09/02/2013 13:20 GMT+7 | Âm nhạc
* Được công chúng đón nhận với nhiều ca khúc để đời: Năm anh em trên một chiếc xe tăng, Người con gái sông La, Tiến bước dưới quân kỳ, Chiếc khăn piêu…, còn với cá nhân mình, những tác phẩm mang tính “cột mốc” cho sự nghiệp sáng tác của ông?
- Khi tham gia các đội tuyên truyền ở Bắc Giang, Vĩnh Yên rồi chính thức nhập ngũ vào học Trường Sĩ quan lục quân khóa VI (1950 - 1951), tôi vừa là binh nhì, học tập theo chương trình huấn luyện, vừa là quản ca nên vẫn tiếp xúc với âm nhạc. Rất may mắn cho tôi là cùng thời gian đó cố nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát và Đỗ Nhuận cũng nhập ngũ và tôi đã “lọt” vào mắt của hai vị tiền bối này.
Ca khúc đàu tiên tôi mạnh dạn sáng tác theo yêu cầu của đơn vị để cổ vũ cho tăng gia sản xuất: Đào than đã ra đời rất hồn nhiên. Anh em đơn vị nghe xong hào hứng lắm, mình thì cũng vui vì chỉ sáng tác nghiệp dư mà được bắt nhịp cho mọi người hát. Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát khi đó chỉ mủm mỉm cười mà không nói gì còn nhạc sĩ Đỗ Nhuận thì nói luôn: “Bài này Tây quá”.
Đến ca khúc thứ hai, Bà mẹ nuôi được viết từ chính cảm xúc nhớ nhà, nhớ mẹ của tôi cũng được đại đội và nhiều đơn vị hưởng ứng, tôi lại hồn nhiên đến gặp hai bậc tiền bối. Một lần nữa, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát vẫn không nói gì còn nhạc sĩ Đỗ Nhuận “phang” luôn một câu: “Bài này Tàu quá”.
Vậy là sau hai ca khúc đó, tôi nhận được lời khuyên cực kỳ quan trọng và xuyên suốt cả cuộc đời sáng tác chuyên nghiệp sau này của mình, đó là phải hiểu dân ca, phải thấm và thuộc dân ca. Chính từ bài học đầu tiên cơ bản đó mà sau này, tôi mới có Chiếc khăn piêu, Sóng Cửa Tùng, Tiến bước dưới quân kỳ, Người con gái sông La, Năm anh em trên một chiếc xe tăng... - đều là những ca khúc thấm đượm chất dân ca của từng vùng miền mà tôi đã từng đặt chân đến, từng trải nghiệm cuộc sống ở chính nơi đó.
* Nếu không kể đến những ca khúc đã nổi tiếng, chắc hẳn ông còn nhiều bài chưa công bố?
- Tất nhiên, sự nghiệp sáng tạo của người nghệ sĩ không thể chỉ gói gọn trong những tác phẩm đã được vinh danh nhưng rõ ràng những tác phẩm được công chúng yêu thích, được nhắc đến nhiều là những tác phẩm thành công nhất.
Còn ở thể loại khí nhạc, những tác phẩm như thanh xướng kịch Trẩy hội đền Hùng, Hoa Lư - Thăng Long (công diễn trong sự kiện 1.000 năm Thăng Long), vở ballet Một thời và mãi mãi (viết cho Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thùy Trâm) cũng được giới chuyên môn đánh giá cao.
Nhạc sĩ Doãn Nho sinh năm 1933 tại Từ Liêm, Hà Nội. Gia nhập quân đội và sáng tác ca khúc từ khi còn trẻ. Ngoài 20 tuổi ông đã có nhiều ca khúc phổ biến như Sóng Cửa Tùng, Chiếc khăn piêu, Tiến bước dưới quân kỳ… Năm 1962-1964 ông được cử đi học sáng tác tại Nhạc viện Kiev. Trở về nước, ông vào chiến trường Khu 4, Nam Lào, Quảng Trị, nơi ra đời của những Bài ca Kpakơlơn, Năm anh em trên một chiếc xe tăng, Người con gái sông La, Hát mừng quê ta giải phóng… Năm 2001 ông được tặng thưởng giải thưởng Nhà nước về văn học ng hệ thuật. |
* Mặc dù, gây ấn tượng mạnh trong Bài hát yêu thích và cho đến bây giờ, ca khúc này vẫn đang nằm trong Top đầu của tháng1/2013 nhưng trước đó, Chiếc khăn piêu đã từng thành công với những giọng ca của rất nhiều thế hệ như NSƯT Trần Chất, NSND Quý Dương, NSƯT Kiều Hưng, Hoàng Chè cho đến Anh Thơ và Tùng Dương. Vậy giọng ca nào chinh phục được ông một cách ấn tượng nhất?
- Chiếc khăn piêu là một ca khúc được hát với tư cách của người đàn ông nên khi Anh Thơ thể hiện, tôi thấy rất ấn tượng. Anh Thơ đã dùng kỹ xảo vocalist giả tiếng chim để làm mới ca khúc này và đã chinh phục được khán giả. Nhưng với bản phối mới rất hiện đại, có cả chất jazz với ngôn ngữ âm nhạc điện tử được thể hiện với một giọng ca vốn dĩ đã “quái, điên” như Tùng Dương thì quả thật là tôi “bỡ ngỡ không bắt kịp” những phút đầu tiên khi nghe tác phẩm của mình. Vì thế mà lúc đầu tôi còn cảm thấy không thích đấy!
* Vậy cuối cùng thì điều gì đã khiến ông bị “khuất phục” ở bản phối cũng như cách trình diễn rất mới này của Chiếc khăn piêu?
- Lúc đầu mình không thích vì nó là cái bảo thủ của tuổi 80, vốn đã quen với cái “cũ”, song cũng chính vì đặc thù nghề nghiệp nên tôi luôn bám sát cuộc sống, nhất là lớp trẻ vì tôi nghĩ mình không chỉ giúp họ mà nhờ họ, mình cũng được trẻ hóa. Chính vì vậy, qua thời gian tìm hiểu, lắng nghe tôi nhận ra những cái mới mà Tùng Dương đã đóng góp cho tác phẩm của mình. Đến bây giờ, không vì giải thưởng, tôi xin khẳng định rất rõ là bên cạnh một kỹ thuật tốt, Tùng Dương có bản lĩnh sáng tạo ghê gớm và tôi đánh giá rất cao điều này.
Trước chương trình Bài hát yêu thích, tôi đã thấy bản lĩnh của Tùng Dương trong đêm diễn kỷ niệm sự kiện Điện Biên Phủ trên không, khi cậu ấy là người duy nhất hát một ca khúc về phản chiến của John Lennon bằng tiếng Anh rất thành công nhờ bản lĩnh “biến hóa”, từ những ca khúc chính trị rồi chuyển sang chất “phiêu”, màu sắc trữ tình đều đi vào lòng người. Có lẽ, nếu không phải Tùng Dương thì tôi nghĩ Chiếc khăn piêu khó có được sự thành công này và cũng vì thế, cũng sẽ khó có ai có thể “vượt” được Tùng Dương. Tất nhiên, bên cạnh đó còn là giá trị về mặt phối khí của nhạc sĩ Nguyên Lê.
* Nếu có ý kiến cho rằng ca khúc Chiếc khăn piêu nên được tôn vinh ở một sân chơi có tên gọi khác như Bài ca đi cùng năm tháng thì hợp lý hơn. Ông nghĩ sao?
- Nói như thế thì việc thế giới sử dụng cách làm mới như vậy cho bản giao hưởng Định mệnh của Beethoven trong các tác phẩm âm nhạc hiện đại cũng sẽ chỉ được tôn vinh ở những chương trình âm nhạc cổ điển?
Không phải là một ca khúc “sinh ra” ở thời hiện tại nhưng nhờ bản lĩnh làm mới của Tùng Dương, Chiếc khăn piêu đã vượt qua thời đại nó sinh ra để tiếp tục gắn bó với cuộc sống âm nhạc đương thời, tạo nên một làn sóng yêu thích của công chúng. Phải ghi nhận thành công ở đây là việc nối tiếp sự sáng tạo giữa các thế hệ, những nghệ sĩ trẻ hiện nay đã nối được tình cảm và sự sáng tạo xưa để mới mẻ với tâm thức của giới trẻ hiện nay nên đã được công chúng đương thời đón nhận và hưởng ứng.
- Tranh cãi hay va vấp là đương nhiên và ở thế hệ nào cũng có nên với tôi, đó là điều rất bình thường. Nhưng tranh cãi là để tìm ra chân lý vì mục đích duy nhất là xây dựng nền âm nhạc nước nhà chứ tuyệt đối không được nhắm sai đích.
Lớp già chúng tôi rồi cũng sẽ ra đi, sự nghiệp âm nhạc chắc chắn đặt lên vai những thế hệ như Tùng Dương, Uyên Linh, Lưu Thiên Hương... nên tôi luôn đánh giá rất cao lớp trẻ bây giờ.
* Nhân chuyện ông đề cập đến cái sự mới, lạ. Vậy theo ông, cơ hội thành công nào sẽ đến với việc làm mới những ca khúc đã ra đời từ lâu?
- Cơ hội thành công hay thất bại là do tài năng chinh phục công chúng. Lạ thì bao giờ cũng dễ hấp dẫn, nhất là với lớp trẻ. Lạ cũng là yếu tố quan trọng trong sáng tác nhưng lạ và mới là hai khái niệm khác nhau. Lạ chưa chắc đã là tác phẩm mới, ngôn ngữ mới, sáng tạo mới. Lạ có thể ảnh hưởng lấy từ yếu tố bên ngoài nhưng nếu chưa ngấm qua tâm hồn người sáng tác, chưa trải nghiệm trong trái tim thì khó có thể đọng lại trong công chúng. Lạ đơn thuần thì hết lạ là sẽ chán.
* Chúng ta đã có một nền nhạc nhẹ Việt Nam được gây dựng bởi nhiều cái tên, như Thanh Tùng, Dương Thụ, Trần Tiến, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương, Phú Quang... Và cho đến nay, nền nhạc nhẹ ấy đã được lớp trẻ nối tiếp như thế nào qua cái nhìn của ông?
- Thế hệ trẻ cũng như thế hệ tân nhạc xưa đều được thừa hưởng những yếu tố từ âm nhạc châu Âu. Điều kiện làm nghề của lớp trẻ hiện nay hơn hẳn chúng tôi nhưng điều đó không có nghĩa họ tiến nhanh hơn, ngay cả khi làm việc theo lối “mì ăn liền”.
Trước đây, giai đoạn đầu của những nhạc sĩ tân nhạc cũng chịu ảnh hưởng của âm nhạc phương Tây nhưng sau đó, họ nhanh chóng biến yếu tố lạ (nước ngoài) trở thành cái của mình với lối diễn tả mang tâm hồn Việt. Vì thế mà Văn Cao có Thiên thai, Doãn Mẫn có Biệt ly, Đỗ Nhuận có ca kịch ngắn Nguyễn Trãi rất vào lòng công chúng. Cội nguồn âm nhạc của Việt Nam là dân ca, mà dân ca làm gì có hành khúc, nhưng chúng ta lại có Hành quân xa, Tiến về Hà Nội, mở rộng hơn là hợp xướng, thanh xướng kịch.
Và ở thời đại này, tôi tự hỏi, làm sao phải nhanh chóng có hip-hop Việt Nam? Vì nguồn gốc của nó đã có từ lâu rồi. Ngay trong chèo có hát nói, có thể gọi là rap của bây giờ nhưng chúng ta không nhìn ra, lại phải lấy “rap” của nước ngoài.
Hơn nữa, bây giờ, giới trẻ thích nói “rap” ở tốc độ nhanh, không thể nghe ra nội dung gì trong khi mình vẫn có thể nói được “rap” tròn vành rõ chữ. Giới trẻ bây giờ thích làm việc theo kiểu láy nguyên cả hình thức và nội dung của thể loại này từ nước ngoài vào, chỉ “thay tên đổi họ” là xong. Một sự lo ngại và đáng tiếc!
* Nhưng ông vẫn đặt rất nhiều niềm tin vào thế hệ trẻ hôm nay?
- Việt Nam mình có cái hay là thế hệ nào cũng tưởng rằng mình dễ bị ảnh hưởng từ bên ngoài, dễ đi chệch hướng… Nhưng khi hải đảo, biên giới có vấn đề thì hai chữ Tổ quốc dường như thức tỉnh được tất cả. Tinh thần quý giá ấy khiến tôi luôn đặt lòng tin vào lớp trẻ hiện nay.
* Ông có đang viết ca khúc nào không?
- Tôi vẫn viết cả thanh nhạc và khí nhạc nhưng sẽ ưu tiên cho khí nhạc hơn.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất