U19 Việt Nam: Có kèn, có violon, có đàn..., vẫn còn có thêm trống

11/09/2014 10:02 GMT+7 | Các ĐTQG

(giaidauscholar.com) - Nếu một đội bóng được ví như một ban nhạc, chúng ta đã có cả saxophonist Văn Toàn, violist Công Phương, có guitar bass Xuân Trường, có cả organist Tuấn Anh... thì vẫn cần có thêm ít nhất một tay trống nữa. Và một mình Trần Minh Vương là không đủ, khi đội bóng phải đối đầu với những đối thủ mạnh, ví như trận gặp Nhật Bản mới đây, và tiến tới là tại VCK U19 châu Á diễn ra vào tháng sau.

Lạc quan đến đâu?

Tiền đạo Văn Toàn ở lần đầu tiên trở lại sau thời gian dài dự bị đã chơi cực hay. Trước động tác tiếp bóng ở thế xoay lưng, quay người và găm thẳng bóng vào góc chết khung thành U19 Nhật Bản, Toàn cũng là cầu thủ đầu tiên uy hiếp đại diện Đông Bắc Á bằng pha “xe đạp chổng ngược”, đưa bóng chệch cột dọc trong gang tấc. Cũng chính tiền đạo người Hải Dương đã đem lại quả penalty ở cuối trận để Công Phượng sút theo kiểu Panenka thành bàn, rút ngắn tỷ số…

Tuấn Anh như thường lệ là “nhạc trưởng” của ĐT U19 Việt Nam, thậm chí là cầu thủ hay nhất trong đội hình U19 Việt Nam lúc này, với rất nhiều những pha chạm bóng tinh tế, uyển chuyển và khả năng giữ nhịp trận đấu mang hơi hướng của thứ bóng đá đẳng cấp cao. Xuân Trường, người đá cặp với Tuấn Anh ở trung tâm hàng tiền vệ cũng thế, hào hoa và thi thoảng vẫn tung ra những đường chuyền “chết người”, kiểu “một phát ăn ngay”. Phía trên, Công Phượng thì khỏi phải bàn rồi. Anh là số 1!

Nếu muốn chiến thắng trong một trận đấu, đội bóng cần phải có bàn thắng. Khi cơ chế vận hành, đặc biệt là khâu tiếp cận cầu môn bế tắc, HLV cần những người có thể tạo đột biến: Đi bóng xuyên phá tựa như bóc từng lớp của củ hành tây, ra chân kết thúc...

Tại U19 Việt Nam lúc này, người đó là Công Phượng. Phong toả một cầu thủ như Công Phượng là bài toán nan giải với mọi đối thủ, bao gồm cả U19 Nhật Bản dù chủ động chơi phòng ngự khu vực, nhưng vẫn bất lực trước Phượng.

Chính 4 cái tên vừa nhắc đã trực tiếp hoặc gián tiếp đem về 3 bàn thắng cho đội bóng (bao gồm cả sự giúp sức của trọng tài, điển hình là các tình huống không cắt còi, khi chủ nhà U19 Việt Nam đã phạm lỗi với cầu thủ U19 Nhật Bản trong khu vực cấm địa, rồi quả penalty thiếu thuyết phục về cuối trận…), tính đến trước trận bán kết, tạo nên sức sống cho U19 Việt Nam. Và vẫn là họ, nếu kỳ vọng rằng các ĐTQG Việt Nam sau này sẽ bước thêm nấc thang danh vọng.

Cần thêm những gia vị

Trước, trong và sau khi U19 Việt Nam gây tiếng vang ở lần đầu tiên bước ra đấu trường quốc tế, Thể thao & Văn hoá đã đề cập trực diện rằng nền bóng đá sẽ không thể khoác lên mình một đẳng cấp khác, chỉ với hơn chục cầu thủ của Học viện HA.GL Arsenal JMG. Đến lò đào tạo La Masia cũng không đủ cung ứng quân số cho CLB Barcelona, huống hồ ĐTQG Tây Ban Nha. Cần có thêm rất nhiều những bổ sung khác để kiện toàn đội bóng, dù đây chỉ là một đội bóng trẻ, với sân chơi trẻ.

VFF đã hành động bằng việc xới tung nền bóng đá, để cung ứng cho HLV Guillaume Graechen những cái tên tốt nhất còn trong độ tuổi, từ Hà Nội.T&T, đến Trung tâm bóng đá Viettel và đặc biệt là SLNA, lò đạo tạo số 1 Việt Nam suốt hơn một thập niên qua. Nhưng xem chừng như thế vẫn còn chưa đủ. Lý do, như đã nhắc, U19 Việt Nam phải mang diện mạo, nòng cốt của HA.GL Arsenal JMG và ngược lại. Ở bất kỳ địa hạt nào của xã hội, chủ đầu tư luôn giành phần ưu. Ở đây là bầu Đức!

Dù HLV Graechen chủ động hối thúc học trò vây ráp, săn bóng và tham gia phòng ngự ngay từ tuyến đầu (cho đến thời điểm này là khá hiệu quả), thì đội bóng vẫn cần thêm các chuyên gia đánh chặn, còn gọi là tiền vệ phòng ngự. Cả Xuân Trường và Tuấn Anh đều không đủ sức mạnh tranh chấp. Ít nhất 2/3 bàn thua ở hiệp 2 trận đấu với U19 Nhật Bản là do thiếu mắt xích này. HA.GL đã cung ứng thêm Trần Minh Vương, cầu thủ trẻ xuất sắc nhất V-League 2014, nhưng vẫn khá mong manh.

Thực tế, không ai làm tốt hơn Minh Vương công việc của một “tay trống” trong đội hình U19 Việt Nam vào lúc này. Vương ít nhiều có kinh nghiệm chơi V-League, đấu trường khắc nghiệt nhất nền bóng đá, nên sự khác biệt phần nào cũng được tạo ra, dù số phút xuất hiện trên sân của anh là không nhiều. Tuy nhiên, không phải lúc nào đồng đội cũng nhìn Minh Vương để chơi, để chiến đấu khi cần, bởi họ đã quen cơ chế vận hành kiểu cũ, khiến Vương đôi lúc cô đơn trong chính “ngôi nhà” của mình.


Tuỳ Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm