11/10/2014 05:52 GMT+7 | Các ĐTQG
(giaidauscholar.com) - Áp lực nặng nề đáng ra không nên được đặt lên vai các cầu thủ trẻ, nhưng đây là tình huống mà hiện tại các cầu thủ U19 Việt Nam phải đối mặt. Một điều rất trớ trêu là dù không phải ứng cử viên vô địch của giải đấu, các em thậm chí còn phải chịu nhiều sức ép hơn cả những đội tuyển trẻ hàng đầu châu lục.
"Hãy coi những lời chỉ trích như những hạt mưa"
Buổi tập chiều qua đã kéo dài gần 3 tiếng, gấp 3 lần những buổi tập thông thường. Trên xe bus từ khách sạn ra sân tập, một bầu không khí lặng lẽ bao trùm. Những tiếng cười làm không khí căng thẳng giãn ra đôi chút, trước khi siết lại bằng một trận đấu tập được HLV Guillaume Graechen đứng ở giữa sân chỉ đạo sát sao từng chi tiết.
Sau khi buổi tập kết thúc, cả đội ngồi quây lại nghe ông thày người Pháp dặn dò. Đó là một buổi nói chuyện nhằm xoa dịu tâm lý các cầu thủ trẻ: "Các bạn hãy ăn uống, nghỉ ngơi thật tốt, và tận dụng 2 bác sĩ để giải quyết các vấn đề về sức khỏe. Còn về những lời chỉ trích? Hãy xem những lời chỉ trích như hạt mưa rơi, khi các bạn mặc áo mưa, tất cả sẽ trôi tuột xuống mặt đất. Những lời chỉ trích cũng như thế", HLV Graechen nói.
Ngay cả trợ lý ngôn ngữ Nguyễn Hữu Trí của ông Graechen cũng xin 30 giây để bày tỏ rằng anh rất sợ các cầu thủ trẻ của đội bị rơi vào trạng thái tâm lý, nhưng có vẻ điều đó đang diễn ra.
Những hạt mưa giờ đang đọng lại trên áo, thậm chí là thấm qua áo.Thật trớ trêu là các cầu thủ trẻ của đội U19 Việt Nam bây giờ lại cảm thấy rằng mình không thể thua trận, dù trên thực tế, họ có thể đến giải U19 châu Á với tâm thế rất thường tình là học hỏi. Họ đáng ra có thể cười nói sảng khoái với chúng tôi, ngay cả khi thua trận, và cảm thấy thoải mái hơn khi vô tình liếc vào một cái tít báo trên mạng.
Từ bỏ "chủ nghĩa hoàn hảo"?
Khi chúng tôi, các phóng viên Việt Nam tác nghiệp tại VCK trò chuyện với một vài cầu thủ U19 trong khách sạn, một số đã thừa nhận thẳng thắn sau trận thua Hàn Quốc: "Mạnh quá, không đá nổi anh ạ". Căng thẳng thì sinh ra khi nhu cầu cạnh tranh lớn hơn khả năng thực tế, và thực tế ở đây là đội U19 Việt Nam còn một khoảng cách rất xa với những nền bóng đá trẻ hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Một chút căng thẳng sẽ tốt cho các VĐV, nhưng căng thẳng kéo dài sẽ hủy hoại họ. Những kỳ vọng đặt lên vai U19 Việt Nam đang lớn hơn khả năng thực tế của họ, và sự thay đổi cảm xúc của một bộ phận dư luận có thể đẩy nhanh quá trình hủy hoại tương lai của những cầu thủ trẻ này.
Đây là một đội bóng trẻ, không phải một đội bóng hoàn hảo. Phấn đấu đến sự hoàn hảo là tốt, nhưng để giải phóng áp lực, các em phải chấp nhận rằng bất kỳ sai lầm nào cũng có thể xảy ra, rằng một cầu thủ đẳng cấp thế giới cũng có thể mắc sai lầm. Tập trung vào những gì đang có ở hiện tại, thay vì nghĩ rằng "nếu tôi không thành công trong tương lai, tôi thật là đáng xấu hổ".
Ông Graechen đã trả lời phỏng vấn rằng mục tiêu đặt ra cho U19 Việt Nam trong 2 trận còn lại là "4 điểm, thậm chí lạc quan thì là 6 điểm", nhưng có lẽ, nên cởi bỏ áp lực khủng khiếp đang dồn lên vai các em ngay từ bây giờ. Không World Cup, không đòi hỏi, không yêu cầu. Nếu chúng ta không thể tạo ra một môi trường đủ để sự cạnh tranh lẫn áp lực sản sinh tự nhiên từ ý chí phấn đấu của các em, thì cũng không thể bắt các em phải đối mặt với sự căng thẳng không đáng có.
Người viết rất muốn các em được quyền thua trận vào hôm nay mà không phải mặc một chiếc áo mưa nào lên mình để cúi đầu đi dưới những lời chỉ trích, và con đường trên xe bus ra sân không phải là hành trình lặng lẽ mà mỗi người phải tự trấn an nỗi lo lắng của chính mình. Căng thẳng như vậy là quá đủ, và phía trước là một thất bại mà tất cả nên chấp nhận một cách bao dung.
Phạm An (từ Nay Pyi Taw, Myanmar)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất