28/09/2014 13:58 GMT+7 | Các ĐTQG
(giaidauscholar.com) - “Ai cũng muốn ghi bàn vào lưới Thái Lan”, đó là chia sẻ của tiền vệ Nguyễn Thị Liễu, người đã mang về bàn gỡ hoà 1-1 cho đội tuyển Việt Nam trong trận tứ kết, làm tiền đề cho cú lội ngược dòng thành công trước kỳ phùng địch thủ cùng khu vực. Chính tinh thần thi đấu hết mình, bỏ sang một bên sự tự ti, căng cứng, đội tuyển nữ Việt Nam đã phục thù thành công trước đối thủ Thái Lan.
Bà Nuengruathai Srathongvieng, HLV trưởng đội tuyển bóng đá nữ Thái Lan, cho rằng, thất bại là do các cầu thủ mất tập trung khi bị gỡ hoà 1-1 nhưng trên tất cả, đội tuyển Việt Nam đã chơi tốt và xứng đáng đi tiếp. Chỉ 4 tháng sau thất bại đáng tiếc tại VCK Asian Cup 2014, để lỡ tấm vé vớt đi dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh dành cho các cầu thủ nữ, đội tuyển Việt Nam đã trình diễn bộ mặt khác hẳn, lối chơi hiệu quả và thành tích đạt được là chiến thắng trước Thái Lan để lần đầu tiên lọt vào bán kết môn bóng đá nữ tại ASIAD.
Đội tuyển Thái Lan đã không có cơ hội nhận 12 triệu bath (tương đương 8 tỷ đồng) tiền thưởng từ LĐBĐ nước này và các nhà tài trợ nếu giành quyền vào thi đấu bán kết. Ở chiều ngược lại, các cầu thủ đội tuyển Việt Nam được thưởng nóng 800 triệu đồng kèm theo nhắn nhủ sẽ có những nguồn động viên khác nữa.
Tất nhiên, thưởng nóng sẽ khích lệ tinh thần các cầu thủ nhưng từ bao năm nay, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam hết thế hệ này đến thế hệ khác chơi bóng vì niềm đam mê là trên hết chuyện tiền thưởng chỉ là thứ yếu.
Cũng chính vì đặt niềm đam mê lên hàng đầu, cứ ra sân là chiến đấu hết mình nên các cầu thủ đội tuyển Việt Nam, đã vào trận với tâm thế của người đi “đòi nợ”. Nhưng nếu không có liệu pháp tâm lý kịp thời cùng chiến thuật hợp lý từ HLV Mai Đức Chung thì có lẽ đội tuyển Việt Nam sẽ không có một hiệp 2 chơi hay hơn hẳn 45 phút thi đấu trước đó, để lội ngược dòng giành chiến thắng.
HLV Mai Đức Chung, người mà hầu hết các cầu thủ trong đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam hiện nay gọi là “bác”, đã có sự nhắn nhủ kịp thời tới các học trò trong giờ nghỉ giữa hiệp để từ đó, họ không còn sợ thua Thái Lan mà vùng lên chơi tấn công mạnh mẽ, biến hoá.
Bên cạnh đó, không thể phủ nhận dấu ấn của HLV Mai Đức Chung khi điều chỉnh chiến thuật của đội từ 5-3-2 dưới thời HLV Trần Vân Phát thành 4-5-1 và tuỳ thời điểm trong trận đấu sẽ chuyển thành 4-4-2.
Với lối chơi mới này, các cầu thủ chưa có nhiều thời gian để thích nghi nhưng lại vận hành tương đối tốt. 3 trận đấu liên tiếp, HLV Mai Đức Chung bố trí đội hình khác nhau và quyết định táo bạo, tạo ra sự khác biệt lớn nhất trong trận tứ kết gặp Thái Lan chính là việc rút Minh Nguyệt ra và thay bằng Nguyễn Thị Nguyệt.
So với Minh Nguyệt, Nguyễn Thị Nguyệt không nhiều kinh nghiệm thi đấu bằng nhưng bù lại có ưu thế về sức trẻ, sự năng động, thể hiện ở tốc độ, khả năng nước rút đoạn ngắn cực tốt, thích hợp cho các tình huống phản công. Chính Nguyễn Thị Nguyệt đã có pha đi bóng tốc độ buộc hậu vệ Thái Lan phải phạm lỗi trong khu vực 16m50 và không lâu sau đó, tiền đạo đến từ CLB PP.Hà Nam này đã có đường chuyền cho người đồng hương Tuyết Dung lập công, ấn định chiến thắng 2-1 cho đội tuyển Việt Nam.
Tinh thần và lựa chọn lối chơi hợp lý mang về chiến thắng cho đội tuyển Việt Nam cùng tấm vé bán kết. Dù rằng đối thủ phía trước có là ĐKVĐ thế giới, ĐKVĐ châu Á, ĐKVĐ ASIAD Nhật Bản thì thầy trò HLV Mai Đức Chung cũng không có gì phải e sợ.
Chẳng phải ngẫu nhiên khi HLV trưởng đội Nhật Bản Norio Sasaki khẳng định không dễ đánh bại đội tuyển Việt Nam tại bán kết.
Thành Đạt
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất