09/02/2022 08:55 GMT+7 | Bóng đá Việt
(giaidauscholar.com) - Tấm vé đến World Cup là "câu chuyện cổ tích thời hiện đại" của bóng đá nữ Việt Nam. Ông Phạm Hải Anh, một trong những người “mở đường”cho sự phát triển của bóng đá nữ Việt Nam, cho rằng đất nước ta dù khó khăn nhưng đang sở hữu truyền thống, đẳng cấp bóng đá nữ tuyệt vời, cần trân quý và phát triển xứng tầm.
Trước khi bước vào cuộc đối thoại, tôi xin phác họa đôi nét về Giám đốc Trung tâm Huấn luyện - Thi đấu TDTT tỉnh Hà Nam Phạm Hải Anh. Ông giám đốc lịch thiệp này từng nhiều năm gắn bó sâu nặng với phong trào thể thao nói chung cũng như bóng đá nữ nói riêng.
Ông Hải Anh được coi như người “mở đường” từ những ngày đầu vào nghề cho nhiều tuyển thủ nữ quốc gia nổi tiếng sau này như Văn Thị Thanh,Vũ Thị Lành, Đoàn Thị Hải Sâm, Nguyễn Thị Nguyệt, Nguyễn Thị Liễu, Nguyễn Thị Tuyết Dung... Hôm nay, với chiến tích giành vé dự World Cup 2023, ông nhìn lại những chặng đường đã qua, phác thảo chấm phá về tương lai cho bóng đá nữ nước nhà với những tâm tình: “Tôi vui lắm chứ khi các bạn nữ đã mang về những chiến tích như thế.Vui vì các bạn đã vượt qua được những gian khó, hy sinh để “cháy” hết mình, cống hiến hết mình.
Vui nhưng cũng ưu tư nhiều lắm, trăn trở, nghĩ suy nhiều lắm. Làm sao để các bạn có được điều kiện tốt hơn, đủ đầy hơn mà theo nghiệp đá bóng. Rồi tìm ra hướng đi, lộ trình, mô hình cho bóng đá nữ nước nhà trong tương lai để phát triển căn cơ, bền vững chứ không chỉ có thành tích rồi vui, sau đấy lại lắng xuống dần.
Thành quả hôm nay, những điều có được hôm nay thuộc về chính các bạn cầu thủ cùng những HLV dẫn dắt bóng đá nữ Việt Nam qua nhiều giai đoạn. Các bạn ấy phải hy sinh nhiều lắm, vượt khó nhiều lắm. Từng nhiều năm lăn lộn, gắn bó với phong trào từ những năm đầu phát triển bóng đá nữ, dìu dắt các nữ cầu thủ nên tôi hiểu được điều này. Chỉ nói đơn giản thế này thôi, chính sự nỗ lực không ngừng, biết cách vượt lên gian khó như thế để có thành công đã đáng quý vô cùng.
Những nữ cầu thủ dường như vẫn luôn quen với những thiệt thòi, cũng hiếm khi ca thán. Cho nên, phải cần có nhiều hơn nữa những sự quan tâm, động viên, tiếp sức, đồng hành cùng họ. Đó là những con người khi theo đuổi con đường “quần đùi áo số” cũng đã chấp nhận mạo hiểm, rủi ro và cả thiệt thòi rồi. Tôi biết được cảm giác đó của các cầu thủ nữ khi ngồi nghe những tâm sự, trải lòng về nhau của họ và về nghiệp bóng đá mà họ theo.
Những thành quả gần đây của bóng nữ nước nhà đã được ghi nhận, trân quý cũng như tưởng thưởng xứng đáng. Những khoản tiền thưởng, những lời chúc mừng, những khen ngợi, tất cả đều đáng quý. Nhưng cái lớn hơn, quan trọng hơn, ý nghĩa hơn và thực chất hơn đằng sau mỗi chiến thắng, mỗi tấm huy chương, mỗi thành tích là làm sao duy trì, phát triển được điều đó. Điều đọng lại lớn nhất cũng như trăn trở nhất với tôi lúc này trong niềm vui, tự hào phải làm sao có được nguồn lực tốt cho một hướng đi bền lâu.
Những ưu tư, trăn trở đằng sau dấu mốc lịch sử
* Với kinh nghiệm làm bóng đá nữ từ những ngày đầu, ông thấy cầu thủ nữ Việt Nam có tố chất đặc biệt rơi vào khu vực nào, thành phố hay nông thôn?
- Những năm đầu khi bóng đá nữ nước nhà mới bắt đầu được gầy dựng, phát triển hay nhìn vào thực tế lúc này sẽ hình dung rõ về vấn đề mà câu hỏi đặt ra. Nhân tài hay những cầu thủ tiềm năng thì ở địa phương nào, khu vực nào, nông thôn hay thành thị đều có. Tuy nhiên, với những điều kiện khác nhau, cầu thủ nữ ở các miền quê cả nước gắn bó nhiều hơn với con đường đá bóng.
Có thể, điều kiện kinh tế khó khăn nên các cầu thủ ở nông thôn luôn chọn cho mình nghề đá bóng để có hướng đi. Thực tế, có những nhân tố tốt nhưng khi điều kiện kinh tế ổn định thì họ không theo con đường đá bóng. Ngay tại địa phương Hà Nam, những ngày đầu mới gầy dựng phong trào, việc tuyển sinh, chọn lựa nguồn lực cầu thủ rất lớn, đa dạng. Tuy nhiên, càng về sau này, cũng khó chứ không thuận lợi như trước. Thậm chí, gần đây, khi Hà Nam tuyển sinh các lớp năng khiếu phải tỏa về các địa phương như Hòa Bình, Thái Nguyên, Sơn La… để tìm kiếm nguồn cầu thủ trẻ cho công tác đào tạo.
* Có thế thấy, tiềm năng bóng đá nữ nước nhà không thiếu, vậy cần làm gì để không bỏ sót nhân tài của bóng đá nữ?
- Làm bóng đá đỉnh cao, chuyên nghiệp trong bối cảnh thể thao nước nhà còn thiếu thốn đã khó, làm bóng đá nữ còn khó khăn hơn. Điều tôi trăn trở suốt những năm tháng gắn bó với bóng đá nữ là chế độ cho các em còn thấp, không thể đảm bảo được điều kiện cuộc sống. Tôi vẫn mong muốn các cầu thủ được tăng thêm chế độ để yên tâm tập luyện, thi đấu, để bóng đá nữ có cơ hội phát triển hơn, rộng rãi hơn.
Chúng ta nói thì thấy đơn giản như thế nhưng xắn tay vào việc mới thấy hết cái khó, cái bất cập. Điều này cần được quan tâm hơn nữa về cả chính sách, chế độ và tìm ra hướng đi. Ngành TDTT hay VFF cũng đã có cố gắng suốt thời gian qua. Bên cạnh đó còn cả sự chung tay của địa phương, doanh nghiệp hay các Mạnh Thường Quân, các ông bầu tâm huyết.
Thời gian qua, chúng ta đã và đang làm tốt vấn đề này với bóng đá nam, từ đó có thể mở rộng và áp dụng cho bóng đá nữ chẳng hạn. Chúng ta phải xã hội hóa, làm sao để kết hợp được các mặt mới mở mang, phát triển được. Do đó, bóng đá nữ nước nhà cần có và nhận nhận được thêm nguồn lực để hoạt động. Chẳng hạn, sau tấm HCV SEA Games 31 năm 2019, khoản kinh phí tài trợ 100 tỉ đồng cho các hoạt động của ĐTQG và bóng đá trẻ từ một doanh nghiệp thật sự đúng lúc và quý giá vô cùng.
* Giải VĐQG cùng các giải đấu trong nước sẽ tạo ra nền tảng động lực cho bóng đá nữ. Vậy theo ông hệ thống giải VĐQG nữ Việt Nam hiện nay cần gì để phát triển?
- Phong trào mạnh sẽ có được hướng đi tốt, tạo ra sự phát triển vượt bậc. Với bóng đá nữ cũng vậy thôi. Từ những “cái nôi” ban đầu còn ít cho đến nay đã dần được gầy dựng và tạo ra được hệ thống tại vài địa phương, CLB trong cả nước. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế hiện nay, không có nhiều địa phương có được phong trào bóng đá nữ phát triển mạnh cũng như có đội bóng để tạo ra nền móng cơ bản.
Hệ thống các giải đấu trong nước hiện nay về cơ bản đã đáp ứng với nhiều giải đấu khác nhau. Chúng ta có cả giải VĐQG, giải Cúp quốc gia và kể cả các giải trẻ thuộc lứa U16 -U19 được tổ chức hàng năm. Tuy nhiên, số lượng các địa phương, CLB tham gia vào các giải đấu còn quá ít. Giải VĐQG hiện nay chỉ có 6 đội. Phong trào chỉ phát triển ở 2 đầu đất nước, còn lại vắng bóng ở nhiều địa phương. Như khu vực miền Trung - Tây nguyên hay Đồng bằng sông Cửu Long không có các đội bóng tham gia vào những hoạt động đó.
Muốn phát triển, trước hết cần có được số lượng nhiều hơn nữa các đội bóng tham gia hoạt động, thi đấu. Từ đó, mới có được nguồn lực rộng rãi để chắt lọc ra được chất lượng cầu thủ cho ĐTQG và các đội trẻ. Phải tạo ra được tính kế thừa, đồng bộ các tuyến trẻ xuyên suốt, kết nối nhau. Trước tiên, tập trung mạnh vào huấn luyện, đào tạo lứa tuổi U13, U15, U17, tạo điều kiện thi đấu các giải bóng đá nữ trong hệ thống giải quốc gia để tạo nguồn bổ sung ĐTQG.
Những năm trước có còn nhiều các giải mời, các giải giao hữu quốc tế mở rộng như giải Than Khoáng sản mở rộng, giải Hà Nội mở rộng. Vậy nên, ngoài hệ thống thi đấu quốc gia nên cần có thêm những giải đấu như thế để tạo điều kiện cho cầu thủ nữ có cơ hội thi đấu, rèn giũa, cọ xát, nâng cao trình độ…Ngoài ra VFF nên động viên các địa phương, các doanh nghiệp và có thêm cơ chế để phát triển phong trào, nâng số lượng đội bóng tham gia vào hệ thống thi đấu trong nước.
Cuối cùng, tôi xin nhấn mạnh: Chúng ta đã sở hữu được truyền thống, đẳng cấp tuyệt vời về bóng đá nữ. Tôi mong hãy thương yêu, quan tâm để bóng đá nữ vươn lên xứng tầm thế giới, điều đó theo tôi không quá khó!
* Xin được cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Trần Tuấn (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất