26/09/2017 08:17 GMT+7 | V-League
(giaidauscholar.com) - Sau trận hòa 2-2 với Hà Nội FC, HLV trưởng CLB Sài Gòn - Nguyễn Đức Thắng, đã phát biểu một câu rất chất lượng: "Thay vì đổ tiền mua cầu thủ, hãy dùng số tiền ấy để tu sửa - nâng cấp mặt sân".
Từ chuyện cái sân Hàng Đẫy
Ở một góc độ nào đó, việc để các trận đấu diễn ra trên thảm cỏ không đạt chuẩn, VPF và cao hơn VFF khó thể chào bán một sản phẩm bóng đá chất lượng.
Chúng tôi đã đề cập nhiều lần về yếu tố đầu tiên quyết định chất lượng của bóng đá, đấy là sân bãi, rồi mới đến các vấn đề khác, khi ngó qua người láng giềng Thái Lan với Thai Premier League. Chơi bóng trên "đám ruộng" Nhiều năm qua, nếu không muốn nói là suốt chiều dài lịch sử phát triển nền bóng đá, dường như chúng ta chưa từng được tập và chơi bóng trên hệ thống mặt cỏ tối ưu, hay ít nhất là đạt chuẩn.
Trước khi mặt cỏ sân Hàng Đẫy được "đại tu", ở V-League, chỉ sân Bình Dương là đạt yêu cầu. Thống Nhất luôn ở trạng thái quá tải, mặt sân Cần Thơ rất cứng, Khánh Hoà nhấp nhô và càng ngược ra Bắc, mặt cỏ càng tệ, đặc biệt vào mùa khô và mùa Đông. Chắc không một ai quên hình ảnh "đám ruộng cày dở" của chảo lửa Lạch Chay một thời, khiến bao đối thủ của Hải Phòng phải khiếp đảm. Sân thi đấu chính thức của CLB đã tệ thế, thì sân tập và hệ thống sân bãi cho đào tạo trẻ quả rất khó để đòi hỏi cao hơn. Tối ưu nhất ở Việt Nam, chỉ có HAGL với hệ thống 3-4 sân tập rất đẹp ở Hàm Rồng, số còn lại ngay cả Học viện PVF gần chục năm đóng đô ở Trung tâm Thành Long, đều đã đào tạo ra những sản phẩm trên mặt sân rất tệ. Nếu chúng ta cẩu thả và không chăm chuốt đầu vào, thì đầu ra khó thể tốt được.
Mặc dù vậy, như đã nhắc ở trên, từ bao năm qua nền bóng đá và hệ thống các giải đấu hoặc không ý thức điều này, hoặc thoả hiệp với tồn tại. Các năm 2010-2011, mặc dù sân Pleiku đã được làm mới và được ví là "tiểu Emirates" (Arsenal), nhưng mặt cỏ và hệ thống thoát nước rất tệ. Tại VCK U21 QG và giải U21 quốc tế vào thời điểm đó, để "giải phóng mặt bằng", người ta đã phải viện tới rất nhiều nhân viên tay thùng tay gáo, toả khắp mặt sân để... múc nước đổ đi. Tình trạng tương tự diễn ra ở Bình Định, Khánh Hoà, Bình Dương và thậm chí cả Thống Nhất, khi các trận đấu - giải đấu cấp quốc gia và quốc tế, không may dính đỉnh điểm mùa mưa. Hình ảnh quả là có một không hai trên thế giới. Sao cứ mãi băn khoăn?
Đến chuyện mãnh hổ & quần hồ
Trở lại với diễn biến tại Hàng Đẫy cuối tuần qua. Có thể nói Hà Nội FC và Sài Gòn FC đã tạo nên một trận cầu mãn nhãn, sòng phẳng, mà theo HLV 2 đội, chất lượng mặt cỏ có vai trò quan trọng. Song, người ta vẫn không khỏi băn khoăn về một ám ảnh: Các đội bóng nhà bầu Hiển, phải chăng lúc nào cũng chiến với nhau sòng phẳng như thế?!
Trước khi Hà Nội FC và Sài Gòn FC đóng cửa bảo nhau, Quảng Nam đã vượt qua Hải Phòng để lần đầu tiên tại mùa giải năm nay, tiếm ngôi nhất bảng. Dù 24 tiếng đồng hồ sau đó, FLC Thanh Hóa đã lấy lại vị trí số 1, sau chiến thắng đậm 4-1 trên sân Cần Thơ, nhưng thông điệp được gửi đi là: Mùa này, một số sẽ "dồn phiếu" cho Quảng Nam lên ngôi. Gần nhất là mặt trận Cúp QG, khi xứ Quảng đã vào đến bán kết (gặp SLNA) và xa hơn, là V-League 2017. Quảng Nam chứ không phải Hà Nội FC hay SHB Đà Nẵng quen thuộc, và càng không phải Sài Gòn FC hay Than Quảng Ninh. FLC Thanh Hoá đang ở trên đỉnh, với lợi dẫn vỏn vẹn 2 điểm, khi giải đấu còn 7 lượt trận nữa là kết thúc. Năm ngoái, một "cuộc đua kỳ thú" được tạo ra cho đến những vòng đấu cuối, nhưng giới thạo tin thừa biết, đấy chỉ là "ảnh minh hoạ". Ngôi võ lâm minh chủ thuộc về Hà Nội T&T.
V-League cần một cuộc đại tu, nhưng bắt đầu từ đâu và như thế nào, thì đến ngay người trong cuộc, nhà tổ chức cũng còn băn khoăn, bởi nó có quá nhiều vấn đề nan giải, quá nhiều tồn tại, mà vấn nạn trọng tài chỉ là muỗi. Truyền thông bao lần đưa kiến giải, song lại bị cho rằng, đi ngược lại với lợi ích, soi mói dẫn đến "biểu hiện thiếu hợp tác". Chúng tôi tin rằng, khán giả vẫn là những người tinh mắt nhất. Hãy hỏi họ và xem thái độ tiếp nhận trận đấu - giải đấu của họ, sẽ có câu trả lời. Song dường như, nhà tổ chức cũng chưa từng "hỏi ý kiến khán giả trong trường quay".
2. Mùa giải năm ngoái, 2 đại diện Việt Nam tham dự đấu trường châu lục là Hà Nội T&T và Than Quảng Ninh đã phải thuê sân Mỹ Đình làm sân nhà, khi Hàng Đẫy và Cẩm Phả, không đáp ứng được yêu cầu của AFC. 3. Sau lượt trận 19, 3 đội bóng nhà bầu Hiển vẫn đeo bám rất quyết liệt "áo vàng" FLC Thanh Hoá ở tốp đầu. 4. Theo thống kê của nhà tổ chức, trung bình có hơn 5,8 ngàn khán giả/trận đấu ở V-League 2017. Nhưng theo kinh nghiệm của các phóng viên thể thao "ăn nằm" với giải đấu bao năm qua, cứ lấy số liệu của BTC chia 2, sẽ ra đáp án chuẩn. |
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất