'Đến World Cup bằng futsal, tại sao không?'

13/08/2015 14:44 GMT+7 | Bóng đá Việt

(giaidauscholar.com) - Bắt đầu với futsal (hay đúng ra là bóng đá trong nhà nặng tính phong trào) từ cách đây 8 năm, với xuất phát điểm chỉ là con số không rất tròn, có thể nói một tay ông Trần Anh Tú đã đưa đội tuyển futsal Việt Nam vào Top 8 châu lục và gần nhất là tấm HCĐ châu Á 2015 lịch sử cùng CLB Thái Sơn Nam. Nhưng tham vọng của bầu Tú không dừng lại ở đó. Đây cũng là nội dung cuộc trao đổi của Thể thao & Văn hóa cuối tuần với ông Trần Anh Tú.

“Tôi không bao giờ cho phép mình giận bất cứ một ai quan tâm đến futsal, bất kể từ một góc độ nào. Có thể mọi người chưa hiểu, chưa chia sẻ, nhưng đến một lúc nào đó, họ sẽ thấy được những gì tôi đã và đang làm là cần. Ít ai biết rằng, tôi đã, đang và không ngừng cắp sách đi học… người nước ngoài. Từ phương pháp làm bóng đá, đến cách ứng xử. Ví như trên sân, họ xem nhau như kẻ thù, nhưng bước ra ngoài thảm đấu, lại là những người bạn tâm giao”, chia sẻ rất bình dân của người đứng đầu Liên đoàn bóng đá TP.HCM (HFF) và Công ty TNHH Thương mại Thái Sơn Nam, Trần Anh Tú.

Đến World Cup bằng futsal, sao không?

* Hãy bắt đầu với tấm HCĐ lịch sử của Thái Sơn Nam tại giải vô địch CLB futsal châu Á vừa diễn ra tại Iran. Từng 2 lần tham dự (các năm 2012, 2013) và cả 2 lần đều bị loại từ vòng bảng, chỉ có vỏn vẹn 1 trận hòa. Ông lý giải thế nào về bước tiến được xem là thần kỳ này. Thái Sơn Nam đã mạnh hơn, hay may mắn, hoặc đơn giản là đối thủ yếu đi?

- Trước hết tôi xin cám ơn Thể thao & Văn hoá cuối tuần, tờ báo mà tôi đã là độc giả ngay từ khi nó ra đời từ những năm 80 của thế kỷ trước, đã dành cho tôi cuộc phỏng vấn này.

Tôi cho rằng thành tích của Thái Sơn Nam ở giải năm nay bao gồm tất cả các yếu tố mà trong câu hỏi đã đề cập, chỉ riêng phần trình độ đối thủ thì tôi không dám cho là họ yếu đi. Đội vô địch và hạng nhì năm ngoái, nếu không bị loại thì họ cũng không nằm trong nhánh của Thái Sơn Nam. Còn nếu có gặp thì phải đến vòng bán kết chúng ta mới gặp họ. Cơ hội mở ra và chúng tôi đã nắm lấy. Bóng đá có hay thì mới có may được.

* Trong thành công vừa rồi của Thái Sơn Nam không thể không nhắc đến vai trò của HLV trưởng Bruno Formoso và cả cựu tuyển thủ futsal Tây Ban Nha Saul Campana?

- Vâng, vai trò của HLV Trưởng Bruno Formoso và cựu tuyển thủ Tây Ban Nha Saul Olmo Campana là cực kỳ quan trọng. Ngoài quá trình chuẩn bị trước giải, trong giải ông Bruno đã điều chỉnh chiến thuật hợp lý cho từng trận đấu.

Còn Saul là người giúp các cầu thủ Việt Nam luôn tin tưởng vào mình, dám đối đầu với các cầu thủ hơn hẳn về tầm vóc và kỹ thuật cá nhân. Sự tự tin là rất quan trọng và đây cũng là điểm yếu cố hữu của người Việt Nam nói chung và bóng đá, futsal Việt Nam nói riêng, khi bước ra sân chơi quốc tế.


Ông Trần Anh Tú khẳng định futsal Việt Nam đang nằm trong TOP 8 khu vực châu Á

* Nếu tính gộp cả thành tích vào đến Top 8 của đội tuyển tại giải vô địch châu Á năm ngoái trên sân nhà cùng tấm HCĐ lúc này của Thái Sơn Nam, theo ông, futsal Việt Nam đã thực sự vươn tới đẳng cấp châu lục hay chưa? Và nếu đã ở đẳng cấp châu lục, thì có nghĩa là futsal Việt Nam không hề thua kém futsal Thái Lan, đối thủ vốn được xem là số 1.

- Ở giải vô địch Châu Á 2014 trên sân nhà, khi tuyển Việt Nam lọt vào Top 8, tôi cũng đã tin là Việt Nam đã đặt chân vào trình độ của châu lục. Như thế đã bị cho là hơi vội vã, bởi thành tích tại một giải đấu, không có nghĩa là vị thế của nền bóng đá được bảo lưu, nếu bạn không tiếp tục cố gắng, không duy trì và không bảo vệ được thành quả.

So với năm ngoái thì ở giải CLB năm nay các cầu thủ chúng ta thể hiện một cách chơi cứng cáp hơn rất nhiều, phần vì sức ép trong màu áo CLB không lớn như khi khoác áo ĐTQG. Kết quả thi đấu vừa qua đã chứng tỏ điều đó khi thi đấu 5 trận thì thắng 3, hòa 2.

Cho đến thời điểm này, tôi hoàn toàn tin tưởng, rằng trình độ futsal của chúng ta thực sự đã vững chắc trong top 8 của châu Á và có thể còn tiếp tục tiến xa hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, để trình độ ngang bằng với Thái Lan thì chúng ta cần nỗ lực hơn nhiều. Chúng ta vẫn còn thua xa họ về nhiều yếu tố lắm. Futsal Thái Lan đã ở đẳng cấp thế giới rồi.

* Thực ra thì đây cũng không phải là lần đầu tiên 1 CLB bóng đá Việt Nam đứng trong Top 4 châu lục. Ở bóng đá 11 người, CLB B. Bình Dương từng vào đến bán kết AFC Cup 2009, trước đó, đội tuyển Việt Nam cũng vào tới tứ kết Asian Cup 2007. Nhưng lúc này, có nhiều ý kiến cho rằng, bóng đá Việt Nam có cơ hội lớn đến với VCK World Cup bằng futsal, thưa ông?

- Đưa đội tuyển futsal lọt vào VCK World Cup là mong muốn của tôi khi bắt đầu đầu tư cho môn chơi này. Nếu lọt vào Top 4 hoặc Top 5 châu Á ở vòng loại World Cup, lẽ đương nhiên chúng ta sẽ có suất chính.

Với những gì đã làm cho futsal và những gì mà futsal Việt Nam đã thể hiện ở các giải quốc tế vừa qua, tôi rất tin điều đó sẽ thành hiện thực trong thời gian tới. Kế hoạch của tôi là 2020, nhưng nếu may mắn thì sẽ có thể sẽ là ngay trong năm 2016.

Yêu, đam mê và theo đuổi, chứ không độc đoán

*  Trở lại với vai trò của một ông bầu. Ông có thể cho biết lý do tại sao mình lại đầu tư vào futsal - môn bóng đá thường gắn với "phủi", hoặc các cầu thủ giải nghệ? Được biết, trước khi bóng đá Việt Nam chuyển sang cơ chế chuyên nghiệp, ông cũng đã từng đầu tư bóng đá 11 người.?

- Làm futsal, nhưng tôi vẫn đầu tư bóng đá sân 11 người, trước là mang tính phong trào, phục vụ cho hoạt động thể thao của công ty tôi thôi, chứ không phải để tiến tới thi đấu chuyên nghiệp.

Còn futsal, tôi đến với nó như một cơ duyên. Thành lập đội tham gia các giải phong trào của thành phố, rồi của quốc gia, mà nhiều thời điểm tôi đứng ra tổ chức hoặc hỗ trợ tổ chức giải luôn. Nhưng càng dấn sâu, ăn nằm với nó, tôi càng đam mê. Từ đam mê mà tôi tìm cách để đưa futsal ra khỏi tính phong trào bằng cách học hỏi futsal Thái Lan, rồi qua châu Âu, Brasil học việc.

Việc môn futsal bị coi là phong trào hay sẽ tiến tới chuyên nghiệp là do nếp nghĩ và cảm nhận của mọi người thôi. Tôi tin rằng, nếu làm tốt và chơi tốt, bản thân nó đã và sẽ tiến tới sân chơi chuyên nghiệp.

* 7 năm để từ con số 0 đến tấm HCĐ châu Á, đó là quãng đường quá ngắn trong bóng đá và ở góc độ doanh nghiệp thì rõ ràng là cuộc đầu tư có lời lớn. Vậy chiến lược đầu tư của ông như thế nào, trong khi có rất nhiều những ông bầu khác, xin lỗi có thể còn nhiều tiền hơn ông và cũng đã đổ vào bóng đá không ít tiền mà không thu được thành công?

- Đội futsal Thái Sơn Nam được thành lập vào tháng 5/2007. Cũng đã hơn 8 năm. So với Thái Lan, khi họ có được huy chương châu Á thì chặng đường chúng ta dài hơn họ một chút, nhưng so với bóng đá nói chung thì đúng là quá ngắn. B.Bình Dương từng vào bán kết AFC Cup 2009, thì họ cũng đã lịch sử hàng chục năm hình thành và phát triển rồi.


Vai trò của HLV Formosino (phải) là khá lớn sau sự thăng tiến của futsal Việt Nam thời gian gần đây

Thực sự, số tiền đầu tư cho futsal của tôi còn quá nhỏ so với số tiền mà mọi người rót cho bóng đá 11 người. Tuy nhiên, tôi nghĩ vấn đề không phải là ít hay nhiều tiền, mà là cách làm phù hợp. Vì mình đi sau, nên tôi cho rằng, trước hết là phải mời được thầy giỏi. Mà muốn có thầy giỏi thì phải tìm đến các nền bóng đá phát triển. Tất nhiên, họ sẽ đưa ra các yêu cầu và mình phải đáp ứng.

Nhưng, chính các yêu cầu của họ lại mở mang cho mình, để mình biết cần phải làm những gì. Mình trả tiền cho họ và bắt họ phải cho mình kiến thức. Khi có thầy giỏi thì rồi sẽ có cầu thủ giỏi... vân vân. Tất nhiên còn rất nhiều chi tiết, nhưng với tôi thì chiến lược cơ bản là phải như vậy.

* Vậy tại sao, futsal một địa hạt có và còn rất nhiều tiềm năng để phát triển, nhưng không thu  hút được các doanh nghiệp và cả các địa phương tham gia đầu tư?

- Điều này có nhiều yếu tố, trong đó có một phần lỗi của truyền thông đấy (cười). Nói ra dễ mất lòng, nhưng nếu không có sự kiện Thái Sơn Nam gây tiếng vang ở giải châu Á thì việc đề cập đến futsal của truyền thông còn quá ít. Truyền thông ngoài vai trò định hướng, còn là kênh quảng bá hữu hiệu, để nhiều người biết đến futsal, để từ đó thu hút được nguồn lực của xã hội đầu tư vào. Nếu có nhiều người quan tâm, hâm mộ futsal ở nhiều địa phương, tôi chắc rằng, các doanh nghiệp cũng sẽ nhảy vào.

* Chiến lược đầu tư futsal của ông khá bài bản và về cơ bản cũng chẳng khác gì bóng đá 11 người cũng như các cách đầu tư khác. Từ việc xây dựng Học viện để tạo ra các cầu thủ futsal chuyên nghiệp, mời HLV, cầu thủ ngoại có chất lượng; quản lý, điều hành theo phương pháp chuyên nghiệp... Nhưng ông có thừa nhận rằng 1 trong những cái nền quan trọng cho sự phát triển của futsal nói riêng và cả bóng đá nói chung là giải VĐQG thì... vẫn chưa ổn. Những lùm xùm ở giải vô địch futsal toàn quốc thời gian qua là minh chứng. Thậm chí ông Tú còn mang điều tiếng là thâu tóm, khuynh đảo hệ thống các giải đấu?

- Không chỉ riêng bóng đá hay futsal, nền thể thao chuyên nghiệp chúng ta còn thiếu quá nhiều thứ. Kiến thức, trình độ tổ chức một CLB còn quá thiếu. Mà CLB là nền tảng để làm nên một giải quốc gia vững chắc. Thể thao & Văn hoá đã có nhiều loạt bài đề cập đến vấn đề này, gần nhất là trước sự kiện Thái Sơn Nam tham gia giải các CLB futsal châu Á.

Các bài báo đề cập đến các CLB futsal, giải quốc gia và cả cá nhân tôi. Tôi thấy bài viết rất chính xác. Mong mỏi của tôi là có nhiều CLB như Sanna Khánh Hòa, nhiều trận derby và nhiều hơn các hệ thống giải đấu. Càng nhiều trận derby thì giải quốc gia mới hấp dẫn và mới tốt được.

Như đã nhắc, tôi không bao giờ cho phép mình giận bất cứ một ai quan tâm đến futsal, bất kể từ một góc độ nào. Tôi nghĩ có thể người ngoài cuộc chưa hiểu hết, nhưng những người trong cuộc hiện nay lại rất cảm thông, chia sẻ. Đơn giản, bởi họ là những con người hành động và làm việc thực sự.

Đau đáu với bóng đá TP.HCM

* Với tư cách Chủ tịch HFF, ông nghĩ sao khi một trung tâm bóng đá lớn như TP.HCM lúc này lại không có đại diện V-League, tất nhiên, không có tuyển thủ quốc gia. Được biết là mùa này, ông đã bỏ 3 tỷ đồng tiền túi để CLB TP.HCM tham dự giải hạng Nhất, nhưng cơ hội thăng hạng đang dần xa tầm với?

- Trước là do bóng đá TP.HCM đã không chuyển mình kịp theo sự thay đổi của xã hội, cũng như mặt bằng chung của bóng đá Việt Nam. Tôi cũng không thể hiểu tại sao một thành phố có nền kinh tế năng động nhất nước mà bóng đá lại không kịp tự chuyển mình?!

Sau nữa là công tác đào tạo trẻ bị hổng một thời gian quá dài. Điều đó thể hiện ngay ở kết quả đầu ra, khi các đội bóng của TP.HCM không có một cầu thủ nào ở trong ĐTQG hiện nay. Phải, nếu bạn chỉ chơi ở các giải hạng thấp, năng lực đầu ra có hạn, sao có thể đòi hỏi được?! Ngay cả số tiền túi mà tôi bỏ ra, cũng đủ để hỗ trợ, động viên đội tham dự giải hạng Nhất, chứ chưa thể nâng cấp tham vọng khi nguồn kinh phí quá eo hẹp.

* Vậy HFF sẽ có những động thái gì để đưa bóng đá thành phố trở lại? 1 trong những hướng đi mà ông khởi xướng là phát triển bóng đá học đường, nhưng đó là 1 câu chuyện dài, tốn kém. Hơn thế, bóng đá TP.HCM không thể chỉ có futsal và dưới nữa là bóng đá nữ vừa có cuộc trở lại ngôi Hậu quốc gia?

- Theo kế hoạch của HFF, TP.HCM sẽ có đội tham dự V-League từ năm 2016, nhưng nếu muộn hơn một đôi năm nữa, thì đó cũng không hẳn là sự thất bại. Cần phải xem xét, đánh giá lại nguồn lực của địa phương. Bóng đá sân 11 người phức tạp hơn futsal rất nhiều, trong đó phải kể đến vấn đề lịch sử, thời thế.

HFF đang cùng với Sở VH-TT TP.HCM từng bước gây dựng lại, từ công tác đào tạo trẻ cùng với việc xây dựng và củng cố đội hạng Nhất hiện nay. Một khó khăn rất lớn mà chúng tôi đang gặp là vấn đề tài chính. Riêng điều này phải gỡ dần dần, không thể nào nôn nóng được.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!


CCKM (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm