19/05/2016 13:16 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Đạo diễn người Singapore K. Rajagopal đã yêu cầu diễn viên chính trải nghiệm cuộc sống của người vô gia cư trước khi bấm máy A Yellow Bird, bộ phim khắc họa những khía cạnh nhạy cảm nhất của đất nước phồn hoa này, như phân biệt chủng tộc, di cư và ổ chứa.
"Tôi đã yêu cầu diễn viên lang thang và ngủ ngoài đường để trải nghiệm vì ngoài đời, anh ấy không đến từ môi trường sống đó" - đạo diễn Rajagopal cho biết - "Đó là điều khó khăn nhưng anh ấy đã làm được. Tôi muốn anh ấy cảm nhận được thực sự rằng cuộc sống vô gia cư là như thế nào. Đây cũng là lý do tôi rất thích diễn viên này, một người rất cởi mở và mạnh mẽ".
Bộ phim được đánh giá là đã chạm vào "những căng thẳng âm ỉ dưới bề mặt" xã hội của đất nước đa chủng tộc Singapore. Trong phim, nhân vật chính phải ngủ trên nền nhà bếp cùng với mẹ vì bà đã cho những người nhập cư Trung Quốc thuê lại phòng ngủ trong căn hộ nhỏ bé mình đang ở.
"Đây không phải là chi tiết bất thường" - đạo diễn nói - "Mọi người vẫn nhượng lại căn phòng mình đã thuê cho những người nhập cư để lấy tiền trả cho chủ nhà thật. Điều này rất phổ biến, đặc biệt là trong cộng đồng người Ấn Độ nghèo. Một trong những điều tuyệt vời về Singapore là người vô gia cư có thể ở trong các ngôi nhà do chính phủ trợ cấp, nhưng vẫn có tới 90% trong số họ sống trong những căn hộ như tổ chim bồ câu".
Nhân vật chính trong phim "A Yellow Bird" do Sivakumar Palakrishnan thủ vai. Ảnh: Asia One
Rajagopal cũng thừa nhận rằng nhiều người có thể bị sốc bởi cách ông khắc họa về quê hương: "Singapore nổi tiếng với sự hiện đại và có trật tự. Nhưng vẫn còn một mặt khác nữa. Và đó (những gì đạo diễn khắc họa trong phim của mình) cũng là một thực tế".
Phim cũng đề cập đến mối quan hệ giữa các chủng tộc tại đây, khi để nhân vật chính quen biết một phụ nữ trẻ người Trung Quốc bị ép làm gái mại dâm. Nhưng có lẽ chủ đề nhạy cảm nhất mà A Yellow Bird nhắc tới là vị trí của nhóm người thiểu số gốc Ấn trong xã hội Singapore, nhóm người mà chính đạo diễn Rajagopal là một thành viên.
"Tôi bị xem là người ngoại quốc tại chính quê hương mình. Khi tới văn phòng thuế, họ hỏi tôi "Anh từ đâu tới?"" - ông chia sẻ - " Tôi sinh ra ở đây. Nhưng những người có nguồn gốc Ấn Độ vẫn bị coi như người nước ngoài tại Singapore".
Rajagopal, 51 tuổi, người đã theo đuổi sự nghiệp làm phim lâu dài với tư cách là diễn viên kiêm nhà sản xuất phim tài liệu, cho biết: "Nhiều người ở Singapore sẽ không đồng ý với các chi tiết về phân biệt chủng tộc mà tôi nhắc tới. Họ sẽ nói những thứ đó không tồn tại ở đây. Ngay cả những nhóm người thiểu số cũng muốn tránh né chủ đề này. Nhưng dù vậy, rõ ràng là vẫn có sự phân biệt" - đạo diễn khẳng định - "Nhưng nó không hiện hữu trước mắt bạn, nó âm ỉ dưới bề mặt xã hội".
Mời quý vị cùng thưởng thức trailer của bộ phim này:
Duy An
Theo Asia One
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất