15/09/2017 06:07 GMT+7 | Bóng đá Việt
(giaidauscholar.com) - SVĐ Thuwunna chia 2 nửa buồn vui sau trận đấu giữa U18 Việt Nam và chủ nhà Myanmar. Một nửa sống trong niềm hạnh phúc, nửa còn lại chìm trong nuối tiếc. Thế nhưng, tất cả vẫn tạo nên một bức tranh sống động và rất giàu cảm xúc.
Chóng vánh và nuối tiếc
18h00 (giờ Myanmar) là khoảng thời gian vừa đủ đẹp dành cho người hâm mộ nước chủ nhà kéo đến sân theo dõi các cầu thủ U18 thi đấu. Và dĩ nhiên, khung giờ ấy cũng hợp lý để những người lao động Việt Nam trên đất Myanmar có cơ hội đến tiếp lửa cho thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn.
Anh Hiệp là một kỹ sư xây dựng người Huế sang Myanmar làm việc. Xa xứ nhưng tình yêu bóng đá thì luôn vẹn nguyên, anh luôn mong chờ những giải đấu có đội tuyển Việt Nam thi đấu trên đất Myanmar. Trước là AFF Cup 2016 và giờ là giải U18 Đông Nam Á 2017.
3 trận đấu đầu tiên, U18 Việt Nam đều đá lúc 15h00, trùng giờ làm việc. Mãi đến cuộc đối đầu với U18 Myanmar, anh Hiệp mới có cơ hội đi cổ vũ nhưng trận đấu đầu tiên đi tiếp lửa cho các cầu thủ trẻ cũng là lần cuối cùng anh chứng kiến U18 Việt Nam thi đấu. Thất bại 1-2 trước đội chủ nhà khiến tất cả những người Việt Nam có mặt tại Thuwunna tối 13/9 đều nuối tiếc.
Lần đầu tiếp lửa cho các cầu thủ tại giải cũng là lần chào tạm biệt. Với anh Hiệp và những người Việt ở Myanmar, mọi thứ diễn ra quá chóng vánh. Anh Hiệp lỡ mất cơ hội nấu vài món Huế để ăn mừng Việt Nam vào chung kết như dự định, nhưng vẫn vẹn nguyên niềm tin vào một ngày bóng đá Việt Nam giành được nhiều hơn những chiếc Cúp.
Sự chóng vánh còn là cảm giác của những CĐV lặn lội từ Việt Nam sang Myanmar. Sau chiến thắng 3-0 thuyết phục trước U18 Indonesia, niềm tin U18 Việt Nam bước vào vòng bán kết từ đó mà tăng lên và thôi thúc những chuyến đi.
Lần đầu tiên “Vietnam in my heart” (Việt Nam trong trái tim tôi) và “Love for U18 Vietnam” (Tình yêu dành cho U18 Việt Nam) xuất hiện trên khán đài Thuwunna. Đó là giá trị từ sự đồng hành, từ tình yêu vô tư của những người hâm mộ.
Tình yêu môn thể thao vua của người Myanmar
“Lúc Công Vinh ghi bàn thứ 2 cho đội tuyển Việt Nam, mấy ông Myanmar xung quanh mình bắt đầu cởi trần la hét. Mình thì muốn ăn mừng mà vẫn phải ngồi im re”, anh Hiệp nhớ lại trận đấu tại vòng bảng AFF Suzuki Cup 2016 giữa Việt Nam và Myanmar cũng diễn ra tại SVĐ Thuwunna.
Ngày hôm ấy, SVĐ Thuwunna gần như chật kín khán đài có sức chứa 30.000 chỗ ngồi. Hình ảnh ấy đối lập hoàn toàn với khung cảnh trong trận đấu giữa U18 Việt Nam và U18 Myanmar với chỉ khoảng 8.000 CĐV đến sân theo dõi. Nguyên nhân nằm ở việc giải U18 ít được chú ý hơn và cả vì những sự thay đổi về kinh tế ở đất nước này.
Pesu, một lái xe taxi đã ngoài 40 tuổi ở Yangon, chia sẻ: “Kiếm tiền ở Myanmar giờ không còn dễ dàng như trước. Tôi làm từ 7h00 đến 17h00 và được ông chủ trả cho từ 7.000 đến 10.000 kyat/ngày (tương đương 120.000 – 170.000đ/ngày). Dĩ nhiên tôi làm cả tháng và không có ngày nghỉ. Mỗi tháng kiếm được từ 210.000 – 300.000 kyat (tương đương 3.500.000 – 5.000.000đ). Trước đây, tôi kiếm được tương đương thế này nhưng giá cả chỉ bằng 2/3 hiện tại”.
Pesu không quá yêu bóng đá nhưng cũng thích tiền đạo Aung Thu. Hiện tại, mọi thời gian anh đều tập trung làm kiếm tiền hơn là lao vào những thú vui giải trí. Anh còn chẳng rõ ở SVĐ Thuwunna đang diễn ra sự kiện gì và chỉ khi đi qua, Pesu mới biết Myanmar đang đăng cai giải U18 Đông Nam Á 2017.
Thế nhưng, hình ảnh của Pesu chỉ đại diện cho một bộ phận người dân Myanmar. Trên khán đài SVĐ Thuwunna tối 13/9, hình ảnh những CĐV Myanmar nhảy múa, những thanh niên cởi trần đồng thanh hô vang “Myanmar” vẫn chứng tỏ sức sống của nền bóng đá nước này.
Bóng đá Myanmar có những đặc điểm tuyệt vời, một trong số đó là tinh thần chiến đấu không ngừng nghỉ, phòng ngự chưa tốt nhưng vẫn luôn hướng tới lối chơi tấn công cống hiến. Những CĐV cũng vậy, họ say sưa hát các ca khúc, khoác lên mình lá cờ Tổ quốc và lắc lư cùng điệu nhạc. Những tiếng cổ vũ xen kẽ với những bài hát tạo nên sự sống động trên SVĐ Thuwunna.
Và thêm một chi tiết nữa, khi trọng tài người Philippines thổi còi kết thúc trận đấu, ca khúc “Myanmar Football” được bật lên gần như ngay lập tức. Những người hâm mộ Myanmar đồng thanh hát vang là khoảnh khắc giàu sức lay động. Ngẫm nghĩ lại, một bài hát truyền thống dường như là điều mà bóng đá Việt Nam vẫn còn thiếu trong văn hóa cổ vũ của mình.
Hiếu Lương
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất