U16 Việt Nam vs U16 Úc: Hành trình cho tương lai (13h00 hôm nay 28/5)

28/05/2025 06:52 GMT+7 | Các ĐTQG

Hôm nay (28/5), đội tuyển U16 Việt Nam sẽ có trận ra quân tại giải CFA Team China 2025 tại Trung Quốc trước U16 Australia. Giải đấu này được xem là bước khởi động chất lượng cho tham vọng tìm vé dự World Cup của đội bóng trẻ do HLV Roland dẫn dắt.

Do năm nào FIFA cũng tổ chức U17 World Cup nên có thể nói U16 Việt Nam sẽ là tuyến U bận rộn nhất khi tham dự các trận vòng loại U17 châu Á hằng năm, sau đó sẽ là VCK nếu vượt qua vòng loại và tất nhiên, là cơ hội được đá World Cup. Trên tinh thần đó, VFF cũng đã tìm cách để những cầu thủ trẻ của chúng ta có các trải nghiệm tốt nhất. Việc được đá cùng Trung Quốc, Australia và Saudi Arabia là sự chuẩn bị không thể tốt hơn.

Nhưng nói cho cùng, tất cả những yếu tố thuận lợi ấy, cũng chỉ mang tính hỗ trợ, điều cần quan tâm nhiều nhất vẫn là chất lượng của những cấu thủ trong tay HLV Roland. Do đặc thù của lứa tuổi trẻ, cứ qua mỗi năm thì sẽ có một đội ngũ mới, nên đội U16 tại đá với Trung Quốc chắc chắn không phải là đội U17 từng hụt vé World Cup ở giải châu Á hồi tháng 4. Nói cách khác, mọi thứ có thể triển vọng hơn, hoặc ngược lại.

Hãy nhìn vào danh sách tập trung của U16, chủ yếu là các cầu thủ đến từ những học viện bóng đá quen thuộc. Sự tham gia của hệ thống tuyến trẻ của các CLB là một sự xa xỉ ở lứa tuổi này. Điều này cũng đồng nghĩa, các cầu thủ của chúng ta hoàn toàn không có kinh nghiệm thi đấu. Và việc họ chơi tốt hay không ở giải CFA Team China 2025 cũng nên được đánh giá ở mức độ tương đối.

Hành trình cho tương lai  - Ảnh 1.

U16 Việt Nam dự giải CFA Team China 2025 tại Trung Quốc với đội hình hoàn toàn mới mẻ. Ảnh: VFF

Quay lại kỳ U17 Asian Cup cách đây 2 tháng, đó là giải đấu mà U17 Việt Nam không thua trận nào trước các đối thủ lớn như Nhật Bản, Australia, nhưng chúng ta lại không có vé dự World Cup. Như chính HLV Roland nhận xét, mặc dù trong 1 năm, chúng ta gặp U17 Nhật Bản 2 lần (1 trận giao hữu) và thắng 1, hòa 1 nhưng không có nghĩa là các cầu thủ trẻ của chúng ta có trình độ tốt hơn đối thủ. Thế nên, theo góc nhìn của nhà cầm quân người Brazil thì kết quả không quan trọng bằng việc bóng đá Việt Nam phải đầu từ liên tục cho đội U16.

Nếu với bóng đá thế giới, tầm 16 tuổi là sẵn sàng ký hợp đồng chuyên nghiệp, thì tại Việt Nam, lại gần như là điểm khởi đầu của một quy trình tìm kiếm tài năng. Những "lò" đào tạo hàng đầu của chúng ta cũng tuyển sinh "đầu vào" từ U15 thay vì sớm hơn, và chúng ta cũng không có hệ thống thi đấu dài hơi. Chính vì thế, VFF sẽ phải nỗ lực nhiều hơn trong việc tìm kiếm cơ hội thi đấu cho đội tuyển U16, dù đó cũng chỉ là giải pháp mang tính đối phó.

Ở góc độ nào đó, HLV Roland và các học trò không chỉ ra sân ở CFA Team China 2025 để khẳng định mình, mà còn mang theo một "trách nhiệm". Việc thi đấu tốt, trình diễn lạc quan, sẽ tạo ra nhiều sự quan tâm hơn của cộng đồng bóng đá với công tác đầu tư cho bóng đá trẻ.

Chúng ta đã có nhiều đội U16 xuất sắc nhưng không phải tập thể nào cũng sau đó phát triển một cách thuận lợi vì thiếu sự đầu tư. Giải đấu tại Trung Quốc chỉ là điểm khởi đầu cho hành trình tương lai, không chỉ vì tấm vé World Cup ở lứa tuổi thiếu niên…

Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm