03h00 ngày 20/11, Anh-Đức: Khi tuyển Anh cần… Michael Ballack

19/11/2013 14:07 GMT+7 | Bóng đá Anh

(giaidauscholar.com) - Trong 12 lần đối đầu, tuyển Anh có thành tích cân bằng với tuyển Đức (mỗi đội thắng 5 trận). Nhưng xét về thành tích ở các giải lớn và quá trình xây dựng đội tuyển gần đây, Anh không thể sánh bằng Đức.

Đội Anh đã thua Đức đến 1-4 tại World Cup 2010, và đó là bằng chứng rõ nhất của sự chênh lệch. Đồng ý, Đức đã may mắn khi bàn thắng của Frank Lampard bị trọng tài từ chối. Nhưng xét toàn cục, tuyển Đức lấn lướt hoàn toàn tuyển Anh hôm đó.

Đức tiến như vũ bão, Anh làm lại từ đầu

World Cup 2010, giải đấu mà Đức lọt vào bán kết là một lần người Đức cho thấy bước tiến vũ bão của họ, trong việc xây dựng phong cách mới. Họ bắt đầu cuộc cách mạng bóng đá tấn công từ năm 2006, với người khởi xướng là Juergen Klinnsman; cải tổ Bundesliga với hình mẫu từ… Premier League của người Anh, và đến nay, có thể nói, đã thành công.

Tuyển Anh không có thủ lĩnh hy sinh vì đội bóng như Ballack.

Cả hai đại diện lọt vào chung kết Champions League mùa qua là các CLB Đức, Dortmund và Bayern Munich. Bayern đánh bại đội thống trị thế giới nhiều năm là Barcelona. Trong khi đó, không đội bóng Anh nào lọt vào tứ kết. Tuyển Đức đã 4 năm liền lọt vào bán kết các giải lớn. Tuyển Anh vẫn chưa làm được điều này từ World Cup 1990.

Trong khi các tài năng của bóng đá Đức trở thành trụ cột ở các CLB hàng đầu châu Âu, như Mesut Oezil, Mertesacker tại Arsenal, Khedira ở Real Madrid, Schurrle ở Chelsea… thì bóng đá Anh đành hài lòng với “phát hiện mới” Daniel Sturridge, hay cầu thủ 31 tuổi Rickie Lambert của Southampton. Bayern vừa công bố doanh thu kỷ lục mùa 2012-2013 là 393 triệu euro, chính thức đưa họ tiệm cận Man United. Từ tài chính đến thành tích sân cỏ, người Đức đều tiến như vũ bão.

Tính cách khác biệt

Trong cuốn tự truyện của mình, cựu tiền vệ Dietmar Hamann chỉ ra khác biệt của bóng đá Anh và Đức đến từ chính tính cách các cầu thủ, và thể hiện rõ nhất ở tính cách các thủ lĩnh.

Khi tuyển Anh đối mặt với Tây Đức ở World Cup 1990, hai đội hòa 1-1 cho đến hiệp phụ. Khi trận đấu bước vào hiệp phụ, Paul Gascoigne nhận 1 thẻ vàng vì phạm lỗi với Berthold, và vì đã nhận thẻ vàng trận trước đó, ông sẽ không được dự trận chung kết cúp thế giới nếu Anh thắng Đức. Gascoigne òa lên khóc nức nở ngay trên sân, khi tuyển Anh vẫn chưa vượt qua Đức. Khi HLV Bobby Robson  phân cho ông đá quả phạt đền thứ 3 trong loạt luân lưu, Gascoigne từ chối, khiến David Platt phải đá thay.

Nếu Gascoigne là một cầu thủ Đức, hành vi ấy sẽ tạo ra một vụ bê bối quốc gia. Michael Ballack nhận thẻ vàng ở bán kết World Cup 2002, và cũng như Gascoigne, anh biết mình sẽ không được dự chung kết. Nhưng anh không khóc. Bốn phút sau anh ghi bàn. Anh hoàn toàn vui mừng vì đưa đội bóng vào chung kết, mặc dù khi bước vào phòng thay đồ, anh đã rất đau lòng. Ballack vẫn khóc, nhưng chỉ sau khi giúp đội bóng của anh thắng trận. Nó khác hẳn nước mắt của Gascoigne.

Trong khi các thế hệ của tuyển Đức có tinh thần thi đấu và ý thức màu cờ sắc áo rất cao, thì cầu thủ Anh thường vị kỉ. John Terry có thể là trung vệ xuất chúng, nhưng anh sẵn sàng kỳ thị chủng tộc với chính em trai của đồng đội mình. Khi người Đức lao động thì tuyển Anh lao vào những cuộc tranh cãi vô bổ, như vụ Rio Ferdinand từ chối lên tuyển, khi được Roy Hodgson gọi.

Tuyển Đức sẽ không có Neuer, Lahm, Khedira, Schweinsteiger và Oezil tối nay, nên cơ hội để người Anh giành chiến thắng là khá lớn. Họ có thể thắng, và họ sẽ gọi đó là “trả thù”, cho trận thua 1-4 ở World Cup 2010. Nhưng ai cũng hiểu thực lực của tuyển Anh đến đâu. Và chiến thắng ầm ĩ ấy, nếu có, cũng chẳng có nhiều giá trị.


Đỗ Hiếu
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm