U19 Việt Nam cần học gì từ U19 Nhật Bản?

28/10/2016 08:54 GMT+7 | Bóng đá Việt

(giaidauscholar.com) - Rất khó để sử dụng những từ như “bất ngờ” hay “ngạc nhiên” để nói về thất bại của U19 Việt Nam trước U19 Nhật Bản, khi mà đội bóng xứ sở mặt trời mọc đã thể hiện đẳng cấp vượt trội so với chúng ta.

Thậm chí, có nhiều ý kiến còn cho rằng nếu gặp U19 Nhật Bản ở tứ kết, thay vì bán kết, thì có thể giấc mơ tham dự World Cup U20 của bóng đá Việt Nam không biết đến lúc nào mới trở thành hiện thực.

1. Sự thật là bóng đá Việt Nam ở cấp độ ĐTQG đã rút ngắn được đáng kể khoảng cách với những nền bóng đá hàng đầu châu lục trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhưng điều này chỉ có ý nghĩa với các đội bóng Tây Á, còn với 2 đại diện ưu tú của bóng đá Đông Á là Nhật Bản và Hàn Quốc, chúng ta rất hiếm khi có cơ hội để đánh bại họ ở một giải đấu chính thức.

Tất cả đều nhớ những chiến tích xuất sắc của bóng đá Việt Nam ở đấu trường châu lục gần 10 năm trước như lọt vào vòng loại thứ 3 Olympic Bắc Kinh 2008 hay giành vé tham dự tứ kết Asian Cup 2007 đều bắt nguồn từ chiến thắng trước những đội bóng Tây Á, còn với Nhật Bản, cán cân thắng bại luôn ngả về hướng bất lợi cho chúng ta.

U19 Việt Nam thua U19 Nhật Bản 0-3 ở trận bán kết giải U19 châu Á 2016

Nói vậy để thấy trận thua của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn ở vòng bán kết giải U19 năm 2016 là kết quả hoàn toàn bình thường, và tốt nhất chúng ta nên xem đây là bài kiểm tra đầu tiên cho World Cup U20 năm 2017, bởi ở Hàn Quốc một năm sau nữa, đối thủ của U20 Việt Nam sẽ toàn là những đội bóng có đẳng cấp như Nhật Bản trở lên.

2. Sau những màn trình diễn ấn tượng của lứa U19 Việt Nam thế hệ Công Phượng, Tuấn Anh rồi mới nhất là lứa U19 Việt Nam hiện tại, ấn tượng dễ nhận thấy nhất là sự vươn lên của những lò đào tạo bóng đá hoạt động theo mô hình xã hội hoá như HAGL, Hà Nội T&T hay PVF. Đây là thay đổi mang tính cách mạng với bóng đá Việt Nam ở khía cạnh đào tạo trẻ, và chúng ta đã sớm nhìn thấy quả ngọt nhờ thành tích tiến bộ vượt bậc ở sân chơi châu lục của đội tuyển U16 và U19 Việt Nam.

Tuy nhiên, như thế vẫn chưa là đủ, bởi lâu nay bóng đá Việt Nam vẫn bỏ trống một nguồn cung cấp tài năng rất dồi dào là bóng đá học đường, mà xét ở góc độ này thì Nhật Bản, Hàn Quốc ở châu Á hay Thái Lan ở Đông Nam Á chính là tấm gương tiêu biểu để chúng ta học tập.


U19 Nhật Bản quá mạnh so với U19 Việt Nam.Ảnh: AFC

Trong hơn 20 năm qua, bóng đá Việt Nam đã rất nhiều lần thử sức với các đội tuyển Sinh viên của Nhật Bản và Hàn Quốc, và chẳng mấy khi chúng ta giành được chiến thắng, bởi tuy danh nghĩa là đội tuyển Sinh viên nhưng đối phương có trình độ không thua kém ĐTQG của họ là bao, vì ở những nước như Nhật Bản hay Hàn Quốc, việc một cầu thủ từ giảng đường Đại học bước thẳng vào sân chơi chuyên nghiệp hoặc thậm chí khoác áo ĐTQG là rất bình thường.

Đội tuyển U19 Nhật Bản vừa đánh bại U19 Việt Nam ở bán kết giải U19 châu Á năm 2016 cũng có tới gần 1/3 thành phần cầu thủ là học sinh, trong khi quân số của U19 Việt Nam 100% đều là gà nòi được huấn luyện chuyên nghiệp từ nhỏ.

Vì thế, phải tới khi nào bóng đá Việt Nam ở cấp độ ĐTQG trẻ có sự hiện diện đáng kể của cầu thủ học sinh thứ thiệt trong đội hình, bên cạnh gà nòi của các lò đào tạo chuyên nghiệp thì khi ấy chúng ta mới có thể nghĩ tới chuyện thắng được Nhật Bản hoặc Hàn Quốc một cách đường hoàng ở những sân chơi chính thức.

Huy Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm