21/12/2017 21:23 GMT+7 | Các ĐTQG
(giaidauscholar.com) - Đá với đội nằm trong top đầu của giải nhà nghề Hàn Quốc (K-League) thì chúng ta thua là chuyện có thể dự báo trước. HLV Park Hang Seo đã phản ứng tốt với những điều chỉnh nhân sự của mình nhưng những vấn đề mà U23 Việt Nam bộc lộ cũng rất đáng bàn.
Hai bàn thua đầu tiên là hai bài học
Cả hai bàn thua đầu tiên của U23 Việt Nam đều bắt nguồn từ những sai lầm trong lối chơi phòng ngự của U23 Việt Nam. Bàn thua đầu tiên là lỗi cá nhân của Văn Khánh khi anh vào bóng rất thiếu kinh nghiệm và không cần thiết với cầu thủ Ulsan Hyundai trong một tình huống chưa thực sự quá nguy hiểm.
Văn Khánh áp sát nhanh là chính xác nhưng không có lí do gì để anh vào bóng vội vàng, thiếu kinh nghiệm như vậy (đá vào chân cầu thủ Ulsan Hyundai) trong một tình huống như vậy. Chúng ta chưa hề bị đối thủ đe dọa thực sự khi cầu thủ Ulsan Hyundai vẫn quay lưng lại khung thành U23 Việt Nam. Bàn thua thứ 2 là lỗi trong cách tổ chức phòng ngự.
Chúng ta đã biết trước là đối thủ vượt trội về tốc độ nhưng các hậu vệ U23 Việt Nam dâng lên quá cao theo kiểu giăng ngang bẫy việt vị khiến chúng ta bị đẩy vào một cuộc đua tốc độ vô vọng. Với hạn chế cố hữu và không thể cải thiện về tốc độ của cầu thủ U23 Việt Nam thì cách duy nhất để cải thiện hiệu quả chống phản công nhanh là chúng ta cần chơi ít nhất theo kiểu “kèm đôi” (2 kèm 1) với hai hậu vệ đứng gần nhau và so le nhau, cũng gần cầu thủ đối phương nhưng bắt buộc là phải ở trước mặt đối thủ chứ không thể là đứng ngang, cách đối thủ một quãng xa và bản thân cầu thủ Việt Nam lại không đứng gần nhau.
Tránh tình trạng cầu thủ chỉ chăm chăm nhìn bóng, đứng quá xa đối thủ, dẫn tới tình trạng chúng ta bị đẩy vào những cuộc đua tốc độ đầy bất lợi và hoàn toàn không thể bọc lót, hỗ trợ phòng ngự cho nhau. Đây không chỉ là một trong những lỗi phòng ngự điển hình của U23 mà còn của mọi thế hệ các đội tuyển cũng như các CLB bóng đá của Việt Nam.
Các cầu thủ không được huấn luyện một cách bài bản về cách chọn vị trí và phối hợp bọc lót trong các tình huống chống phản công nhanh và hầu hết cầu thủ Việt Nam đều mắc “bệnh” chỉ nhìn bóng và theo bóng chứ không nhìn người và theo người. Và khi mải nhìn bóng, họ không còn biết đối phương đang đứng ở đâu và di chuyển ra sao. Hệ quả là chúng ta quá nhiều lần phải trả giá. Nhưng trận sau lại như trận trước. Giải sau lại như giải trước. Lỗi vẫn hoàn lỗi.
U23 Việt Nam đá quá máy móc
Ulsan Hyundai đá như một cỗ máy được lập trình với sự chuẩn mực trong di chuyển, chọn vị trí, chuyền bóng của các cầu thủ trong hầu hết mọi tình huống bóng còn chúng ta đá cực kỳ máy móc. Trước một đối thủ hơn hẳn chúng ta về cả thể hình, thể lực, tốc độ, khả năng tổ chức lối chơi từ tấn công tới phòng ngự, lại đá áp sát nhanh mà U23 Việt Nam vẫn chỉ chơi đúng một kiểu là chuyền ngắn, phối hợp nhỏ và kiểu gì cũng phải cố tìm cách đưa bằng được bóng vào cấm địa đối thủ.
Chúng ta không chỉ kém đối thủ về chất lượng đường chuyền (độ chính xác) mà các cầu thủ Việt Nam luôn có thói quen đứng tại chỗ chờ bóng đến chân thay vì chủ động di chuyển để mở khoảng trống nên khi đối thủ áp sát nhanh là cầu thủ U23 Việt Nam đá như gà mắc tóc, dễ dàng để mất bóng hoặc chuyền hỏng nhiều ở nhịp phối hợp tiếp theo.
Trước một đối thủ nhanh và khỏe hơn hẳn chúng ta, lại có số đông và tổ chức phòng ngự chặt chẽ thì lẽ ra cầu thủ Việt Nam cần tích cực sút xa ngoài vòng cấm ngay khi có bóng ở khu vực đó thay vì lúc nào cũng cố tìm cách phối hợp nhỏ hoặc đi bóng.
Tất nhiên, sút xa cũng không phải chuyện dễ dàng vì chúng ta cũng không có nhiều cầu thủ sút xa tốt nhưng ít ra đó cũng là một giải pháp tấn công nữa cần thử nghiệm hơn là chuyện chúng ta lúc nào cũng chỉ đá đúng một kiểu là cứ đi bóng lắt nhắt hoặc chuyền ngắn với ý đồ đưa bằng được bóng vào cấm địa đối phương.
HLV Park Hang Seo phản ứng tốt nhưng chúng ta cần tuyệt đối tránh “tự sướng”
Ông Park Hang Seo tung 6 cầu thủ mới vào sân trong hiệp 2 trong đó có Thành Chung, Văn Toàn, Văn Hậu, Đức Chinh. Đấy là những điều chỉnh nhân sự cần thiết vì nó tạo nên xung lực mới cho U23 Việt Nam. Và 2 bàn thắng đến với chúng ta cũng từ những nhân tố mới mà ông Park tung vào sân ở hiệp 2. Với các nhân tố mới được tung vào sân, U23 Việt Nam tấn công nhanh hơn, mạnh mẽ và xông xáo hơn. Và chúng ta cuối cùng đã được tưởng thưởng xứng đáng.
Nhưng cũng cần lưu ý rằng tuy U23 Việt Nam rõ ràng đã chơi xông xáo, tích cực hơn trong hiệp 2 còn Ulsan Hyundai thì có vẻ như là ngược lại nhưng bạn không nên để những gì bạn nhìn thấy đánh lừa cảm giác, dẫn đến huyễn hoặc về sức mạnh và cơ hội của U23 Việt Nam ở VCK U23 Châu Á vào đầu năm 2018.
Nên nhớ, đây chỉ là trận giao hữu và Ulsan Hyundai hoàn toàn vắng bóng ngoại binh. Đội bóng Hàn Quốc (với lực lượng không phải mạnh nhất) không đá hết sức và sở dĩ chúng ta đá tốt hơn trong hiệp 2 một phần cơ bản là bởi họ chủ động giảm tốc độ, chơi không quá tập trung, quyết liệt, cho chúng ta cơ hội chơi bóng chứ không hẳn là bởi U23 Việt Nam tấn công quá nhanh, quá sắc bén khiến Ulsan Hyundai lúng túng.
HT
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất