19/07/2014 18:59 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Trong buổi họp báo ra mắt CLB, ngoài hai tân binh Herrera và Luke Shaw, chỉ 2 cầu thủ Man United được van Gaal kể tên. Một là Wayne Rooney, thủ lĩnh. Và hai, Michael Carrick!
Để chứng minh tầm quan trọng của Michael Carrick cho người Anh hiểu, bạn sẽ phải diễn giải dài dòng. Tư duy ăn sâu cắm rễ của người Anh khiến họ chỉ thích mẫu tiền vệ con thoi khỏe và cơ động, như Lampard hay Gerrard.
Roy Hodgson nói gì: “Carrick? Không, cảm ơn”. Ông loại anh khỏi đội hình tuyển Anh dự World Cup 2014 rất phũ phàng. Carrick mới dự 1 trận World Cup, đá 31 trận cho đội tuyển quốc gia, và dĩ nhiên, không ghi bàn nào.
Quan trọng nhưng không được trân trọng
Sir Alex Ferguson mua Carrick từ Tottenham năm 2006 với giá 18,6 triệu bảng, được coi là đắt lúc bấy giờ. Carrick không nổi bật chút nào, thậm chí mờ nhạt. Ít nói. Khép kín. Và thậm chí hơi dè dặt.
Nhưng Man United đã không vô địch Premier League 3 năm liên tiếp, trước khi mua Carrick. Ở châu Âu còn tệ hơn: Họ không lọt vào bán kết Champions League 4 mùa giải liên tiếp trước “thời kì Carrick”, không vào chung kết trong 7 mùa, thậm chí bị loại khỏi vòng bảng mùa 2005-2006. United vô địch 5/8 mùa Premier League từ khi có Carrick; vào chung kết 3/8 lần và vô địch Champions League 1 lần.
Lãng quên Carrick thì quá dễ. Chúng ta có xu hướng để ý những nét đặc biệt trên sân hơn là quan tâm đến những khuôn mặt mờ nhạt. Khi các tiền đạo ghi bàn và chạy ra góc sân ăn mừng, máy quay không chĩa đến Carrick còn lững thững đi từ giữa sân lên chia vui.
Lý do? Anh ở quá xa. Vì anh vừa thực hiện đường chuyền thứ hai, thứ ba, hoặc thậm chí châm ngòi pha phối hợp gồm cả chục đường chuyền vừa xong. Bảng tỉ số và các thống kê có tính chất kể công cũng chẳng đoái hoài đến anh.
Một tiền vệ đặc biệt
Carrick luôn phải đi ngược lại dòng chảy của bóng đá Anh, và phải chống lại các định kiến. Phong cách “kick and rush” chưa bao giờ chấp nhận thu nạp một kẻ “lười biếng” và kém sôi nổi như anh. Chất kĩ thuật của Paul Gascoigne, Chris Waddle hay Peter Beardsley cũng độc đáo. Nhưng họ cũng thừa sức mạnh để được CĐV Anh yêu mến. Carrick hoàn toàn không có những điều đó.
Carrick như vô hình trong mắt người Anh. Tiếng Anh gọi vị trí của Carrick là “Deep lying playmaker”, một cách miêu tả, một cụm danh từ hơn là một cái tên. Nhưng Tây Ban Nha gọi đó là pivote, trục xoay. Italy gọi người chơi ở đó là regista, đạo diễn. Pep Guardiola, Xabi Alonso, Sergio Busquets… là pivote. Andrea Pirlo đã 34 tuổi, vẫn được người Ý chiều chuộng và tôn thờ, vì họ nhìn ra vẻ đẹp của một “đạo diễn”. Không cần phải mệt mỏi đem sổ sách thống kê để kể công, như chúng ta phải làm với Carrick.
Bản thân các tiền vệ đồng nghiệp cũng đánh giá cao Carrick. Xavi bảo Carrick “biết đối xử với trái bóng”, “biết cách chơi bóng”. Xabi Alonso ca ngợi: “Carrick khiến đồng đội quanh anh chơi tốt hơn, dù anh không ghi hàng tá bàn thắng…”. Alonso chỉ nói ra một bài học mà HLV đội Antiguoko ở San Sebastián đã dạy anh từ khi 10 tuổi: “Hãy giúp người khác chơi bóng nữa”.
Ở Anh, người ta mới chỉ thích thú với bài học ấy, chứ chưa thể thấm nhuần nó. Nếu không phải là Roy Hogdson, một HLV bảo thủ, thì sau Sir Alex, Carrick chỉ còn hy vọng vào Van Gaal. Một hàng tiền vệ ưa thích của HLV người Hà Lan chắc chắn có chỗ cho anh.
Đỗ Hiếu
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất