(giaidauscholar.com) -
Lần đầu tiên trong lịch sử 10 lần tham dự AFF Cup, đội tuyển Việt Nam không có một cái tên nào tới từ miền Nam và duyên hải Nam Trung Bộ.
Trong danh sách 25 tuyển thủ Việt Nam lên đường đi Myanmar chuẩn bị dự AFF Cup, xuất hiện 10 cái tên tới từ Nghệ An và không có bất kỳ cầu thủ nào trưởng thành từ các lò đào tạo của miền Nam và duyên hải Nam Trung Bộ. Đà Nẵng không, Bình Dương không, TP. Hồ Chí Minh cũng không.
Đây là một thống kê lịch sử với
đội tuyển Việt Nam và bóng đá miền Nam khi lần đầu tiên sau 10 kỳ AFF Cup tính từ năm 1996 đổ lại, miền Nam không có đại diện nào góp mặt ở đội tuyển.
Trước đó, trong thời kỳ sơ khai của bóng đá Việt Nam và giai đoạn đầu AFF Cup, những cái tên như Phạm Huỳnh Tam Lang, Lê Huỳnh Đức, Trần Minh Chiến đã luôn là trụ cột của đội tuyển quốc gia. Các cầu thủ miền Nam đã luôn đóng một vai trò to lớn trong thành công của đội tuyển.
Đỉnh cao của các cầu thủ miền Nam có lẽ là năm 2008.
Tuyển Việt Nam vô địch Đông Nam Á với 13 cầu thủ miền Nam trong đội hình. Rất nhiều người là trụ cột đá chính, là biểu tượng sống ở vị trí của mình như Minh Phương, Tài Em, Việt Thắng, Vũ Phong, Quang Thanh, Tấn Tài, Phước Tứ... Cả một đội tuyển miền Nam hùng hậu trong lòng tuyển Việt Nam.
Nhưng trong nửa thập kỷ tiếp theo, ưu thế của nhóm cầu thủ miền Nam bắt đầu giảm xuống. Ba kỳ AFF Cup sau đó, số cầu thủ miền Nam lần lượt giảm xuống còn 12 người, 8 người và 6 người. Trong giải đấu năm 2014 ở Việt Nam, Phước Tứ, Huy Toàn và Thanh Hiền là ba cái tên miền Nam hiếm hoi có suất đá chính.
Ở chiều ngược lai, số lượng cầu thủ Nghệ An luôn duy trì ổn định và bắt đầu tăng mạnh trong vài năm trở lại đây. AFF Cup 2008, chỉ có 4 cái tên Nghệ An trong đội hình. Con số này tăng nhẹ ở năm 2012 (8 người) trước khi chạm mốc 10 người tại AFF Cup năm nay.
Điều gì dẫn tới thực trạng đó?
Trước hết, “thế hệ vàng” AFF Cup 2008 đã lớn tuổi và lần lượt chia tay đội tuyển. Tại AFF Cup 2014, đội trưởng tuyển Việt Nam là Tấn Tài phải làm quen với ghế dự bị trong khi Phước Tứ đã xa rời đỉnh cao phong độ.
Thứ hai, nhóm cầu thủ miền Nam hiện tại đều gặp các vấn đề riêng. Thanh Hiền sa sút phong độ, Anh Đức không có khát khao cống hiến còn cầu thủ trẻ, đầy tài năng như Huy Toàn thì chấn thương và không hợp lối chơi.
Thực trạng của các cầu thủ miền Nam cũng được phản ánh trên BXH V-League. 4 đội bóng miền Nam là XSKT Cần Thơ, Long An, Đồng Tháp và Bình Dương chia sẻ 4/5 vị trí cuối cùng ở V-League 2015. Vị trí còn lại thuộc về HAGL. Mở rộng ra, SHB Đà Nẵng là CLB duy nhất của miền Nam và duyên hải Nam Trung bộ có suất trong tốp 4. Ở Đà Nẵng, ngôi sao sáng nhất, chiến thuật duy nhất được xây dựng để phục vụ một ngoại binh.
Đó là thực tế của những cầu thủ miền Nam trong lòng
tuyển Việt Nam hiện nay.
Bạch Dương