Nhìn từ thất bại của U23 Việt Nam: Khi cảm xúc không còn

12/12/2013 16:54 GMT+7 | Bóng đá

(giaidauscholar.com) - Trong mỗi con người chúng ta, ai mà chẳng có những lúc cảm xúc bất chợt dâng tràn, cho dù đó có là những người sắt đá nhất. Nếu ai mà không có cảm xúc thì có lẽ đó là những người sắt đá thật rồi.

Vậy cảm xúc là gì? Nôm na có thể hiểu một cách dân dã như thế này: Giả như có một lúc nào đó trên đường đi làm về ngang qua mấy quán cafe quen thuộc bỗng nhiên ta thấy bồi hồi lạ: “À, chính quán cafe này trước đây ta vẫn thường ngồi với thằng bạn học nối khố từ thưở bé giờ nó đã chuyển qua nước ngoài sinh sống”. Còn nữa, mỗi khi bất chợt ngang qua Phố Nguyễn Du khi đường phố đã lên đèn, thoang thoảng mùi mùi hoa sữa lại…giật mình “Cách đây mười mấy năm, cũng trên con đường này, cũng khoảng thời gian áp Noel như thế này, ta và …bạn gái vẫn thường dắt tay nhau đi bộ mỗi tối. Vậy mà giờ này cô ấy đã cách ta đến nửa vòng trái đất. Cô ấy theo chồng là xong nhưng để lại cho ta một khoảng trống mênh mông khó có gì bù đắp được cho đến tận bây giờ. Đấy, đại loại là như vậy, cảm xúc là như thế, cảm xúc thường đến khi bất chợt có một khoảnh khắc của quá khứ nào đó khiến ta lại nhớ về những gì đã qua…!

Đêm qua đã diễn ra Lễ khai mạc Sea Games 27 tại Myanmar. Bình thường thì đây là sự kiện số 1, là lúc để cảm xúc trong ta ùa về từ những năm …1995 xa tít tắp (!). Thời đó sao mà sướng thật, sao mà nhiều cảm xúc vậy, kiểu gì chả đảo qua mấy vòng Bờ Hồ lấy không khí, lượn qua Hàng Bông kiếm chiếc khăn màu đỏ quấn ngang cổ, thêm một lá cờ tổ quốc trên tay cho nó hoành tráng rồi cùng anh em chiến hữu kiếm quán café nào đó ngồi thưởng thức (nhất là khi bóng đá việt Nam đã ra quân). Ngày đó chưa nói tới Việt Nam vào chung kết, mà chỉ cần một trận thắng thôi đã có thể như một ngày hội lớn…

Từ Sea Games đến Tiger Cup (tiền thân của AFF Suzuki Cup bây giờ), “tuần tự nhị tiến” mỗi năm một lần. Phải đến kỳ thứ 7 (AFF Cup 2008) mới hiểu được thế nào là cảm giác…lên đỉnh khi trực tiếp chứng kiến Việt Nam đăng quang ngay tại Mỹ Đình. Chỉ những ai đã trải qua 6 lần thất vọng trước đó mới có thể hiểu được cảm xúc và hương vị ngọt ngào của những “con chiên bóng đá ngoan đạo”…(!). Bóng đá suy cho cùng là một môn thể thao thuần túy, một trò chơi. Nhưng có ai biết rằng bóng đá lại có sức tác động cực kỳ to lớn tới đời sống xã hội và với con người. Chỉ một chức vô địch có thể thay đổi cực lớn, đó là sự tác động vô hình nhưng lại rất quan trọng, khi tinh thần được thỏa mãn, khi mọi người được hưởng men say chiến thắng thì năng suất lao động cao hơn hẳn, con người cũng tự nhiên thấy gần nhau hơn. Bóng đá đã là như thế, luôn là như thế và chắc chắn mãi mãi vẫn cứ là như thế, không thể hiểu nổi !

Vậy mà Sea Games này sao thấy buồn và vắng lặng quá, lần đầu tiên qua gần hai chục năm mới cảm nhận được cái không khí đìu hiu như này. Ngày đầu ra quân, U23 Việt Nam thắng Brunei những 7-0 cũng như không. Rồi đêm trước sau khi để thua Singapore 0-1 cũng như chả có chuyện gì xảy ra cả, điều mà trước đây gần như không thể xảy ra. Dửng dưng. Chai sạn. Đôi mắt như tê dại ném vào thinh không một cái nhìn như hóa đá khi mà các cầu thủ áo đỏ bước đi với cái đầu cúi gằm khi tan trận. Không còn tí ti một chút cảm xúc nào, hay là tại mình đã…già nhỉ? Không phải. Già chưa chắc đã ở tuổi mà nằm ở cái tinh thần kìa. Thì đấy, nhìn mấy cô bác tuổi toàn U50, 60 năm nào cũng lặn lội theo bóng đá Việt Nam, gần cũng đi mà xa cũng đi, cờ đỏ sao vàng hóa trang đầy người cổ vũ hết mình thì đâu phải nằm ở cái tuổi đâu... Có lẽ bóng đá Việt nam đã đánh mất niềm tin nơi người hâm mộ chân chính mất rồi. Phải làm lại từ đầu thôi. Nhưng câu này thì người ta đã đặt ra từ lâu lắm rồi chứ không phải bây giờ. Thầy nội, Rồi thầy ngoại. Và bây giờ lại quay về thầy nội với Huấn luyện viên trưởng Hoàng Văn Phúc trên chiếc ghế nóng.

Vậy bắt đầu từ đâu đây…? Nếu không lấy lại được niềm tin, bóng đá Việt Nam còn lâu mới tìm lại được cảnh từng đoàn người cơm nắm muối vừng, cơm niêu nước lọ đội nắng đội gió chờ xếp hàng từ 2,3 giờ sáng để mong mỏi có được tấm vé vào sân như cách đây không xa…

Với con người, có lẽ cái đáng sợ nhất là khi cảm xúc không còn…!
    
Đông Hà ([email protected])

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm