Họa sĩ Đặng Ái Việt và hạnh phúc từ hơn 1000 nụ hôn

25/07/2017 07:09 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Tại Đường sách TP.HCM đang diễn ra triển lãm 100 chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) của nữ họa sĩ Đặng Ái Việt. Đây là một phần trong chân dung của hơn 1.000 Mẹ VNAH mà họa sĩ Đặng Ái Việt đã tìm đến gặp gỡ tận nhà trong 7 năm qua.

1.Ngày 19/2/2010, họa sĩ Đặng Ái Việt cùng chiếc xe gắn máy hiệu chaly nhỏ nhắn bắt đầu hành trình tìm đến tận nhà các Mẹ VNAH trên khắp cả nước để ghi lại chân dung. Nếu làm việc này bằng nhiếp ảnh thì thời gian có thể nhanh hơn nhiều. Còn bằng hội họa và với nỗ lực của một cá nhân thì hành trình 7 năm qua không thể đo đếm thời gian và công sức. Có thể nói, hành trình 7 năm này là hành trình của tấm lòng yêu quý các Mẹ.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Đặng Ái Việt

Trong mấy ngày qua, 100 chân dung Mẹ VNAH trở thành điểm nhấn cho những ai đặt chân đến Đường sách TP.HCM. Rất nhiều du khách nước ngoài đã dừng lại ngắm rất kỹ từng bức chân dung các Mẹ. Tuy nhiên, điều hơi đáng tiếc là không có phần chú thích bằng một vài ngoại ngữ phổ biến để  mọi du khách có thể hiểu thêm về chân dung các Mẹ và từng Mẹ VNAH có chồng, con hy sinh trong quá trình bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Nhiều bạn trẻ đã đứng rất lâu đọc phần ghi chú trên chân dung từng Mẹ do họa sĩ Đặng Ái Việt viết. Sau khi vẽ xong chân dung một Mẹ VNAH, họa sĩ thường ghi lại lý lịch trích ngang của từng Mẹ. Những dòng ghi chú đó rất ngắn nhưng đã đủ để người xem hiểu về sự hy sinh của các Mẹ khi cống hiến cho đất nước những người thân nhất trong cuộc đời mình. Bên cạnh đó, mỗi chân dung Mẹ VNAH đều được chính quyền địa phương ký tên, đóng dấu xác nhận như khẳng định thêm độ chính xác về hình ảnh và thần thái của từng Mẹ.

Hỏi một đôi bạn trẻ đang chăm chú xem từng chân dung, hai bạn này cho biết: “Bọn em đọc báo coi đài biết về họa sĩ Đặng Ái Việt và hành trình vẽ chân dung Mẹ VNAH của bà từ lâu nhưng đây là lần đầu tiên bọn em được tận mắt ngắm những bức chân dung này. Mỗi chân dung của Mẹ VNAH đều khiến bọn em nghĩ về sự hy sinh mà các Mẹ đã trải qua. Chiến tranh không đơn giản như trên phim mà bọn em từng coi”.

Chú thích ảnh
Các bạn trẻ trước triển lãm chân dung Mẹ VNAH tại Đường sách TP.HCM

2. Một trăm chân dung Mẹ VNAH triển lãm lần này gồm những Mẹ đã và đang sinh sống tại TP.HCM. Bởi, với hơn 1.000 chân dung Mẹ VNAH thì con đường Nguyễn Văn Bình khá ngắn không đủ để cùng lúc trưng bày.

 Mỗi chân dung đều toát lên một thần sắc khác nhau, phản ánh số phận từng Mẹ VNAH trải qua bao thăng trầm của cuộc đời. Họa sĩ Đặng Ái Việt cho biết, bà vẽ các Mẹ theo quan điểm “hữu ư tâm xuất hình ư diện” - nghĩa là cái ở trong tâm phải bộc lộ trên gương mặt của Mẹ. Tuy mỗi Mẹ mỗi vẻ, nhưng chân dung họ đều toát lên điểm chung ở sự can trường khi mất đi những người thương yêu nhất vì đất nước.

Họa sĩ Đặng Ái Việt là vợ của cố NSND Phạm Khắc, nguyên Giám đốc Đài Truyền hình TP.HCM. Thực tế, bà có đủ mối quan hệ để tìm nguồn tài trợ cho 7 năm vẽ chân dung Mẹ VNAH. Thế nhưng, họa sĩ Đặng Ái Việt đã từ chối tất cả tài trợ mà dùng chính số tiền dành dụm được và công sức của chính mình để thực hiện. Ngay cả khi Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua 70 bức chân dung Mẹ VNAH, bà cũng dành số tiền đó tặng cho bộ đội Trường Sa.

“Vẽ các Mẹ, tôi có được nhiều cái mà không ai có được. Vẽ hơn 1.000 chân dung, nghĩa là tôi hôn được ngần ấy bà mẹ, cả thế giới có ai làm được điều đó không?" – họa sĩ chia sẻ - "Cái hôn ở đây có ý nghĩa rất lớn. Người mẹ khi sinh con ra thường hôn con từ đầu đến chân, nhưng khi người con lớn lên, nhất là người con trai mười bốn tuổi trở lên thì mấy khi hôn mẹ? Thế nên, tôi hôn không phải cho riêng tôi, mà hôn giùm cho các liệt sĩ, như một cách tri ân các đấng sinh thành của đồng đội, đồng chí, bạn bè tôi vậy”.

Họa sĩ Đặng Ái Việt tái xuất trong 'Những người con bất tử' lần 3

Họa sĩ Đặng Ái Việt tái xuất trong 'Những người con bất tử' lần 3

Chương trình nghệ thuật Những người con bất tử lần thứ 3 diễn ra lúc 20h ngày 23/7/2017 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, truyền hình trực tiếp trên Kênh truyền hình Quốc hội.

Ở tuổi 70, họa sĩ Đặng Ái Việt nói bà chỉ tiếc rằng mình không còn nhiều thời gian để tiếp tục vẽ chân dung Mẹ VNAH. Thực tế, cũng đã rất nhiều Mẹ VNAH ra đi theo sự khắc nghiệt của thời gian...

Vào đúng ngày 27/7, tại Đường sách TP.HCM, họa sĩ Đặng Ái Việt sẽ có buổi giao lưu, chia sẻ về hành trình 7 năm thực hiện chân dung các Mẹ VNAH. Triển lãm 100 chân dung Mẹ VNAH của họa sĩ kéo dài đến hết ngày 30/7.

Trạc Tuyền
Thể thao & Văn hóa

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm