21/07/2021 11:02 GMT+7 | Giải trí
(giaidauscholar.com) - Dịch Covid-19 kéo dài và đang diễn biến phức tạp khiến nhiều người trong đoàn làm phim thất nghiệp, phải làm nghề khác mưu sinh. Những người ngành phim cùng nhau chia sẻ giúp đỡ những đồng nghiệp khó khăn hơn mình.
Điện ảnh Việt Nam những ngày qua có vài tín hiệu tích cực nhưng chủ yếu liên quan tới một số phim Việt phát hành tại thị trường quốc tế như: Bố già của Trấn Thành và Lật mặt: 48h của đạo diễn Lý Hải. Cùng với đó, một số tín hiệu vui khác liên quan tới phim giành giải thưởng quốc tế như: Người lắng nghe: Lời thì thầm của đạo diễn Khoa Nguyễn đã nhận được giải ở hạng mục Phim điện ảnh xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim quốc tế New York 2021 và 3 hạng mục ở Liên hoan Phim quốc tế nghệ thuật châu Á 2021; Trần Anh Khoa đóng chính phim Ròm được ban giám khảo LHP châu Á - Asian Film Festival 2021 trao giải Nam diễn viên chính xuất sắc…
Còn lại, bức tranh điện ảnh thời gian qua nhìn chung ảm đạm. Các rạp chiếu phim ở TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh thành khác dừng hoạt động.
Hơn 2 tháng đóng cửa rạp phim
Thời điểm rạp chiếu đóng cửa đầu tháng 5, những phim vừa ra rạp, doanh thu tốt chịu ảnh hưởng trực tiếp, có thể kể đến: Thiên thần hộ mệnh, Trạng Tí, Lật mặt: 48h… Loạt phim dự kiến chiếu kể từ tháng 5 hoãn lại, chưa thể dự kiến lịch chiếu mới như: Bẫy ngọt ngào, Bóng đè, Chìa khóa trăm tỷ…
Không chỉ riêng phim Việt mà những phim “bom tấn” đình đám thế giới cũng lỡ hẹn khán giả, có thể kể đến: Fast & Furious 9, A Quiet Place II - Vùng đất câm lặng 2, Escape Room 2, The Conjuring: Ma xui quỷ khiến, In The Heights, Hồi sinh ký ức…
Thời gian rạp chiếu phim phải đóng cửa, các doanh nghiệp điện ảnh có doanh thu từ hoạt động chiếu phim và phát hành phim gần như bằng 0, trong khi họ vẫn phải gồng gánh chi phí thuê mặt bằng, lương và phúc lợi cho nhân viên.
Khó khăn vẫn bao trùm cả các đơn vị sản xuất, những người làm phim kể từ cuối tháng 1/2020 đến nay - khi tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, kéo dài. Thất nghiệp, cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn và một số người phải chuyển qua làm shipper, bán đồ ăn… để mưu sinh. Đặc biệt là khi TP.HCM giãn cách theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7, những nhân viên kỹ thuật, hậu cần… của các đoàn phim tiếp tục phải đối diện với nỗi lo “cơm áo gạo tiền”.
Hỗ trợ đồng nghiệp vượt khó khăn
Để chia sẻ khó khăn với nhiều đồng nghiệp, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đứng ra kêu gọi, thành lập quỹ hỗ trợ những người làm phim. Anh viết tâm thư kêu gọi: “Về việc hỗ trợ người làm phim, xin hãy để những người ngành phim chúng tôi may mắn có được như hôm nay có cơ hội chia sẻ với những đồng nghiệp khó khăn hơn của mình. Vì tôi luôn biết, khi tôi được khán giả vỗ tay ở rạp là rất nhiều đồng nghiệp của mình đã vất vả mà không ai biết tới, lương cũng thấp nữa. Tôi may mắn được là 1 trong những người đại diện cho các bộ phim của mình, được hưởng những thành công mà cả ê-kíp rất nhiều người vất vả”.
Anh cũng bày tỏ: “Việc thiện nguyện không phải cuộc thi đua nào cả mà là sự chia sẻ khi anh cảm thấy đồng cảm với tổ chức và phương án đó. Nên mỗi người một cách nhìn, hình thức và theo khả năng bản thân. Tôi mong mọi người lúc khó khăn này giảm thiểu sự tiêu cực thì cuộc sống sẽ đỡ hơn”.
Nguyễn Quang Dũng dự tính chia sẻ với khoảng 100 đồng nghiệp khó khăn theo khả năng của nhóm, nhưng khi nhận thông tin đăng ký, khoảng 1.100 người đang cần hỗ trợ, anh thấy "hơi hoảng". Lời kêu gọi của đạo diễn Tiệc trăng máu nhận được sự đóng góp chung tay của nhiều nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên như: đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn, đạo diễn Võ Thanh Hòa, diễn viên Phương Anh Đào, MC Liêu Hà Trinh, người mẫu - diễn viên Chế Nguyễn Quỳnh Châu…
Sau 5 ngày quyên góp, "Quỹ hỗ trợ filmmaker" đã hỗ trợ cho khoảng hơn 500 đồng nghiệp đăng ký, mỗi người 1,5 triệu đồng. Nguyễn Quang Dũng dự định dừng việc quyên góp vào lúc 17h ngày 16/7 nhưng đến 20/7, hoạt động này vẫn chưa kết thúc, có thêm hàng trăm người nữa được giúp đỡ vì có thêm người đóng góp.
Trong những ngày kêu gọi giúp đỡ, Nguyễn Quang Dũng nhiều lần xúc động khi nhận lời cảm ơn từ những người được hỗ trợ. Từ đó hé lộ thực trạng, cuộc sống của những người thiết kế, ánh sáng... trong các đoàn phim đều khó khăn khi giãn cách nhưng không ai nói vì… ngại.
“Cảm ơn tấm lòng của anh và các cộng sự. Lao động tự do cho các đoàn phim như tụi em hiện đang rất khó khăn, mong được anh giúp đỡ”; “Em cũng mới đăng ký vì thất nghiệp mấy tháng nay, nhưng nếu nhận được em sẽ chi vào mua mì gói và sữa cho dãy nhà trọ cô chú bán vé số và em bé đang khát sữa do ba mẹ làm công nhân thất nghiệp”; “Em chân thành cảm ơn anh và các nhà hảo tâm đã giúp đỡ các anh em làm phim trong mùa dịch khó khăn này. Mong những phần quà này sẽ giúp tất cả mọi người thêm nghị lực để vượt qua dịch bệnh”… đó là những lời cảm ơn xúc động gửi tới đạo diễn Tháng năm rực rỡ cùng các cộng sự của anh.
“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, việc hỗ trợ, chia sẻ kịp thời với đồng nghiệp lúc này của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cùng những người bạn là vô cùng ý nghĩa.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |
(Còn tiếp)
Bảo Anh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất