04/06/2018 14:33 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Ngày 4/6, tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) đã tuyên phạt bị cáo Hoàng Tuấn Hải (sinh năm 1972, trú tại xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang) 4 năm 6 tháng tù về tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ” theo quy định tại điểm đ Khoản 2 Điều 190 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009).
Đây là bị cáo duy nhất trong vụ án hơn 6.600 xác cá thể rùa biển bị thu gom, chế tác và buôn bán trái phép, được các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa phát hiện hồi cuối năm 2014.
Trước đó, vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm lần đầu tiên vào tháng 1/2018, Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang đã quyết định trả hồ sơ và yêu cầu cơ quan chức năng thành phố Nha Trang điều tra bổ sung, để đánh giá lại tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội của bị cáo trong vụ án. Bởi khi đó, quan điểm của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Nha Trang chỉ cáo buộc bị cáo Hoàng Tuấn Hải phạm tội ở mức theo Khoản 1 Điều 190 của Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt là phạt tiền từ 50 - 500 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử đã đánh giá hành vi phạm tội của bị cáo khi tàng trữ vì mục đích buôn bán số lượng hơn 6.600 xác cá thể rùa biển là đặc biệt nghiêm trọng. Hội đồng xét xử nhấn mạnh, Việt Nam được biết đến như một trong các trung tâm đa dạng sinh học trên thế giới. Hiện nay, vùng biển Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng có 5 loại rùa biển sinh sống, trong đó có nhiều loài đang ở tình trạng nguy cấp, cần bảo vệ nghiêm ngặt.
Hành vi phạm tội của bị cáo đã gián tiếp đe dọa nghiêm trọng đến nguồn lợi sinh vật biển quý hiếm tại vùng biển Việt Nam, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng trong công tác bảo tồn các loài động vật nguy cấp, quý hiếm cần ưu tiên bảo vệ.
Hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra là đặc biệt nghiêm trọng. Căn cứ tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của bị cáo cần phải xử lý thật nghiêm khắc, áp dụng hình phạt tù, cách ly ra khỏi xã hội một thời gian mới đảm bảo tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Nha Trang và cáo buộc của Hội đồng xét xử, từ năm 2010, mặc dù không đăng ký kinh doanh, Hải đã tiến hành mua thu gom số xác rùa trên của các ngư dân, để ngâm dung dịch phóc-môn, chế tác thành sản phẩm mỹ nghệ, bán kiếm lời.
Cuối năm 2014, cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã lần lượt kiểm tra, phát hiện Hoàng Tuấn Hải cất giấu trên 6.600 xác cá thể rùa biển tại xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang. Tất cả đều nằm trong nhóm danh mục các loài có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn, các loài có nguy cơ tuyệt chủng cực kỳ lớn. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đã thu giữ nhiều phương tiện, máy móc phục vụ việc chế tác mỹ nghệ từ rùa, do bị cáo Hải làm chủ.
Về vật chứng vụ án, Hội đồng xét xử kết luận với hơn 6.600 xác cá thể rùa biển có tổng trọng lượng hơn 5.000 kg, giao cho Viện Hải dương học, Bảo tàng chuyên ngành nhằm lưu giữ, nghiên cứu khoa học, tăng cường giáo dục để nâng cao nhận thức bảo vệ các loài động vật quý, hiếm cho cộng đồng.
TTXVN/Tiên Minh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất