24/10/2018 07:19 GMT+7 | Bóng đá Việt
(giaidauscholar.com) - Sau tấm HCB VCK U23 châu Á, truyền thông khu vực đánh giá rất cao bóng đá trẻ Việt Nam. Những ngợi khen đó là xứng đáng, khi những nỗ lực cùng thành quả chúng ta có trong thời gian qua đã rất rõ ràng. Nhưng, chúng ta cần tỉnh táo để tiếp tục phát huy cảm hứng, nền tảng vừa đạt được. Thất bại của U19 Việt Nam vừa qua cũng có thể coi là cảnh tỉnh.
Chúng ta đã từng có những cái nôi ươm mầm bóng đá trẻ như Thể Công, Nghệ An, Đồng Tháp, Thanh Hóa ngày trước, hay HAGL, Viettel, Hà Nội, PVF hôm nay. Bằng cách này hay cách khác, nhiều năm qua, các trung tâm đó , đã cho ra lò những cầu thủ chất lượng. Làm bóng đá trẻ cũng như người nông dân, có vụ bội thu, có năm mất mùa, không thể khác. Càng không thể hạt giống nào cũng đủ sức vươn mình để đâm chồi nảy lộc. Không thể đều như gieo, lứa này nối tiếp lứa kia. Thậm chí, mảnh đất mà những lứa cầu trẻ đó đang sống - giải chuyên nghiệp trong nước vẫn còn tồn đọng vô số bất cập. Đã có những cầu thủ trẻ được coi như niềm hy vọng, nhưng rồi môi trường bóng đá còn nhiều bất cập, nhất là chỉ coi trọng đào tạo đá bóng mà bỏ mất phần “trồng người”, đã triệt tiêu và thậm chí thui chột không ít tài năng.
Song song với dấu ấn của đội U23 và Olympic là những kết quả không thành công gần đây của các cấp độ trẻ còn lại. Hôm trước là lứa U16, bây giờ là đội U19 không có kết quả như ý. Câu hỏi được đặt ra: Có phải thành công gần đây của bóng đá trẻ nước nhà đã là đẳng cấp thật sự hay chỉ sự vươn lên tức thời? Hỏi cũng đã trả lời, bởi đơn giản, đẳng cấp không chỉ có được ngày một, ngày hai. Đằng này, cái cách chúng ta làm trẻ vẫn mới dừng lại ở mức…chúng ta tự khen nhau.
Không phải ngẫu nhiên mà mới đây, HLV Park Hang Seo phát biểu rất thẳng thắn: “Tình trạng hiện tại của bóng đá trẻ cho thấy tương lai của bóng đá Việt Nam là không thực sự sáng sủa. Báo chí và truyền thông nhìn nhận hệ thống này đang hoạt động tốt nhưng thực sự không phải vậy. Có khá nhiều học viện bóng đá Việt Nam không được đáp ứng đầy đủ về cơ sở vật chất cần thiết. Chỉ có một số lượng nhỏ trong số này là ngoại lệ, để đáp ứng những tiêu chí. Đây chắc chắn là vấn đề đáng lo ngại cho tương lai”.
Lời cảnh báo của ông Park cũng điều dễ hiểu. Không chỉ riêng ở ta, các nước có nền bóng đá hàng đầu thế giới vẫn phải đối mặt với những rủi ro trong đào tạo trẻ. Vấn đề là xác suất của họ ít hơn ta mà thôi. Nói thế để thấy, một khi chúng ta có được chiến lược, hoạch định cùng lộ trình căn cơ. Mọi thứ xây dựng trên cơ sở khoa học, bài bản, mới mong cho ra lò sản phẩm chất lượng. Còn câu chuyện đòi hỏi mọi thế hệ trẻ đều tương đồng và xuất sắc như nhau, e rằng quá khó. Càng khó hơn, khi chúng ta bây giờ, những trung tâm đào tạo chuẩn mực đó, vẫn như vài đầu ngón tay.
Hơn 20 năm trước, ngày hội nhập trở lại khu vực, chúng ta mới trình làng được thế hệ “Vàng”. Sau đó 10 năm là lứa của Công Vinh, Văn Quyến. Cũng phải mất chừng ấy thời gian, những cái tên Quang Hải, Xuân Trường, Công Phượng mới lại làm rạng danh cho bóng đá nước nhà. Vậy nên sự chênh lệch giữa các lứa cầu thủ trẻ hôm nay cũng dễ hiểu.
Còn lứa U19 vừa thất bại, có gì đó lo lắng khi xới tung cả đội ít thấy những cá nhân thực sự nổi bật, có đôi chân biết hớp hồn khán giả, có nhãn quan chiến thuật đủ sức làm khán giả tin tưởng sẽ xoay chuyển hiểm nghèo, tựa như đàn anh của họ, những Quang Hải, Văn Hậu, Công Phượng.
Hy vọng, trình độ lứa U19 Việt Nam hiện nay và các đàn em kế cận không bị chững lại mà chỉ là thất bát mang tính nhất thời.
Hồng Đào
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất