồng cả gốc và lãi. Theo Hội đồng xét xử, Hứa Thị Phấn đã lợi dụng ảnh hưởng của mình để chỉ đạo các bị cáo khác hạch toán thu chi khống, đẩy dư nợ cho Công ty Phương Trang hơn 5.256 tỷ đồng. Việc xảy ra lỗi xuất phát từ Ngân hàng nên không thể bắt Công ty Phương Trang chịu trách nhiệm.
Từ đó, Hội đồng xét xử tuyên buộc Công ty Phương Trang phải có trách nhiệm thanh toán khoản nợ gốc mà Công ty Phương Trang thực nhận là hơn 3.936 tỷ đồng cùng lãi phát sinh đến thời điểm khởi tố vụ án, tổng cộng là 6.406 tỷ đồng.
Hội đồng xét xử giải tỏa kê biên đối với các tài sản là bất động sản và ô tô mà Công ty Phương Trang đang thế chấp tại Ngân hàng CB, giao những tài sản này cho CB quản lý để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ số tiền 6.406 tỷ đồng. Ngoài ra, bản án kiến nghị Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an xem xét trách nhiệm của ông Ngô Trí Đức (nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đại Tín, nguyên Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn) liên quan đến hành vi phạm tội của Hứa Thị Phấn trong quá trình quản lý, điều hành Chi nhánh Sài Gòn.
Bản án kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo Ngân hàng CB hạch toán lại kết quả kinh doanh các năm 2010, 2011, trên cơ sở kết quả xét xử vụ án xác định lại lợi nhuận của Ngân hàng; từ đó xem xét thu hồi lại phần cổ tức đã chia cho các cổ đông trong các năm 2010, 2011 để giảm thiệt hại cho Nhà nước.
Hội đồng xét xử kiến nghị Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh có biện pháp xử lý các cá nhân của Chi cục Thuế Quận 3 đối với việc tính thuế thu nhập của Hứa Thị Phấn./.
Thành Chung – Xuân Tình (TTXVN)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất