15/08/2017 20:18 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Trong khi hệ thống các di tích tưởng niệm Quốc mẫu Ngọc Trần tồn tại ở khá nhiều địa phương, ngôi đền thờ nữ danh nhân này lại phần nào chịu cảnh... hẩm hiu ngay trên ngay tại mảnh đất sinh ra bà.
1. Gọi là "phần nào", bởi xã Thọ Diên (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) đã có ngôi đền thờ được người dân tự nguyện góp tiền trùng tu lại (và xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2011). Thế nhưng, chừng đó là chưa đủ, so với nguyện vọng của cộng đồng địa phương, cũng như với quy mô của ngôi đền này trong quá khứ.
"Đền cũ khi ấy rộng ngót nghét 10 mẫu, kết cấu chủ yếu bằng gỗ, chạm trổ rất nhiều, có đủ cả tiền đường, hậu cung, nhà xép để ngai và kiệu. Ngoài sân đền thì có rất nhiều voi đá, ngựa đá đủ các cỡ" – ông Lê Văn Chức, bí thư xã Thọ Diên, kể - " Khi dỡ đi, ai cũng xót".
Việc dỡ bỏ đền, theo như tấm bia đặt tại di tích, diễn ra vào năm 1968, nghĩa là cách đây gần 5 thập kỷ. Cũng theo tấm bia, ngôi đền cũ ấy được xây từ vài trăm năm trước để thờ gia đình bà Ngọc Trần, phu nhân của vua Thái Tổ Lê Lợi và sinh ra hoàng tử Nguyên Long, tức vua Lê Thái Tông sau này). Ngoài mẹ con vua Lê Thái Tông, đền còn thờ cha và anh bà, vốn cũng là những người tham gia khởi nghĩa Lam Sơn. Thậm chí, vì có thân sinh bà Ngọc Trần, người dân nơi đây vẫn quen gọi đó là đền "Đức Thánh Cả".
Như lời kể của địa phương, khi dỡ bỏ, phần nền ngôi đền được dùng làm mái, bàn, ghế của trường học địa phương trong thời chống Mỹ. Được 2 năm, trường học lại di dời sang nơi khác, đất cũ bị bỏ hoang rồi phân dần cho các hộ dân... Mãi tới năm 1996, khi một hộ dân trong làng đứng ra vận động, chính quyền xã cấp 500 mét đất trên nền cũ, và đồng ý cho trùng tu lại đền. Nhân dân, con cháu trong làng và cả ở nơi xa cùng "dốc túi" để tôn tạo lại đền khi đó, với số vốn vỏn vẹn... gần 100 triệu.
2. Cần nhắc lại, số phận bi thương của bà Trần Thị (hoặc Phạm, tùy theo từng sử liệu) Ngọc Trần vào thế kỷ XV đã tạo ra khá nhiều truyền thuyết, cũng như trở thành cảm hứng của nhiều sáng tác nghệ thuật sau này. Quê tại Quần Đội (nay thuộc xã Thọ Diên), bà từng lặn lội theo chồng tham gia khởi nghĩa Lam Sơn từ những ngày đầu tiên.
Năm thứ 7 của cuộc khởi nghĩa, trong chiến dịch tiến công Nghệ An, các sử liệu cũ như Đại Việt thông sử ghi rõ: Lê Lợi được thủy thần hứa phù hộ đại quân, kèm theo yêu cầu "nhường cho một người thiếp". Khi ấy, phu nhân Ngọc Trần là người tình nguyện đứng ra làm vật lễ sống và tự gieo mình xuống sông để hiến tế Thủy thần.
Bởi sự hi sinh ấy, không có gì lạ khi trong lịch sử thời Lê sơ, bà được Cung từ Quốc thái Mẫu và lập đền thờ ở nhiều nơi. Đơn cử, chỉ cách Thọ Diên vài km, Quốc mẫu Ngọc Trần cũng được phối thờ tại Di tích Quốc gia Lam Kinh.
Nhưng, ở Thọ Diên, theo quan sát của TT&VH, ngôi đền thờ Quốc mẫu Ngọc Trần được trùng tu trong điều kiện khá khiêm tốn nền sau gần 20 năm tồn tại hiện cũng bắt đầu xuống cấp với khá nhiều vết nứt. Kiến trúc đơn giản, di vật đáng kể nhất ở đây chỉ còn là bát hương cổ tại đền và một đôi voi đá nhỏ may mắn được người dân cất giữ từ khi dỡ đền.
Như lời ông Lê Văn Chức, để thuận lợi, chính quyền địa phương đang chuẩn bị xin các cơ quan chức năng xem xét để tạo điều kiện nghiên cứu trùng tu đền theo hình thức xã hội hóa.
"Có quy mô khiêm tốn, nhưng từ 20 năm nay, ngôi đền này vẫn luôn là một địa chỉ di tích và tâm linh quan trọng với người dân địa phương" – ông Chức cho biết - "Bởi vậy, việc nghiên cứu trùng tu, tôn tạo lại một ngôi đền xứng đáng để thờ Quốc mẫu Ngọc Trần và gia đình luôn là nguyện vọng của những người dân trên mảnh đất sinh ra bà."
Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất