U22 Việt Nam: Không có 'bột', sao 'gột nên hồ'?

15/05/2023 08:09 GMT+7 | SEA Games 32

So với hai kỳ SEA Games trước, U22 Việt Nam có nhân sự kém hơn hẳn về chất lượng và kinh nghiệm. Đó là lý do "Phù thủy trắng" Philippe Troussier cũng không thể giúp đội lọt vào chung kết.

U22 Việt Nam đã chính thức trở thành cựu vô địch SEA Games sau thất bại 2-3 trước U22 Indonesia ở vòng bán kết. Đó là một trận thua không thể bào chữa khi thầy trò HLV Troussier đã chơi hơn người trong suốt 40 phút của hiệp hai nhưng chẳng những không thể giành chiến thắng mà còn nhận trái đắng ở phút bù giờ thứ 6 sau một pha phản công.

U22 Việt Nam của Troussier kém U22 Indonesia của Indra Sjafri…  

Trong suốt hiệp một và những phút đầu hiệp hai, hàng phòng ngự U22 Việt Nam đã bị hành hạ bởi những cú ném biên cực mạnh của Pratama Arhan. Đó là cái tên vô cùng quen thuộc đối với không chỉ các CĐV Indonesia mà cả các CĐV ở Đông Nam Á nữa. Hậu vệ trái 22 tuổi này là Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất AFF Cup 2020, đã thi đấu 29 trận cho đội tuyển quốc gia Indonesia, và hiện khoác áo đội bóng danh tiếng Tokyo Verdy.

Và Arhan không phải tuyển thủ quốc gia duy nhất của U22 Indonesia ở SEA Games 32. Marselino Ferdinand là gương mặt cực sáng giá khác. Dù mới 18 tuổi, anh đã chơi 12 trận cho ĐTQG (ghi 2 bàn), và hiện đang thi đấu ở giải vô địch Bỉ trong màu áo Deinze. Ngoài ra, còn phải kể đến vô số những gương mặt khác đã lên tuyển và được thi đấu thường xuyên ở Liga 1 như Witan Sulaeman (28 trận/8 bàn), Alfeandra Dewangwa (14 trận/0 bàn), Ramadhan Sananta (4 trận/1 bàn) hay đội trưởng Rizky Ridho (21 trận/1 bàn). Rõ ràng, HLV Indra Sjafri đã sở hữu một đội hình giàu kinh nghiệm, đã chơi với nhau lâu năm, và bản lĩnh của họ đã được trui rèn rất nhiều.

Để so sánh, U22 Việt Nam chỉ có vỏn vẹn 3 cầu thủ từng ăn cơm tuyển trong đội hình là Lương Duy Cương (1), Phan Tuấn Tài (1), và Khuất Văn Khang (2). Cả ba thực ra cũng chỉ lên tuyển cho có, chứ chưa thể cạnh tranh vị trí với các đàn anh. Ngay cả kinh nghiệm đá V-League của các tuyển thủ U22 Việt Nam cũng rất hạn chế. Đơn cử như thủ thành số một Quan Văn Chuẩn cũng mới có đúng 1 trận được bắt ở sân chơi này (thua Bình Định). Những đồng đội của anh như Vũ Tiến Long, Văn Tùng, Văn Trường cũng chỉ là dự bị ở đội bóng thủ đô. Khuất Văn Khang rất triển vọng nhưng ở Viettel cũng không cạnh tranh nổi vị trí.

Các tuyển thủ U22 ở V-League đã thế, những người chơi ở hạng Nhất như Thanh Nhàn, Công Đến, Đức Phú (PVF), Minh Trọng (Đồng Tháp), hay Lê Quốc Nhật Nam (Huế) thậm chí còn tập chay suốt 7 tháng qua vì giải hạng Nhất 2022 kết thúc tháng 10/2022, còn giải năm nay thì… chưa khai mạc.

Vấn đề nhân sự của U22 Việt Nam: Không có “bột”, sao “gột nên hồ”? - Ảnh 1.

Ông Troussier đã không có lực lượng tốt như ông Park ở hai kỳ SEA Games trước. Ảnh: Hoàng Linh

 … và kém hẳn so với U22 Việt Nam của thầy Park

Vì nhiều lý do khác nhau, đội hình U22 Việt Nam của HLV Troussier hiện tại còn kém xa so với lực lượng tham dự hai kỳ SEA Games trước đây dưới thời HLV Park Hang Seo.

Năm 2019, U22 Việt Nam tham dự SEA Games 30 với nòng cốt là đội hình từng dự VCK U20 thế giới 2017, cộng thêm những ngôi sao thế hệ Thường Châu. Cùng với hai cựu binh quá tuổi theo quy định là Đỗ Hùng Dũng và Nguyễn Trọng Hoàng, đội hình này của thầy Park sở hữu đến 9 tuyển thủ quốc gia. Ưu thế ấy đã được phát huy mạnh mẽ, với điểm nhấn là chiến thắng 3-0 ở trận chung kết trước chính chủ nhà U22 Indonesia.

Tại SEA Games 31 năm ngoái, U22 Việt Nam không còn lứa Thường Châu, nhưng trong đội hình của họ vẫn còn ba tuyển thủ quốc gia nơi hàng phòng ngự là thủ môn Văn Toản và cặp trung vệ Thanh Bình, Bùi Hoàng Việt Anh. Bên cạnh đó là những ngôi sao quá tuổi như chân sút trụ cột ĐTQG Tiến Linh cùng 2 Quả bóng vàng Hoàng Đức, Đỗ Hùng Dũng. Với sự dìu dắt của các cầu thủ giàu kinh nghiệm ấy, Việt Nam đã bảo vệ thành công tấm HCV.

U22 Việt Nam ở SEA Games 32 không có được sự dìu dắt như thế khi nước chủ nhà quy định chỉ lứa tuổi U22 mới được tham dự. Không quá khó khăn để nhận ra U22 Việt Nam của HLV Philippe thiếu một thủ lĩnh nơi hàng phòng ngự, một cầu thủ dẫn dắt lối chơi đúng nghĩa, trong khi ở hàng tấn công, Văn Tùng không có một đối tác xứng tầm. Đó là chưa kể các cấp độ đội tuyển của Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn của quá trình chuyển giao từ triều đại Park Hang Seo sang Troussier. Sự thay đổi về triết lý bóng đá, từ phòng ngự-phản công sang kiểm soát bóng áp đặt là không hề đơn giản. Có bột, mới gột nên hồ. Mà đó lại là điều mà ông Troussier đã không có ở SEA Games 32 này.


Tuấn Cương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm