17/11/2015 15:51 GMT+7 | Âm nhạc
(giaidauscholar.com) - John Lennon hát “hãy sống cho ngày hôm nay”, nhưng chính ông không hề hài lòng với “ngày hôm nay” của thời bản thân đang sống. Ông là một trong những "người phản kháng" tiêu biểu nhất của thế hệ mình, luôn mơ về một thế giới tốt đẹp hơn.
Với bài hát đã truyền men say hòa bình cho thế giới trong suốt 44 năm qua, John Lennon đúng hay sai?
Nghịch lý Imagine
Năm 1971, John Lennon ngồi chơi đàn piano trong căn phòng trắng, khi vợ ông, Yoko Ono, đi khắp căn phòng mở toang từng khung cửa. Ánh sáng dần ngập căn phòng và John hát: “Bạn cứ nói tôi là kẻ mộng mơ. Nhưng không chỉ mình tôi đâu. Mong một ngày bạn sẽ cùng đến đây. Và thế giới này trở thành một”.
Năm 2015, Davide Martello, một nghệ sĩ người Đức ít tên tuổi hơn nhiều, đạp xe từ Konstnaz đến Paris trong một đêm để kịp chơi bản Imagine ngay trước cửa nhà hát Bataclan - một trong những nơi vừa xảy ra vụ khủng bố đẫm máu hôm 13/11.
Chỉ Imagine thôi, không cần giới thiệu. Cũng chỉ cần nhạc, không cần chút ca từ nào, vì hầu như ai cũng đã thuộc lòng ca khúc. Bởi đây là bài hát có ca từ dễ hiểu nhất của John thiên tài, với nhiều ca khúc như mê cung kỳ ảo.
44 năm rồi, những lời này vẫn ở đầu môi những kẻ mộng mơ - hàng tỷ kẻ mộng mơ. Công bằng mà nói, giấc mơ ấy vô cùng đẹp đẽ.
Giai điệu Imagine cũng đã vang lên trong lễ bế mạc Olympic mùa hè năm 2012 ở London, quê hương của John. Được chơi bởi Dàn nhạc Giao hưởng London và Dàn đồng ca Liverpool, bài hát này được nước Anh chọn như một khúc ca hòa bình tiêu biểu nhất.
Nhưng Daniel Peterson, cây bút của Deseret News, một người tôn thờ âm nhạc của The Beatles cũng như rất kính trọng John Lennon, đã chỉ ra trong một bài phản biện Imagine: “Imagine vẫn là một bài hát ngốc nghếch, ít nhất là đối với một nhóm người theo dõi và tham gia vào Thế vận hội Olympic, thậm chí còn hơi đi ngược tinh thần của họ”.
Thật ngạc nhiên. Imagine? Ngốc nghếch? Bài hát được ca ngợi là đỉnh cao của tinh thần phản chiến lại có thể ngốc nghếch đối với một số kẻ nào đó? Hãy nghe John hát: “Hãy tưởng tượng mọi người trên thế giới, chỉ sống cho ngày hôm nay”. “Vì ngày hôm nay thôi sao?” – Peterson viết - "Thế còn những mục tiêu dài hạn của cuộc đời, những hoài bão lớn, những cuộc đấu tranh hàng thế kỷ để chống lại các bất công đối với từng nhóm người cụ thể?"
“Các vận động viên Olympic trong sân vận động ở London ngày hôm đó không tự nhiên có mặt nhờ đi lang thang vô định rồi lạc vào Thế vận hội. Họ đạt đến mục tiêu đó qua một quá trình nỗ lực dài, đầy kỷ luật, có định hướng mục tiêu rõ ràng” - Peterson viết.
“Những nghệ sĩ đang chơi nhạc cũng vậy, và những người quay phim đang ghi hình buổi lễ, cũng như những nhân viên kỹ thuật đang phụ trách phát sóng buổi lễ qua đài truyền hình. Bản thân cái sân vận động đó không được lên ý tưởng và xây dựng bởi những người đơn thuần “sống vì ngày hôm nay” – là những lời phản biện của Peterson.
Bài hát “hàn gắn thế giới” chia rẽ dư luận
Sau câu hát “hãy tưởng tượng không còn của cải”, John cũng hoài nghi “tôi tự hỏi bạn có thể không?”. Nhà báo Jim Borghesani trả lời câu hỏi này trên trang Cognoscenti: “Có mà John. Chúng tôi có thể chứ. Tưởng tượng là việc rất dễ". Làm thật mới khó.
Hoặc câu hát “và không còn cả tôn giáo” cũng là chủ đề tranh cãi một thời gian dài. Lời này được viết ra bởi một huyền thoại âm nhạc luôn nhận mình là người vô thần, nhưng cũng từng nói một câu nổi tiếng lẫn tai tiếng: “The Beatles nổi tiếng hơn Chúa Jesus”.
Nhà truyền giáo Ray Comfort , một tác giả sách về John và The Beatles, dẫn lời giải thích của chính John về câu hát gây tranh cãi này: “Đây là một lời cầu nguyện tích cực. Nếu bạn có thể tưởng tượng thế giới hòa bình, không còn thứ bậc hay tôn giáo. Nhưng không có nghĩa là thủ tiêu các tôn giáo, mà là dẹp bỏ thái độ “Chúa của tôi cao cả hơn Chúa của các người”.
Cũng như nhiều ca khúc huyền thoại, Imagine chia rẽ dư luận theo cách đó. Nhiều người tin vào giấc mơ của John, nhiều người nói nó không tưởng. Một bên nói rằng bên kia quá ngu xuẩn để hiểu thấu ý nghĩa sâu sắc của bài hát, một bên nói rằng ý nghĩa bài hát thực ra khá nông (so với chính âm nhạc của John) và mơ mộng viển vông. Những tranh cãi dạng này sẽ không bao giờ đi đến hồi kết.
Thời trẻ, khi nói “The Beatles còn nổi tiếng hơn Chúa Jesus”, chính John cũng vấp phải thái độ “Chúa của tôi cao cả hơn Chúa của các người” như ông lên án sau này. Cần hiểu rằng, John viết Imagine năm 31 tuổi, khi đỉnh cao của The Beatles ở thập niên 60 đã qua. Cách nhìn thế giới của ông rõ ràng đã có nhiều thay đổi.
Nhiều người dựa vào tiểu sử của John để nói rằng trong thời tuổi trẻ của mình, chính John đã có một cuộc sống gần như ngược lại với những lý tưởng trong Imagine. Đến tận lúc bị ám sát, bản thân ông vẫn là một ngôi sao giàu có. Cũng có lời đồn, không phải John mà... Yoko Ono mới là tác giả ca từ của Imagine. Những suy luận chìm vào bí ẩn.
Và ai yêu Imagine vẫn cứ yêu.
Mi Ly
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất