Nhân sự ở đội tuyển Việt Nam: B.Bình Dương và phần còn lại?

10/08/2014 15:32 GMT+7 | Các ĐTQG

(giaidauscholar.com) - Trong một phân tích của Thể thao & Văn hoá trước đây, ở lần tập trung đầu tiên của đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Toshiya Miura cho trận giao hữu với Myanmar, chúng tôi đã ướm thử đội hình ra sân với 10/11 cái tên là người Nghệ An.

Điều này khó xảy ra, song nếu HLV Miura chọn B.Bình Dương, đội bóng vừa lên ngôi vô địch V-League 2014, làm nòng cốt của đội tuyển Việt Nam thì đây hoàn toàn không phải là một giải pháp tồi.

Thực tế là, không ít các ĐTQG hàng đầu trên thế giới như Tây Ban Nha, Đức, Anh hay Italy cũng từng xây dựng lối chơi dựa trên bộ khung cũng như cơ chế vận hành của những CLB hàng đầu ở giải VĐQG.

Từ bài học Hà Nội.T&T

Trong 2 năm liên tiếp (2012-2013), khi đội tuyển Việt Nam được đặt dưới quyền dẫn dắt của các thầy nội là Phan Thanh Hùng, rồi Hoàng Văn Phúc, số lượng các cầu thủ thuộc biên chế Hà Nội.T&T vượt trội so với phần còn lại ở đội hình chính.

Khi đó, những Thành Lương, Văn Quyết, Sỹ Cường, Ngọc Duy... là trụ cột ở tuyến 2, còn ở hàng hậu vệ, thậm chí Văn Biển cũng đã có cơ hội thử lửa. Đội bóng đã từng được kỳ vọng rất lớn, khi chúng ta có thêm Phước Vĩnh, Quốc Anh (SHB.Đà Nẵng) hay Công Vinh, Trọng Hoàng, Văn Hoàn (SLNA) và cả Tấn Tài, toàn những tinh tuý cả.

Tuy nhiên, AFF Suzuki Cup 2012 là một nỗi hổ thẹn với nền bóng đá, khi đội tuyển Việt Nam của HLV Phan Thanh Hùng thua cả Thái Lan lẫn Philippines và sớm phải rời cuộc chơi với vỏn vẹn 1 điểm sau vòng bảng. Mặc dù vậy, hình hài của ĐTQG vẫn không thay đổi nhiều khi chúng ta bước vào chiến dịch vòng loại Asian Cup 2015.

Tất nhiên, không bất ngờ khi đội bóng đã thua liền 5 trận từ lúc xuất quân. Đó được xem là thất bại nặng nề nhất của bóng đá Việt Nam kể từ sau khi hội nhập trở lại. Thêm lần thua mất mặt ở SEA Games 27, HLV Hoàng Văn Phúc từ nhiệm.

Có nhiều nguyên nhân giải thích cho các thất bại và cả thất vọng, trong đó phải kể đến tính kết dính trong lối chơi của đội bóng, khi “một vài phần tử” bị cho là đã “không hết mình”.

Những hạn chế của thầy nội trên ĐTQG cũng đã được chỉ ra, trong đó phải kể đến việc cả nể, thiếu quyết đoán. Chất lượng đội hình không được đề cập tới, bởi HLV Thanh Hùng và Văn Phúc hoàn toàn không hề bỏ sót hiền tài. Họ thậm chí đã ghi công đầu trong việc cấy vào ĐTQG những nhân tố trẻ làm tính kế thừa. HLV Miura hẳn đang được lợi từ điều này.

Nên hướng về Thủ Dầu Một

Với Phước Tứ - Đình Luật, B.Bình Dương là một trong không nhiều đội bóng chơi với bộ đôi trung vệ nội. Bên phải có Văn Hoàn, biên trái là Đặng Văn Robert, cầu thủ Việt kiều hoàn toàn đủ điều kiện chơi cho ĐTQG.

Đó là chưa kể đến Mai Tiến Thành, cũng là một cựu tuyển thủ QG. Tuyến 2, Tấn Tài, Văn Bình, Trọng Hoàng và thậm chí cả Tăng Tuấn, cầu thủ có xu hướng chơi bám biên và không được sử dụng nhiều dưới triều đại Lê Thuỵ Hải, là một sự đảm bảo khác. Tất nhiên, phải kể đến cả Anh Đức, tiền đạo nội duy nhất có thể chơi trung phong cắm.

B.Bình Dương sẽ không thể lên ngôi vô địch V-League lần thứ Ba với chỉ những con người này. Vai trò của Dieng Abass, Moses, cũng như các ngoại binh nhập tịch Kesley Huỳnh Alves và Quốc Thiện Esele rất quan trọng.

Chỉ là tình huống giả định, nếu Tấn Trường không sa sút phong độ, để rồi bị đánh bật khỏi đội hình chính B.Bình Dương cũng như ĐTQG, HLV Miura hoàn toàn có thể “bê nguyên xi” đội hình của Thủ Dầu Một lên ĐTQG. Lúc ấy, hẳn Công Vinh, chân sút số 1 của đội tuyển Việt Nam, sẽ là mảnh ghép hoàn hảo cuối cùng?!

Cho đến thời điểm này, việc B.Bình Dương lên ngôi sớm 1 lượt trận được cho là rất đỗi bình thường với những gì mà họ có trong tay, và bởi thế, cũng sẽ là rất bình thường nếu như ĐTQG được xây dựng với bộ khung chính là các cầu thủ B.Bình Dương.


Tuỳ Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm