22/09/2014 17:06 GMT+7 | Truyền hình thực tế
(giaidauscholar.com) - Được tiếng là trẻ trung, hồn nhiên, hướng nội suốt nhiều năm qua nhưng bắt đầu từ mùa thứ 8, chương trình Đồ Rê Mí đã có những dấu hiệu “trưởng thành”. Các em nhỏ bắt đầu thử sức làm người lớn, hát nhạc ngoại quá khổ và cũng… yêu đương như ai.
Yêu em nồng nàn
Trong live show thứ 5 của Đồ Rê Mí diễn ra cuối tuần trước (14/9), 6 thí sinh cuối cùng của Đồ Rê Mí cùng nhau tranh tài để tìm 2 người vào chung kết, cả 6 em đều thử thách bằng những màn song ca với các giọng ca lão thành qua phần thi “Bài hát hai thế hệ”. Đúng ra đây là một đêm thi khá cảm động khi những giọng ca một thời như Quang Lý, Thu Hiền, Trần Hiếu, Trung Đức… hòa giọng cùng thế hệ măng non qua những ca khúc nổi tiếng như Chú voi con ở bản Đôn, Bóng cây K’nia, Bức họa đồng quê, Đêm Trường Sơn nhớ Bác… Chỉ có điều, sự cảm động chỉ hiện lên ở mức độ sắp xếp kịch bản khéo léo nhưng thực chất những bài hát này đều quá khổ so với phần thể hiện của các em nhỏ. Có cảm giác cả 6 em đều phải mang vác những bài hát nặng quá sức mình và không thiếu những đoạn cao trào, giọng các em trở nên chới với, lạc tông.
Nhưng có lẽ “lạc tông” hơn cả là tiết mục mở màn, với phần hòa giọng của khách mời Đức Huy và 6 em Đồ Rê Mí trong ca khúc Và tôi cũng yêu em.
Đây là ca khúc rất nổi tiếng của nhạc sĩ Đức Huy và từng được rất nhiều ca sĩ (người lớn) hát lại. Tuy nhiên, nó chỉ phù hợp ở không gian người lớn bởi mức độ ca từ hoàn toàn không tương thích với trẻ nhỏ. Những câu hát như “Bữa cơm canh cà và điếu thuốc”, “Đấu vui với bạn bè/Và ly rượu ngon” đâu phải là thế giới mà bọn nhỏ từ 5 đến 10 tuổi có thể cảm được? Chưa kể đoạn cuối nhìn các em nhỏ cười đùa và hát vang “Và tôi cũng yêu em, yêu em rộn ràng, yêu em nồng nàn, yêu em chứa chan” nhiều người chau mày nghĩ bọn trẻ đứng ở đâu trong nghĩa của câu hát này?
Đúng ra đây là bài hát hoàn toàn không được phép hát trong một chương trình như Đồ Rê Mí dù người thể hiện là một mình nhạc sĩ Đức Huy hay có thêm phần phụ họa của các em nhỏ.
Bài hát không có lỗi, bọn trẻ cũng chẳng biết mình mắc lỗi gì, quan trọng là người đưa ra ý tưởng này đã quá vô tư sắp đặt.
Cũng cần nhắc lại, đây không phải là lần đầu tiên “rượu” xuất hiện trên Đồ Rê Mí. Đêm chung kết năm 2012, MC Lại Văn Sâm đã cụng rượu với cả 10 cháu nhỏ ngay trên sân khấu nhân sinh nhật mùa 6. Đáng nói là Ban tổ chức đã chọn rượu thay cho việc cắt bánh vốn luôn là hình ảnh thân quen của bọn trẻ.
Tương thích dần với Giọng hát Việt nhí?
Nhiều năm qua, Đồ Rê Mí được xem là sân chơi đúng tầm của trẻ nhỏ. Đây là sản phẩm cây nhà lá vườn của VTV nhưng có sức hút rất lớn. Điểm nhấn đặc biệt của chương trình này là nó gần như khác biệt hoàn toàn với không gian của Giọng hát Việt nhí vốn chịu nhiều sức ép phải dựa vào format gốc và phải gây bão để tạo sự chú ý.
Nhiều năm qua Đô Rê Mí không có xu hướng biến trẻ em thành phiên bản nhái người lớn. Nhưng năm nay, bắt đầu có những dấu hiệu trưởng thành. Cần nhắc lại mùa thứ 7 (2013), khi Giọng hát Việt nhí mùa đầu bùng nổ với những chiêu trò, hát nhạc người lớn, nhạc ngoại quá tầm, nghi vấn kết quả… thì Đồ Rê Mí vẫn trung thành với những ca khúc nội địa, vừa tuổi, vẫn giữ được phần nào nét ngây thơ trong sáng, thì ở mùa thứ 8, chương trình này ngày càng nhích dần đến cái ngưỡng mà Giọng hát Việt đã từng làm. Những quả non được ép chín sớm.
Ở live show 1, nhiều khán giả không hiểu sao thí sinh nhí Tuấn Ngọc lại chọn bài hát Những điều còn mãi. Bài này nguyên thủy tiếng Anh là Forever của nhóm rock Thụy Điển, Stratovarius. Mới nghe tưởng dễ nhưng kỳ thực bài hát được sáng tác bởi một nhóm rock có phong cách power metal vốn đòi hỏi rất cao ở giọng hát tại quãng cao, và yêu cầu khi ngân cao phải vừa trong vừa sạch. Người lớn hát lại đã khó trong khi đây chỉ là một nhóc tì. Nghe Tuấn Ngọc hát có cảm giác như em vác đá trên người, vừa nặng nhọc, vừa chới với. Chưa kể phần lời ca khúc này nói về tình yêu nam nữ, và khi chuyển sang Việt ngữ, Ban tổ chức đã lấy lời của Tuấn RC và sau đó lại thay câu “Em có đợi chờ anh được mãi không?” thành “Giấc mơ buồn tuổi thơ không trở lại”.
Điều này rất khác với Đồ Rê Mí của những năm trước. Đành rằng vẫn luôn có những sự cố về trang phục, cách trả lời phỏng vấn của các em (mà có người cho là bị mớm giọng) thì tinh thần biểu diễn của các Đồ Rê Mí nhí nhiều năm liền vẫn giữ được sự hồn nhiên, tươi trẻ chứ không gồng mình như năm nay.
Được xem là cái kho chứa rất nhiều bài hát trẻ em phù hợp lứa tuổi nhưng Đồ Rê Mí bắt đầu tỏ ra hụt hơi. Nhưng không biết có phải thật sự hết bài hay đơn thuần là muốn tăng rating cho chương trình bằng cách tạo nên những quả lạ? Nhìn bé Bảo Ngọc hát lại Nobody của nhóm nhạc Hàn Quốc Wonder Girls, nhiều người lớn cười nghiêng ngả, nhưng sau nụ cười ấy là gì? Làm sao một đứa trẻ tí tuổi hát lại một bài hát mang đầy hương vị đôi lứa với những lời gốc “Em chẳng muốn ai ngoài anh” như vậy?
Gánh nặng rating có đang biến Đồ Rê Mí thay đổi và đưa nó lên sàn đấu một mất một còn với những chương trình khác? Sự thay đổi đang diễn ra dường như là cách mà Đồ Rê Mí muốn gò chân cho vừa giày nhưng ít ai thấy đôi giày đang thay đổi kia thực chất lại quá khổ.
Tốt nhất cứ trả lại bọn trẻ những gì mà chúng có. Sự tác động của người lớn làm chúng chỉ thêm vất vả. Các nhận xét sau bài hát của các giám khảo dù mang tính chuyên môn nhưng làm sao chúng hiểu nốt cao bị chói nốt trầm bị vênh? Những câu ấy chỉ đến tai người lớn. Người lớn nghe, người lớn hiểu và người lớn “lập trình” không đúng. Ca sĩ Thái Thùy Linh, người đã từng làm giám khảo Đồ Rê Mí, thẳng thắn thừa nhận: “Thí sinh Sao Mai-Điểm hẹn trước đây cũng không vất vả bằng thí sinh Đồ Rê Mí bây giờ”!
Mùa thứ 8, Đồ Rê Mí được VTV đã đầu tư ở mức lớn nhất so với 7 mùa trước và có nhiều đổi mới. Nhưng mới đến đâu hãy cứ để bọn trẻ tiếp cận một cách tự nhiên và logic. Không nên gượng ép. Đừng bắt chúng “yêu em nồng nàn, yêu em chứa chan” khi mà ở độ tuổi ấy còn chưa biết tình yêu là gì.
Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất