30/08/2016 15:44 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) – Hôm nay (30/8), Hiệp hội Phát Hành & Phổ biến Phim Việt Nam đã đưa ra thông cáo, khẳng định chuyện CGV chèn ép các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội là có thật.
Ngay sau vụ việc này, phía CGV đã tung ra thông cáo báo chí khẳng định: "Việc cung cấp những thông tin về việc CGV chèn ép phim Việt, từ chối phát hành phim Việt hay ưu tiên truyền bá văn hóa Hàn… là hoàn toàn thiếu căn cứ, có chủ đích và có dấu hiệu vi phạm Luật cạnh tranh”.
Phía nhà phát hành phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể là Công ty BHD đã có hồi đáp bằng thông cáo báo chí với lời lẽ khá ôn hòa.
Phim "Tấm Cám: Chuyện chưa kể"
Đến hôm nay, thì Hiệp hội Phát Hành & Phổ biến Phim Việt Nam (viết tắt là Hiệp hội) đã chính thức lên tiếng khẳng định việc CGV đang chèn ép các doanh nghiệp trong Hiệp hội về tỉ lệ ăn chia là có thật.
Cụ thể, trước kia tỉ lệ ăn chia của các rạp như Lotte, CGV, Galaxy, BHD, Platinum là bằng nhau. Tuy nhiên, trong khoảng một năm gần đây, tỷ lệ này riêng tại cụm rạp CGV giảm dần. Năm 2015, doanh thu ăn chia cho phim Việt của các nhà sản xuất/nhà phát hành khác không phải CGV tại hệ thống rạp của CGV bị giảm bình quân khoảng từ 15% - gần 25%. Trong khi tỷ lệ cũ vẫn được CGV đòi áp dụng cho phim của mình tại các hệ thống rạp khác cũng như tỷ lệ cũ vẫn được các doanh nghiệp khác trong ngành áp dụng.
Trong thông cáo ghi: "Tấm Cám –Chuyện chưa kể chỉ là một giọt nước tràn ly. Và giọt nước mắt không kìm được từ một người phụ nữ mạnh mẽ như Ngô Thanh Vân mà một số người đánh giá là “diễn” với chúng tôi, những người trong nghề, chúng tôi tin là giọt nước mắt chân thật, cảm xúc của một người nghệ sĩ đã đem hết tâm huyết dành cho tác phẩm mà không được đáp lại một cách khách quan với ứng xử thiếu tinh thần nhân văn... Và chúng tôi không bao giờ muốn ai phải rơi lệ như vậy nữa".
Hiệp hội cho biết họ đã nhận được thông tin cụ thể rằng không phải chỉ ở Việt Nam mà ngay cả ở Hàn Quốc, công ty CGV đã có nhiều hoạt động lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, chèn ép các nhà sản xuất và các đơn vị hoạt động điện ảnh nhỏ khác tại Hàn Quốc và đã bị cơ quan cạnh tranh của Hàn Quốc là Uỷ ban Thương mại công bằng (KFTC) điều tra, xử phạt ít nhất 5 lần.
"Ngay thời điểm này, trong khi đang bị các doanh nghiệp điện ảnh Việt Nam xem xét khiếu nại, thì tại Hàn Quốc vào tháng 08/2016, CGV đang phải đối mặt với việc KFTC chuẩn bị ra quyết định xử phạt, trong đó không loại trừ xem xét trách nhiệm hình sự, đối với các giao dịch nội bộ, ưu đãi quá mức mà CGV dành cho công ty liên kết của mình", thông cáo của Hiệp hội ghi.Hiệp hội đã kêu gọi CGV hãy hành xử như một doanh nghiệp lớn: "Việc một doanh nghiệp đầu tư phát triển và đạt được vị trí lớn là việc rất bình thường và được khuyến khích trong kinh doanh. Nhưng khi đã là một doanh nghiệp lớn, cần phải hành xử có trách nhiệm và văn hoá như một “Doanh nghiệp lớn” , chứ không nên “cậy lớn” để chèn ép hay chặn đường phát triển của các doanh nghiệp khác trong ngành đặc biệt lại là các doanh nghiệp địa phương nơi CGV đang kinh doanh".
Theo nguồn tin của Thể thao & Văn hóa, trước tình hình này, vào đầu tháng 9, Cục Điện ảnh sẽ triệu tập tất cả các bên cùng ngồi lại với nhau để giải quyết vấn đề.
Bà Vũ Thị Bích Liên, Tổng giám đốc Hãng phim Sóng Vàng nói: “Với nhiều công ty, việc CGV lấy tỷ lệ ăn chia tuần đầu lớn hơn cả nhà sản xuất là vô lý, cá lớn nuốt cá bé. Là nhà sản xuất, chúng tôi mong CGV có thể ngồi lại với các đơn vị để cùng nhau vạch ra một tỷ lệ ăn chia làm sao cho nhà sản xuất nhận được phần hợp lý và công bằng”.
Tổng Giám Đốc Galaxy - Ông Văn Chí Hùng cho biết: “CGV, tiền thân là Megastar, đã bị khiếu nại và bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều tra từ năm 2010 về các hành vi chèn ép, vi phạm pháp luật cạnh tranh. Sau khi bị điều tra trong một thời gian dài, đến tháng 03/2015, họ mới chịu thừa nhận và chịu ký cam kết không vi phạm trong tương lai. Cam kết này lập trước sự chứng kiến của Hội Đồng Cạnh Tranh quốc gia. Sau khi có cam kết của họ, bên khiếu nại mới rút đơn. Trên cơ sở bên khiếu nại rút đơn, Hội Đồng Cạnh Tranh đã ra quyết định đình chỉ vụ việc, trong quyết định cũng có xác định các hành vi của CGV là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, hiện tại họ lại tiếp tục có dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh tại Việt Nam”.
Ngọc Diệp
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất