Liên hoan âm nhạc châu Âu: Khi món ngon đã được thưởng thức

04/12/2012 07:00 GMT+7 | Âm nhạc

(giaidauscholar.com) - Khi tiếng búng dây ngắt nhịp của tay contrebasse Tom Farmer bắt đầu im tiếng thì tất cả khán giả tại Nhạc viện TP.HCM đã đứng dậy vỗ tay nhiệt liệt. Phần trình diễn của nhóm tam tấu jazz đến từ nước Anh - Empirical - đã hết sức thành công, và quan trọng hơn, họ đã khép lại một Liên hoan âm nhạc châu Âu đang có rất nhiều tín hiệu lạc quan.

Tỉnh giấc

Có lẽ Empirical là một nhóm nhạc jazz may mắn khi họ không thấy khán giả của mình… ngủ gật. Những lần trước, tại TP.HCM, không thiếu những khán giả khi đến xem jazz đã “gật gà” ngay khi chương trình bắt đầu chưa lâu, bất chấp những đại diện jazz đều là những nhóm nhạc có tiếng tăm tại châu Âu.

Nhưng năm nay thì tình hình đã có vẻ khác đi, tất cả những đêm Liên hoan âm nhạc châu Âu tại Nhạc viện TP.HCM đều không còn một chỗ trống, khán giả thậm chí phải đứng xem và phần lớn công chúng là người Việt, trong số đó có rất nhiều người trẻ tuổi.

Dường như công chúng Việt đang “tỉnh giấc” và nhận ra chất lượng thật sự của những lần liên hoan âm nhạc châu Âu. Trong đêm diễn kết thúc của tam tấu jazz Empirical hầu như ai cũng xúc động khi nhận ra rằng jazz lại quyến rũ đến thế. Họ giật mình khi thấy ba chàng trai còn khá trẻ trình diễn các tác phẩm với những đoạn ngẫu hứng như thôi miên. Họ lấy cảm hứng từ tất cả mọi thứ: những bộ phim, những câu tục ngữ, thành ngữ và thậm chí là cả thể thao, tất cả quyện vào nhau…

Nghệ sĩ piano người Hungary - Gyorgy Oravecz

Có khán giả người Việt cho rằng “như thể được nghe lại đúng chất jazz của Eric Dolphy hay Wayne Shorter”. Wayne Shorter cũng đã từng đến Việt Nam cùng Herbie Hancock, cách đây hơn 5 năm và không phải lúc nào công chúng Việt cũng được đón tiếp những huyền thoại như vậy.

Khán giả TP.HCM mê mẩn jazz đến từ xứ sương mù và họ cũng mê mẩn những giai điệu cổ điển đến từ quê hương của Chopin với những tiếng đàn đầy ma lực của những nghệ sĩ như Gyorgy Oravecz (Hungary) hay Karol Radziwonowicz (Ba Lan), Duo D’Accrod (Đức). Năm nay cổ điển chiếm phần lớn thời lượng nội dung của liên hoan và đáng mừng thay, thể loại nhạc vẫn còn kén người nghe tại Việt Nam, lại là thể loại kéo công chúng đến nhà hát đông nhất.

Trước liên hoan nhiều người cho rằng, sự thiên vị hơi lớn dành cho cổ điển sẽ làm cho liên hoan khó có thể thành công được như năm ngoái. Năm ngoái, liên hoan khá đa dạng thể loại, từ pop negro (một kiểu nhạc pop của dân da màu) đến những âm thanh mới lạ kiểu world music của z.b.+ hay những âm điệu Đông Tây kết hợp của tam tấu The Fabien Degryse… và cũng có rất đông công chúng. Tuy vậy, sự phân định dành cho cổ điển năm nay vẫn nhận được sự quan tâm rất lớn của người nghe.

Lạc quan

Sự hăm hở trở lại của công chúng Việt quả là một tín hiệu tốt lành. Hơn một thập niên trước, khi Liên hoan âm nhạc châu Âu còn biết đến với cái tên Liên hoan nhạc Jazz châu Âu thì công chúng Việt đã rất hồ hởi, nhưng sự hồ hởi đó được kéo dài không lâu. Ban tổ chức có thời gian còn mời cả những big band tên tuổi của châu Âu đến trình diễn, nhưng đáp lại chỉ có mỗi khán giả nước ngoài, còn khán giả Việt thì ngày càng thưa vắng.

Những người tổ chức Liên hoan âm nhạc châu Âu chắc đã nhìn thấy điều này. Chinh phục công chúng nếu không quan tâm đến năng lực, khả năng cảm thụ, thậm chí cả thói quen thưởng thức của công chúng ở một “vùng đất” mới thì rất khó tới đích. Và Liên hoan âm nhạc châu Âu bắt đầu… phổ thông hóa. Từ năm 2007, chữ “jazz” được bỏ đi và thay vào đó là những dòng nhạc phổ biến của châu Âu hạ cánh xuống Việt Nam.  Nó đã không chỉ có jazz, mà “chấp nhận sống chung” với nhiều thể loại âm nhạc khác, từ pop, cổ điển đến đương đại. Giá vé ban đầu từ chỗ giảm 50% đến nay đã hoàn toàn miễn phí.  

Hội trường Nhạc viện TP.HCM tuy không lớn, nhưng tất cả các đêm diễn đều chật kín, có đêm khán giả phải đứng. Đó là một thực tế có thể đem lại sự lạc quan cho công chúng và cả nhà tổ chức. Đã hơn một thập niên xuất hiện và bây giờ có thể xem Liên hoan Âm nhạc châu Âu là một món ngon mà công chúng Việt không còn xem là lạ lẫm nữa.

Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm