14/12/2015 06:10 GMT+7 | Các ĐTQG
(giaidauscholar.com) - Dù là đá tập thì thua thêm lần nữa trước một đội bóng gồm toàn các cầu thủ trẻ nghiệp dư của giải hạng Tư Nhật Bản là một sự hổ thẹn.
1. Một vị lãnh đạo khá nổi tiếng của VFF từng nói về sự chêch lệch giữa bóng đá Việt Nam với bóng đá Nhật Bản và khát vọng vươn lên của chúng ta. Đại ý câu nói cho rằng nếu các đội tuyển Việt Nam có thua 1 lần, 2 lần hay bao nhiêu lần trước Nhật Bản, chúng ta vẫn phải đối mặt với họ, học từ từng thất bại để chờ đến một ngày, chúng ta có thể vượt qua họ.
Tạm bỏ qua khía cạnh lạc quan trong phát biểu trên, có một chân lý mà bóng đá Việt Nam cần thừa nhận: đối mặt với những đội tuyển mạnh hơn là cách duy nhất và nhanh nhất để đưa bóng đá nước nhà tiến lên.
Trước U23 Việt Nam, JFL Selection chính là một đối thủ như vậy.
2. Hãy quên rằng JFL Selection là một đội bóng tới từ hạng Tư Nhật Bản. Hãy nhìn lại 90 phút tại Hàng Đẫy để thấy rằng chêch lệch thực lực giữa 2 đội bóng là rất lớn.
Đội tuyển chọn JFL Selection với 16 cầu thủ hay nhất của giải hạng Tư Nhật Bản đã chơi một trận cầu hoàn toàn áp đảo chủ nhà. Suốt 90 phút, họ làm chủ thế trận, tạo ra vô số cơ hội, ghi 4 bàn và không để lọt lưới lần nào. 3 bàn thắng sau của JFL Selection đều thuộc hàng siêu phẩm - là kết quả của sự thoải mái về tinh thần trước một đối thủ hoàn toàn dưới cơ.
Trước JFL Selection, U23 Việt Nam gần như không tấn công nổi. Cơ hội đáng kể duy nhất là pha thoát xuống của Văn Toàn trong hiệp 1. Đội bóng Nhật Bản có thể trận hợp lý hơn, duy trì cự ly đội hình tốt hơn, đấu tay đôi hay hơn. Họ gần như không thua trong một pha tranh chấp nào, khiến cầu thủ hay nhất của U23 Việt Nam là Công Phượng “mất tích” toàn tập. Nếu cho đá lại thêm vài lần nữa, U23 Việt Nam chắc vẫn nhận thất bại.
Cần lưu ý, HLV Kazuhito Mochizuki của JFL Selection chỉ là một nhà cầm quân ở giải hạng Tư với thành tích cao nhất trong sự nghiệp là vô địch JFL hồi năm 2005. So với HLV Miura đã từng vô địch J-League 2 và nhiều lần dẫn dắt các đội bóng ở J-League 1, ông Mochizuki chỉ là “học trò”. Sự chêch lệch về đẳng cấp của 2 HLV càng khắc họa sâu hơn sự chêch lệch giữa 2 đội bóng, 2 nền bóng đá.
Công Phượng (giữa) được HLV Mochizuki của JFL Selection đánh giá cao. Ảnh: VSI
3. Bài học là gì?
Thứ nhất, sức mạnh của đội bán chuyên JFL Selection là bằng chứng khẳng định sự phát triển của bóng đá phong trào Nhật Bản. Giống như Lee Nguyễn với đội tuyển Mỹ, đội tuyển Nhật Bản cũng là nơi mà những cầu thủ sinh viên cũng có thể sở hữu trình độ tuyển thủ quốc gia.
Thứ hai, sự khác biệt về trình độ giữa U23 Việt Nam và JFL Selection là rất rõ ràng, đã được thể hiện và sẽ tiếp tục thể hiện trong trận đấu chiều nay. Đừng chỉ trích U23 Việt Nam vì sự khác biệt ấy. Hãy nhớ rằng đội bóng này này có gần chục tuyển thủ quốc gia trong đội hình, đã từng đánh bại U23 Malaysia và chỉ thua sát nút chính U23 Nhật Bản. Đoàn quân của ông Miura, vì thế, thực sự là 1 trong 16 đội U23 mạnh nhất châu Á. Chỉ trích U23 Việt Nam không sai nhưng JFL Selection thực sự rất mạnh.
Trước một đối thủ mạnh hơn hẳn, chúng ta sẽ phải làm thế nào. Không ai kỳ vọng U23 Việt Nam đánh bại đội bóng đã thắng mình 4-0 ở “lượt đi”, sự tiến bộ mới là điều người hâm mộ chờ đợi.
Ông Miura đã nói về những bài học thú vị mà ông nhận được sau trận thua ấy. Chiều nay là lúc ông phải biến những bài học ấy trở thành sức mạnh thực tế trên sân cỏ.
Thanh Hà
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất