16/06/2014 09:30 GMT+7 | Bảng D
(giaidauscholar.com) - Raheem Sterling có lẽ là cầu thủ điển hình nhất của đội tuyển Anh cho trận gặp Italy: Một công việc còn chưa hoàn thiện, nhưng đầy hứa hẹn cho tương lai.
Đội tuyển Anh, trải qua quá nhiều giải đấu, đã tỏ ra thiếu sinh khí, sợ hãi và phải ra về sớm. Họ cũng có thể sẽ phải chia tay kỳ World Cup hết sức sôi động này rất sớm, nhưng ít ra họ đã thể hiện được một sinh lực mới, chơi bóng với nhiều quyết tâm, sự quả cảm và lòng tin hơn. Tuyển Anh đã thua trận, nhưng đã có thể thực sự ngẩng cao đầu.
Tuyển Anh của những Sterling
Sterling là một phần của những tiến triển đó, là sự hứa hẹn về một tương lai xán lạn, dù anh vẫn còn là một sản phẩm chưa hoàn chỉnh, còn phải học hỏi nhiều, nhất là từ những đối thủ bậc thầy như Italy. Roy Hodgson, và những người tiếp bước ông, cần phải tiếp tục với Sterling và với phong cách bóng đá phóng khoáng này.
Những trận World Cup gần đây của tuyển Anh đều là những cuộc hành xác với các CĐV về mặt giải trí (dù cũng có vài ngoại lệ hiếm hoi như trận gặp Đan Mạch ở World Cup 2002 và Argentina năm 1998). Nhưng ở cuối thất bại trước Italy tại bảng D, Joe Hart đã có thể tiến về khán đài đội nhà, cúi chào và đấm vào chiếc phù hiệu Tam sư trên ngực áo.
Đáp lại là những tràng pháo tay tán thưởng, ghi nhận rằng đội tuyển Anh đã trải qua một khoảnh khắc đẹp, đáng nhớ và chỉ bị hủy hoại bởi sai lầm để Wayne Rooney chơi bên cánh trái, khiến Leighton Baines không nhận được sự bảo vệ. Ngoài ra, phải thấy là Italy rất mạnh: Andrea Pirlo, Mario Balotelli và Antonio Candreva đều ở phong độ cao nhất.
Sterling là điểm nhấn của đội tuyển Anh, rời sân với chiếc áo ướt đẫm mồ hôi, với một trong những đường chuyền thông minh nhất của trận đấu, và nên nhớ, anh mới 18 tuổi. Trước một hàng thủ được tổ chức cực tốt của Italy, Sterling đã chơi đầy nỗ lực. Anh chỉ ra sân 39 phút trong 5 tuần trước đó, một phần vì chiếc thẻ đỏ trong trận giao hữu gặp Ecuador, nhưng ở Manaus, anh đã thể hiện được tài năng của mình, ở mức hứa hẹn nhất.
Tất nhiên, những giải đấu như thế này, ngoài ý nghĩa về thành tích, là cơ hội học hỏi vô giá cho một cầu thủ trẻ như Anh. Tuyển Anh cần sự dũng cảm đó, và cần nguồn sinh lực đó.
Trước làn gió đổi thay
Kỳ World Cup hiện giờ chỉ mới bắt đầu, nhưng những kẻ ăn mừng chiến thắng cho tới giờ, Hà Lan, Colombia và Costa Rica, đều đã cho thấy tương lai của bóng đá ở cấp độ ĐTQG là tốc độ, sức mạnh và sự hiệu quả. Một làn gió của đổi thay đang thổi gấp gáp, và những người như Sterling sẽ góp phần vào làn gió riêng của đội tuyển Anh.
6 trận đấu trước đó ở Brazil có tổng cộng 22 bàn, trái ngược với 8 bàn chỉ trong 6 trận của World Cup 2010 (bao gồm trận hòa nhạt nhẽo 1-1 giữa Anh và Mỹ). Ở Brazil, phòng ngự không còn là yêu cầu đầu tiên, và các hàng thủ trở nên mong manh trước những cầu thủ tấn công cực kỳ tốc độ. Sterling là một lựa chọn đúng đắn của Hodgson, và ông nên cân nhắc cả Alex Oxlade-Chamberlain nếu anh bình phục kịp cho trận gặp Uruguay, giờ sẽ là trận sống còn ở vòng bảng của đội tuyển Anh.
“Sterling đã chơi đúng như chúng tôi hy vọng”, Hodgson nói sau đó. Nhưng cũng đừng kỳ vọng quá đáng. Vào cuối trận, khi tốc độ giảm xuống, Sterling bắt đầu chơi dở đi, vài pha vấp ngã, một cú sút hú họa rồi chiếc thẻ vàng vào cuối trận vì đã phạm lỗi với Marco Parolo. Nhưng cũng như đội tuyển Anh, tiền vệ trẻ của Liverpool đã hoàn tất 90 phút mệt nhoài và để lại rất nhiều hy vọng cho tương lai.
Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất