Đội tuyển Italia: "Juve hóa", tại sao không?

31/05/2012 14:20 GMT+7 | Bảng C

(TT&VH) - Toàn bộ 7 cầu thủ Juventus có tên trong danh sách sơ bộ 32 cầu thủ đều được giữ lại cho danh sách đăng ký chính thức, kể cả tân binh Emanuele Giaccherini. Điều đó khẳng định niềm tin tối đa của HLV Cesare Prandelli vào những nhà vô địch mới của bóng đá Italia. Tuy nhiên…



ĐT Italia lấy Juventus làm nòng cốt - Ảnh Getty

Việc Juventus có quân số áp đảo trong đội hình đến Ba Lan lần này không có gì lạ, bởi vì với truyền thống trọng dụng cầu thủ nội địa, đội bóng lớn nhất Italia này luôn là nguồn cung cấp nhân tài dồi dào cho Azzurra. Chức vô địch và thành tích phòng ngự ấn tượng của Juve ở Serie A mùa vừa qua cũng đủ khiến cho những cái tên vốn ít được kỳ vọng như Bonucci, Giaccherini trở nên nổi bật. Đấy là chưa kể tới Matri, Quagliarella và Pepe, những cầu thủ được cho là cũng xứng đáng góp mặt ở kỳ EURO lần này. Họ là những người được Juve đưa về hồi mùa hè 2010 trong chính sách "Azzurra hóa Juve". Chính sách ấy đã bị dẹp bỏ chỉ sau một mùa giải, nhưng điều mà có lẽ Juve cũng không ngờ tới ở thời điểm họ muốn phủ xanh đội bóng là Italia lúc này lại đang "Juve hóa" về mặt nhân sự.

Nếu Prandelli không tin tưởng Balzaretti ở cánh trái hảng thủ, thì đội hình mạnh nhất của Italia sẽ hiện diện tới 6 trong 7 cầu thủ Juventus được gọi, là Buffon trong khung thành, Bonucci - Barzagli đá cặp trung vệ, Chiellini đá hậu vệ trái và cặp Pirlo - Marchisio sát cánh ở tuyến giữa. Chưa bao giờ kể từ EURO 1980, Juventus có tầm ảnh hưởng lớn đến như vậy trong đội hình tối ưu của đội tuyển. Mặc dù Cassano và Balotelli được trông đợi sẽ là đầu tàu cho thành công của Italia ở kỳ EURO này, nhưng các vị trí của "bộ sậu" Juve có vai trò tiên quyết đến lối chơi và sức mạnh của Azzurra. Trong đó, Pirlo là nhân vật quan trọng nhất, và Buffon, với vai trò đội trưởng - đồng thời là cầu thủ giàu kinh nghiệm nhất đội - sẽ là điểm tựa tinh thần chủ yếu cho các cầu thủ của Prandelli. Chiến thắng của Italia ở World Cup 2006 với bản lĩnh thượng thừa của Fabio Cannavaro cho thấy giá trị của một đội trưởng vĩ đại trong sức mạnh tâm lý của một đội bóng có tham vọng vô địch.

Dùng người, không dùng lối chơi?

Song điểm đáng chú ý là dường như HLV Prandelli không có ý định "Juve hóa" về mặt lối chơi, khi ông vẫn gắn bó với sơ đồ 4-3-1-2 đã đưa Italia vượt qua vòng bảng tương đối dễ dàng. Thường thì khi bước vào các giải đấu quan trọng, Azzurri thường copy lối chơi của đội bóng thành công nhất ở Serie A cùng thời, mà thực tế là Prandelli cũng đã bắt đầu triều đại của mình với sơ đồ 4-3-1-2 làm nên thành công của Inter và Milan. Lối chơi 3-5-2 đem tới vinh quang cho Juventus thực tế mới chỉ được áp dụng nửa năm nay, khi Italia đã giành vé dự EURO và đã định hình về mặt chiến thuật. Cũng là logic nếu Azzurri cứ tiếp tục con đường mà họ đã chọn, duy trì sự ổn định dựa trên những gì họ đã rèn tập nhuần nhuyễn trong hai năm qua. Nhưng bắt chước lối đá 3-5-2 của Juve cũng có thể là một cách làm hay.

Bởi vì sự áp đảo của các cầu thủ Juventus ở hai tuyến dưới, việc Prandelli có cho đội chuyển sang đá 3-5-2 hay 3-4-1-2 (hoặc 3-4-2-1) cũng sẽ không tạo ra nhiều bỡ ngỡ. Bộ tứ phòng ngự của Juve, cũng như Pirlo và Marchisio, đều đã quá quen chơi như vậy. De Rossi hay Nocerino đủ tài năng để thay vai trò của Vidal, còn các hậu vệ cánh mà Prandelli đã chọn (Abate, Maggio, Balzaretti) đều có thể đá tiền vệ cánh rất tốt (nhất là Maggio). Ở tuyến trên, sự linh hoạt của những Cassano, Balotelli, Giovinco và Di Natale cũng hứa hẹn không có khó khăn gì trong vấn đề điều chỉnh vị trí và nhiệm vụ. Thực tế, Juve giành Scudetto mùa vừa qua chủ yếu nhờ sức mạnh và sự ổn định của hai tuyến dưới, những yếu tố mà Prandelli có thể tái lập được ở Italia nếu ông muốn.

Tuy nhiên, Prandelli không phải người cứng nhắc về chiến thuật. Việc ông cho đội tập 4-3-3, cũng như gọi vào đội những chuyên gia lấp chỗ trống như Diamanti, Giaccherini cho thấy ông luôn sẵn sàng đổi chiến thuật khi cần kíp. Rất có thể vào lúc nào đó, 3-5-2 sẽ được áp dụng.


Bách Việt



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm