08/02/2019 12:06 GMT+7 | Thể thao
(giaidauscholar.com) - Ngày 30/11 vừa qua, Tyson Fury đã có trận so găng tranh đai WBC với võ sĩ người Mỹ Deontay Wilder. Mặc dù kết quả hòa nhưng trận so găng này cũng đánh dấu sự trở lại của cựu vô địch các đai WBA, WBO, IBF và IBO. Và đằng sau sự trở lại này là cả một hành trình dài của võ sĩ người Anh.
Những gì được kể dưới đây là tiết lộ của bác sĩ tâm lí Benji Waterstones, người đã điều trị chứng trầm cảm cho Fury trong một thời gian ở London.
Quỷ dữ vây bám
Nhiệm vụ của một chuyên gia tâm lí là duy trì tâm trí khỏe mạnh, vì thế, sẽ là không bình thường khi anh ta bảo vệ sức khỏe tinh thần cho một người vẫn hay đấm người khác vào đầu. Thế nhưng, đó là công việc của tôi với Tyson Fury.
Ngày chủ nhật, sau khi đặt chuông vào cái giờ ngớ ngẩn lúc sáng sớm, tôi thức dậy, đun nước và ngồi xuống xem hai người đàn ông trưởng thành đấm nhau có lẽ đến bất tỉnh. Đó là những gì tôi luôn được dạy phải tránh ở trường y. Tôi không phải là fan của môn quyền Anh. Ngoài rủi ro chấn thương não do chấn thương ở đầu (“hội chứng punch-drunk hay còn gọi là hội chứng say đòn”), tôi không bao giờ hiểu được tại sao một môn thể thao bạo lực như vậy lại tồn tại trong xã hội lâu như vậy?
Bên cạnh đó, tôi cũng không hứng thú gì với Fury; một võ sĩ nói nhiều, hơi ngông. Anh ta có những suy nghĩ cũ kĩ về phụ nữ và tình dục đồng giới. Năm 2011, cha của anh ta phải ngồi tù vì móc mắt một ai đó.
Năm 2015, Fury đánh bại Wladimir Klitschko để thâu tóm 3 danh hiệu hạng nặng thế giới, hoàn tất ước mơ bấy lâu của anh ta. Thế nhưng, cảm giác không còn mục đích gì đã khiến anh ta trở nên mất kiểm soát - đây là lĩnh vực thông thạo của tôi. “Khi anh giành được tất cả những danh hiệu thế giới, sau đó sẽ chẳng còn gì,” Fury nói. Anh ta rơi vào trầm cảm và kéo theo đấy là người bạn tốt của căn bệnh này: nghiện ngập. Anh ta tìm kiếm sự cứu vớt ở rượu, ma túy và những CLB thoát y bụi bẩn. “Tôi từng giống như một ngôi sao nhạc rock. Nhưng điều đó chẳng hay ho gì.” Rồi Fury nhận án phạt và những suy nghĩ tự tử trong đầu khiến anh lái chiếc Ferrari với tốc độ hơn 200km/giờ. “Mỗi ngày tôi đều nguyện cái chết,” Fury tiết lộ.
Đó là một suy nghĩ tai hại khiến căn bệnh tâm lí không thể phục hồi. Với nhiều người hâm mộ, Fury đã đi vào vết xe đổ của những thần tượng thể thao chìm sâu vào nghiện ngập và nỗ lực điều trị. Các VĐV thể thao trở lại sau những chấn thương dây chằng hay gân khoeo nhưng những vết sẹo tâm lí sẽ mất nhiều thời gian để lành lặn như tất cả vẫn nói vậy.
Hành trình trở lại
Mặc dù vậy thì 12 tháng sau, Fury đã giảm được 10 stone (tương đương 63,5kg) và thoát khỏi quỷ dữ, rồi gặp nhà vô địch hạng nặng Deontay Wilder. Anh đã có sự giúp đỡ của một chuyên gia tâm thần, một chuyên gia tâm lí, sự ủng hộ của gia đình, việc tập luyện thường xuyên, sự kiêng khem và niềm tin trở lại.
Trước trận so găng với Wilder, một phóng viên của BBC đã hỏi: tại sao anh lại cạo râu? “Vẻ bề ngoài mới, ngày mới, bình minh mới, con người tôi mới.” Trở thành nhà vô địch hạng nặng thế giới có ý nghĩa gì?? “Không có gì lớn lao cả.” Mặc dù vậy thì chẳng phải tuyệt vời hay sao khi về nhà cùng chiếc đai? Fury nói có nhưng nó cũng không khác gì so với một chiếc áo khoác đẹp, đồng hồ hay xe hơi. “Tôi sẽ chẳng yêu được gì với cái đai, đúng không? Điều quan trọng nhất là về với gia đình của tôi và tận hưởng Giáng sinh.”
Thật khó tin là suy nghĩ này lại đến từ một người đàn ông cao 2,06m. Bởi hiểu biết về chủ nghĩa duy vật thường dành cho các nhà triết học chứ không phải cho những võ sĩ quyền Anh.
Khi chứng kiến một Fury tươi cười nhảy quanh võ đài ở Los Angeles, một người không còn chứng trầm cảm nữa, tôi đã nghĩ về những con người từng trải qua căn bệnh tâm lí giống như một căn phòng tối không có cửa thoát. Fury từng như vậy nhưng Gypsy King (biệt danh của Fury) cũng là biểu tượng cho sự vươn lên. Đó là những gì tôi thực sự cảm phục ở anh ta.
Rồi ở hiệp thứ 12, Fury phải nằm sàn sau một cú đấm của Wilder. “Dậy đi, dậy đi!” Tôi ôm lấy chiếc laptop của tôi, cốc trà đổ ngay trên chăn. Nhưng anh ta nhắm mắt, trọng tài bắt đầu đếm: “3… 4… 5…”. Tôi có thể nghe thấy những lời nói bi quan văng vẳng bên tai của nhiều người tại các bữa tiệc: “Những người bị bệnh tâm thần không bao giờ tỉnh táo hoàn toàn.” Thế nhưng, Fury đã đứng dậy và giành được kết quả hòa sau đó.
Các trọng tài đã có những quyết định gây tranh cãi về kết quả hòa và như thế, họ đã tước đi của Fury cơ hội trở thành một trong những sự trở lại vĩ đại trong làng thể thao. Có điều, anh ta chẳng quan tâm đến điều đó. Sau trận so găng, Fury hứa sẽ dành tặng 8 triệu bảng cho những người vô gia cư và tuyên bố: “Với những ai từng gặp các vấn đề về tâm lí, tôi so găng vì các bạn.”
Anthony Joshua và Deontay Wilder sẽ thống nhất các danh hiệu? Nhà vô địch hạng nặng Anthony Joshua đã đưa ra lời thách thức với Deontay Wilder cho trận so găng thống nhất các danh hiệu vào tháng 4/2019. Hiện Joshua đang giữ các đai WBA, WBO và IBF, trong khi Wilder giữ đai WBC. Như đã biết thì cuối tháng 11 vừa qua, Wilder đã bảo vệ thành công danh hiệu của mình khi hòa Tyson Fury tại Los Angeles và nhiều người cho rằng, hai võ sĩ sẽ có trận tái đấu để quyết định đai WBC. Tuy vậy, Joshua cho rằng, Wilder sẽ từ chối trận tái đấu với Fury để so găng với anh trước 100.000 khán giả tại Wembley vào ngày 13/4 tới. Hiện thành tích của Joshua, võ sĩ 29 tuổi người Anh, là 22 toàn thắng, trong đó có 21 trận thắng bằng knockout, trong khi thành tích của Wilder, võ sĩ 33 tuổi người Mĩ, là 41 trận, thắng 40, trong đó có 39 trận thắng bằng knockout, 1 trận hòa. |
Mạnh Hào
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất