11/07/2025 11:23 GMT+7 | Tin tức 24h
Sau 17 ngày xét xử và nghị án, sáng 11/7, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án đối với 41 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn (Tập đoàn Phúc Sơn).
Trong đó, Bản án sơ thẩm nhấn mạnh: hành vi vi phạm pháp luật của Cựu Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn Nguyễn Văn Hậu và các đồng phạm tại Tập đoàn Phúc Sơn đã thao túng, làm suy thoái, biến chất và dẫn đến vi phạm pháp luật của hàng loạt cán bộ, đảng viên đều là những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện, các Sở, ngành của các tỉnh (cũ) gồm Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Vĩnh Long; thao túng và làm sai lệch hành vi công vụ, làm giảm uy tín của các cơ quan, doanh nghiệp có liên quan.
Hội đồng xét xử tuyên án. Ảnh: Quốc Lũy - TTXVN
Hành vi của các bị cáo trong vụ án là rất nghiêm trọng, đã xâm phạm đến trật tự trị an, an toàn quản lý hành chính, kinh tế, về thuế; xâm phạm đến uy tín, danh dự của các cơ quan, tổ chức liên quan; gây thiệt hại, thất thoát, lãng phí đặc biệt nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước; không bảo đảm tính công bằng, minh bạch trong đấu thầu; gây ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, đến việc huy động các nguồn lực xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương và đất nước; gây bức xúc, bất bình trong dư luận xã hội; làm suy thoái, băng hoại về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và cách hành xử của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên nguyên là các lãnh đạo chủ chốt của các tỉnh; làm mất niềm tin, uy tín của Đảng và các cấp chính quyền…
Ở từng địa phương, mỗi Dự án, Gói thầu do bị cáo Nguyễn Văn Hậu thực hiện thì tính chất, mức độ, hậu quả thiệt hại do hành vi của từng bị cáo có khác nhau; có thể trực tiếp, có thể gián tiếp nhưng hành vi của bị cáo này là tiền đề, là điều kiện để các bị cáo cáo khác thực hiện các hành vi sai phạm; hành vi của mỗi bị cáo là một mắt xích, một khâu đoạn trong chuỗi các hành vi phạm tội gây ra hậu quả thiệt hại.
Các bị cáo nghe Tòa tuyên án. Ảnh: Quốc Lũy - TTXVN
Do đó, việc khởi tố, truy tố, đưa các bị cáo ra xét xử và áp dụng hình phạt nghiêm minh đối với từng bị cáo ở từng tội danh, tương xứng tính chất, mức độ, hậu quả hành vi của các bị cáo là cần thiết; nhằm trừng trị những cá nhân có hành vi đi ngược lợi ích của Nhà nước, của nhân dân và xã hội; đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm về kinh tế, chức vụ, tham nhũng nói riêng và các tội phạm khác nói chung.
Cụ thể, trong vụ án này, Nguyễn Văn Hậu (Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Phúc Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thăng Long) đã trực tiếp thực hiện hoặc chỉ đạo, điều hành nhân viên cấp dưới cấu kết với các tổ chức, cá nhân, đơn vị khác thực hiện một loạt các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu, về kế toán liên quan đến việc thực hiện các Dự án, Gói thầu tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Phú Thọ (cũ), gồm: 4 Dự án và 4 Gói thầu tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc; 2 Gói thầu tại tỉnh Quảng Ngãi; 4 gói thầu thuộc 2 Dự án tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ và một số Dự án khác.
Các bị cáo cúi đầu nhận tội. Ảnh: Quốc Lũy - TTXVN
Ngoài ra, Nguyễn Văn Hậu còn lợi dụng mối quan hệ, dùng tiền, lợi ích vật chất để móc nối, cấu kết với các cá nhân có chức vụ, quyền hạn trong các Cơ quan quản lý Nhà nước tại các địa phương nêu trên hoặc thuộc các đơn vị tư vấn, thẩm định để những cá nhân này thực hiện hành vi trái pháp luật theo yêu cầu, đề nghị của các cá nhân thuộc Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty Thăng Long nhằm tạo điều kiện cho các Công ty thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Phúc Sơn được trúng thầu, được thực hiện các Dự án, Gói thầu, hưởng lợi bất hợp pháp, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản nhà nước.
Hội đồng xét xử đánh giá, hành vi sai phạm của Nguyễn Văn Hậu và các bị cáo, các cá nhân khác có liên quan trong vụ án đã gây ra hậu quả thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho ngân sách Nhà nước, với tổng số tiền hơn 1.164 tỷ đồng.
Hình ảnh tại phiên tòa. Ảnh: TTXVN
Về hành vi "Đưa hối lộ", Hội đồng xét xử nhận định, lợi dụng mối quan hệ cá nhân hoặc qua công việc, Nguyễn Văn Hậu đã đưa tiền cho các cá nhân là lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, các Sở, ngành tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi với tổng số tiền hơn 132 tỷ đồng để những người này lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thực hiện công việc theo đề nghị, giúp Nguyễn Văn Hậu cùng Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty Thăng Long được thực hiện các Dự án, tham gia đấu thầu và trúng thầu thi công các Gói thầu, gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước.
Cụ thể, tại tỉnh Vĩnh Phúc: Nguyễn Văn Hậu đã đưa cho bị cáo Hoàng Thị Thúy Lan (cựu Bí thư Tỉnh ủy) nhiều lần với tổng số tiền gần 48 tỷ đồng; đưa cho bị cáo Lê Duy Thành (cựu Chủ tịch UBND tỉnh) nhiều lần với tổng số tiền gần 50 tỷ đồng; đưa cho bị cáo Phạm Hoàng Anh (cựu Giám đốc Sở Xây dựng, sau đó là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy) nhiều lần với tổng cộng 853 triệu đồng… để các bị cáo này can thiệp, tác động, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp của Nguyễn Văn Hậu không bị thu hồi Dự án thuộc trường hợp phải chấm dứt hoạt động, thu hồi nhưng được UBND tỉnh cho phép điều chỉnh Chủ đầu tư, gia hạn tiến độ thực hiện trái quy định…
Hoàng Thị Thúy Lan (ngoài cùng bên trái). Ảnh: TTXVN
Đồng thời, UBND tỉnh không giao cho UBND huyện Vĩnh Tường thu hồi 2,25 ha diện tích đất đã bồi thường giải phóng mặt bằng từ ngân sách Nhà nước để tổ chức đấu giá mà giao chỉ định cho Công ty Thăng Long sử dụng thực hiện Dự án, trái quy định của Luật Đất đai năm 2013; Phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh Dự án cho Công ty Thăng Long không phù hợp với quy hoạch hoặc khi chưa có quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt...
Tại tỉnh Quảng Ngãi, Nguyễn Văn Hậu đã đưa cho Đặng Văn Minh (cựu Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lần với tổng cộng 22,6 tỷ đồng và 240.000 USD. Trong số tiền trên, Đặng Văn Minh đưa cho Cao Khoa (cựu Chủ tịch UBND tỉnh) 6 tỷ đồng và Cao Khoa nhận trực tiếp từ Nguyễn Văn Hậu 20.000 USD; Đặng Văn Minh đưa cho Lê Viết Chữ (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi) 6 tỷ đồng… để các bị cáo này lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện, chỉ đạo thực hiện việc tạo điều kiện cho Tập đoàn Phúc Sơn, mặc dù không đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm thi công nhưng vẫn được trúng thầu thi công các Gói thầu đường bờ Nam sông Trà Khúc và Nâng cấp Quốc lộ 1, vi phạm quy định của Luật Đấu thầu.
Hội đồng xét xử tuyên án. Ảnh: TTXVN
Đối với hành vi "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", Hậu còn chỉ đạo cấp dưới thực hiện hành vi thông đồng, móc ngoặc với Chủ đầu tư trong dự thầu, chấm thầu, trúng thầu; cấu kết với các cá nhân, đơn vị thẩm định, kiểm toán thực hiện hành vi gian lận hồ sơ năng lực trong đấu thầu, vi phạm công bằng, minh bạch; thiết lập, sử dụng 3 Công ty Tự Lập, Miền Trung, Yên Lạc tham dự thầu với vai trò "quân xanh, quân đỏ" để đảm bảo Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu. Sau khi trúng thầu, Nguyễn Văn Hậu đã chỉ đạo thực hiện việc chuyển nhượng các gói thầu trái pháp luật, gây thiệt cho Nhà nước tổng số tiền 459 tỷ đồng.
Với hành vi "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng", Hội đồng xét xử xác định: Để trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, đồng thời có tiền để chi, phục vụ các hoạt động kinh doanh, đấu thầu, thực hiện Dự án trái pháp luật và sử dụng mục đích cá nhân, Nguyễn Văn Hậu đã chỉ đạo cấp dưới tổ chức bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại các Dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc do Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty Thăng Long làm Chủ đầu tư. Hậu còn cùng đồng phạm thiết lập, giả mạo, khai man, sử dụng 2 hệ thống sổ sách kế toán, tài chính để theo dõi riêng các khoản tiền thu ngoài hợp đồng của khách hàng, không ghi nhận trên sổ sách, kê khai, hạch toán kế toán nhằm che giấu, trốn tránh nghĩa vụ tài chính, gây thiệt hại cho Nhà nước tổng số tiền 504,5 tỷ đồng.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất