Chuyện chưa biết về tranh Việt chớm ngưỡng triệu đô

25/10/2015 06:34 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Sau nhiều năm ròng rã đấu giá ở các sàn đấu giá lớn trên thế giới, nhà sưu tập Nguyễn Minh đã “hồi hương” thành công gần 30 bức tranh Việt của các họa sĩ Vũ Cao Đàm, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu…

Ngày “châu về Hợp Phố” này cũng là ngày những người yêu hội họa nhìn lại những đóng góp của các họa sĩ sinh sống và lao động ở nước ngoài đồng thời tìm những hướng đi mới để mong mỏi “tranh Việt triệu đô” không còn là giấc mơ hoang.

Triển lãm Hội họa Việt Nam - Một diện mạo khác trưng bày các tác phẩm của nhà sưu tập Nguyễn Minh tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vừa kết thúc với nhiều dư vị.

Nâng giá tranh Việt

Nhiều người băn khoăn Nguyễn Minh “hồi hương” tranh “vị thương mại” hay “vị nghệ thuật”. Câu trả lời là cả hai. Trao đổi với người viết, nhà sưu tập Nguyễn Minh chia sẻ:  Động cơ đầu tiên của việc “hồi hương” tranh phải là tình yêu. Nếu chỉ tính toán lời lãi thì không thể “liều” trong các phiên đấu giá.

Nguyễn Minh say mê tranh của các danh họa thuộc “thế hệ vàng” của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Đặc biệt là các danh họa Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm. Nên, khi tham gia đấu giá các bức tranh của các danh họa này, anh thường quyết liệt hơn bình thường. “Tất nhiên, tôi là nhà sưu tập nên tôi cũng có tính toán tới các yếu tố liên quan tới thương mại để cân đối thu chi” – anh nói.

Thành quả của lòng say mê và khả năng tính toán ấy của Nguyễn Minh là 12 bức tranh của danh họa Lê Phổ, 9 bức tranh của danh họa Vũ Cao Đàm, 6 bức của họa sĩ Mai Trung Thứ và 1 bức tranh của họa sĩ Lê Thị Lựu có mặt trong triển lãm “Hội họa Việt Nam- Một diện mạo khác”.

Ngoài việc “hồi hương” tranh, nhà sưu tập Nguyễn Minh còn đóng góp cho hội họa Việt ở một góc độ khác: nâng giá tranh Việt trên các sàn đấu giá quốc tế. “Thời điểm tôi âm thầm hồi hương tranh, giá tranh Việt lúc đó không thật cao.

Ở góc độ thương mại, đó là điều thuận lợi cho tôi, song ở khía cạnh mỹ thuật nước nhà, đó là một điều thiệt thòi. Từ khi tôi đấu giá  thành công 4 bức tranh của danh họa Vũ Cao Đàm được báo Thể thao & Văn hóa đưa tin. Kế đó là hàng loạt tranh Lê Phổ “hồi hương” cũng được quý báo cập nhật, những người yêu tranh Việt tìm thêm được một “kênh” để đưa tranh về đất mẹ: đấu giá”.

Cũng theo nhà sưu tập Nguyễn Minh, trong các phiên đấu giá online tranh Việt của các sàn đấu giá nổi tiếng thế giới như  Sotheby’s (Hong Kong - Trung Quốc), Christie’s (Hong Kong - Trung Quốc), thời gian gần đây, những tài khoản “from Vietnam” trả giá ngày một nhiều.

“Cũng vì thế, giá tranh Việt ngày càng cao. Đặc biệt, “độ nóng” của tranh Việt còn được các nhà sưu tập thế giới chú ý. Cụ thể, ngày 22/11 /2014 bức tranh “Nhìn từ trên đỉnh đồi” của danh họa Lê Phổ đạt giá kỷ lục của tranh Việt: 840.000 USD. Bức tranh được sàn Christie’s bán ra đã vượt xa kỷ lục năm 2013 là bức “Người bán gạo” của Nguyễn Phan Chánh (đạt giá 340.000 USD). Cứ đà này, tranh Việt triệu đô không còn là giấc mơ xa xỉ”- Nhà sưu tập Nguyễn Minh chia sẻ.

Cần nhìn nhận lại đóng góp của các họa sĩ nước ngoài

Sự xuất hiện của các bức tranh quý ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sau nhiều thập kỷ lênh đênh ở các sàn đấu giá nước ngoài như một bước chuyển với việc nhìn nhận lại những đóng góp quý báu của các danh họa sinh sống và vẽ ở nước ngoài.

 “Các họa sĩ Lê Phổ, Lê Thị Lựu, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm… tuy sinh sống ở nước ngoài song các bức tranh của những danh họa này đều mang cảnh sắc Việt, hồn cốt Việt. Và, những đóng góp của các họa sĩ này trong việc quảng bá mỹ thuật Việt với giới hội họa quốc tế là rất lớn.”- Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, PCT Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ.

“Tuy nhiên, cả bốn họa sĩ trên đều chưa được tưởng thưởng ở các giải thưởng hàng đầu quốc gia là Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh” - Ông Lương Xuân Đoàn nói tiếp- “Trước kia, nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta thiếu tư liệu để đánh giá chân xác về tranh của các nghệ sĩ này. Nay, triển lãm “Hội họa Việt Nam- Một diện mạo khác” đã cung cấp tới những người làm chuyên môn những bức tranh gốc làm cơ sở để đánh giá và ghi nhận những sự đóng góp của các danh họa xa xứ.”

Còn theo nhà sưu tập Nguyễn Minh, cái “danh” của các họa sĩ Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Lê Phổ đã được cả thế giới ghi nhận. Bản thân tên tuổi và tác phẩm của các họa sĩ này từ lâu cũng được giới mỹ thuật coi là một phần không thể thiếu của diện mạo hội họa Việt. Nên, việc ghi nhận những đóng góp của các danh họa Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu ở thời điểm này đã là muộn. Song, muộn còn hơn không.

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm